Lúng túng khâu thẩm định chất lượng, Đắk Nông chậm triển khai "máy tính cho em"

28/12/2022 06:38
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sở Giáo dục Đắk Nông cho rằng, không có yếu tố cố ý trì hoãn làm chậm tiến độ triển khai thực hiện chương trình "sóng và máy tính cho em".

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông, hưởng ứng chương trình “sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Sở đã tiếp nhận số tiền ủng hộ gần 32 tỷ đồng từ cán bộ, giáo viên và các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, riêng Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam ủng hộ 30 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền nói trên đã được chuyển về tài khoản của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông từ đầu tháng 3 để thực hiện việc mua sắm máy tính bảng, trang bị cho học sinh. Tuy nhiên, đến nay, hơn 9 tháng trôi qua nhưng học sinh ở đây vẫn chưa nhận được máy tính của chương trình.

Rườm rà khâu thẩm định chất lượng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Sĩ Thành – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông cho hay, do gặp phải một số vướng mắc trong các khâu thẩm định giá, đánh giá chất lượng, thủ tục đấu thầu, mua sắm… nên chương trình có chậm.

Mặc dù đã nhận được tiền hỗ trợ từ rất sớm nhưng hiện nhiều địa phương vẫn chưa thể triển khai mua sắm máy tính cho học sinh theo chương trình "sóng và máy tính cho em". Ảnh: AN

Mặc dù đã nhận được tiền hỗ trợ từ rất sớm nhưng hiện nhiều địa phương vẫn chưa thể triển khai mua sắm máy tính cho học sinh theo chương trình "sóng và máy tính cho em". Ảnh: AN

Tuy nhiên, hiện nay các bước để mua sắm gần như đã hoàn tất và sẽ ký kết hợp đồng với nhà thầu trong tháng 12/2022. Dự kiến đến đầu năm 2023 thì sẽ trao máy tính đến tay các em học sinh.

“Ban đầu, chúng tôi dự kiến mua 12.792 máy (2,5 triệu đồng/máy). Sau này, nếu đấu thầu giá thấp hơn thì chắc chắn sẽ có thêm máy tính cho các em. Hiện nay danh sách đưa lên gần 19.000 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo cần được cung cấp máy tính”.

Thông tin về tiến độ thực hiện chương trình, ông Thành cho hay, ngày 15/7, Sở đã tổ chức mở thầu và có 2 nhà thầu tham gia đấu thầu gồm: Liên danh TELEQ-VNPT TECHNOLOGY và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vật tư Kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng.

Trên cơ sở báo cáo đánh giá hồ sơ mời thầu của nhà thầu tư vấn đấu thầu (Công ty TNHH đầu tư xây dựng tổng hợp Hoàng Minh; báo cáo thẩm định của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và xây dựng GAIA).

Ngày 18/8, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 913 phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; 2 nhà thầu đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bước vào bước tiếp theo (xét hồ sơ tài chính).

Ngày 22/8, nhà thầu tư vấn có báo cáo đánh giá hồ sơ tài chính theo đó nhà thầu Liên danh TELEQ-VNPT TECHNOLOGY được xếp hạng thứ nhất và được mời lên thương thảo hợp đồng.

Trong quá trình thương thảo hợp đồng, Sở đã yêu cầu đơn vị dự thầu đối với lô sản phẩm máy tính bảng cung cấp cho gói thầu phải được chứng nhận đảm bảo 4 tiêu chí kỹ thuật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông như:

Tiêu chuẩn chống nước theo tiêu chuẩn IPX5, tiêu chuẩn tiết kiệm điện, tiêu chuẩn về chất liệu thân thiện với môi trường, tiêu chuẩn về công nghệ lọc ánh sáng xanh.

Nhưng đơn vị có ý kiến “không thực hiện được và không có đơn vị nào chứng nhận toàn bộ lô sản phẩm mà chỉ có kết quả thử nghiệm trên một sản phẩm là đạt”.

Với ý kiến như thế, chúng tôi lo ngại sản phẩm cung cấp không đồng bộ, không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và 4 tiêu chí theo yêu cầu.

Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (lần 1 ngày 4/10/2022, lần 2 ngày 31/10/2022) đề nghị cho ý kiến về nội dung yêu cầu tất cả sản phẩm thuộc lô hàng cung cấp phải có giấy chứng nhận về 4 tiêu chí.

Trong trường hợp có phương thức khác để thực hiện chứng minh lô sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu thì đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành văn bản hướng dẫn”, ông Thành cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông, đến ngày 15/11, Sở Giáo dục và Đào tạo chưa nhận được phúc đáp từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Để có cơ sở triển khai tiếp theo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo nội dung trên và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn.

“Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ việc thực hiện chương trình "sóng và máy tính cho em"”, ông Thành nói.

Đến ngày 17/11, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận được công văn phúc đáp 4 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trên cơ sở hướng dẫn Bộ Thông tin và Truyền thông thì Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm việc các đơn vị tư vấn rà soát và chọn phương án phù hợp theo phúc đáp của Bộ Thông tin và Truyền Thông.

“Sau khi phân tích các cách thức kiểm tra thì Sở thống nhất là chọn thẩm định theo lô. Tức là chọn bất kỳ một máy nào đó trong lô để kiểm tra chất lượng. Hiện việc thẩm định này cũng vừa xong.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã mời nhà thầu (Liên danh TELEQ-VNPT TECHNOLOGY ) thương thảo lại và các bên đã thống nhất hoàn thiện thương thảo để thực hiện gói thầu. Dự kiến ký kết hợp đồng triển khai trong tháng 12 này”, ông Thành thông tin thêm.

Tiền lãi của 32 tỷ đồng được sử dụng ra sao?

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông, chương trình diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát nên việc triển khai rà soát đối tượng chậm.

Ngoài ra, các tiêu chí theo văn bản kiến nghị công văn 3693/BTTTT-CNTT ngày 23/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông chưa được cụ thể về phương thức thực hiện nghiệm thu các tiêu chí kỹ thuật.

Vì vậy, để đảm bảo theo các tiêu chí kỹ thuật theo kiến nghị trên Sở Giáo dục và Đào tạo đã xin ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền Thông để đảm bảo theo quy định.

“Qua rà soát trình tự thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp, triển khai các nội dung cùng với các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, để đảm bảo các nội dung theo đúng trình tự thủ tục, yêu cầu phối hợp của các đơn vị liên quan nên cần có thời gian để thực hiện.

Còn không có yếu tố cố ý trì hoãn, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện chương trình”, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông cho hay.

Do chậm triển khai hơn 9 tháng nên số tiền 32 tỷ đồng mà Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông nhận về từ tháng 3 đã phát sinh tiền lãi. Vậy số tiền lãi này sẽ được sử dụng ra sao?

Về vấn đề này, ông Thành cho biết: “Khi thực hiện chương trình, Sở đã mở một tài khoản ngân hàng để nhận tiền ủng hộ. Toàn bộ số tiền hỗ trợ được gửi vào đó. Nếu có phát sinh lời lãi thì đều sử dụng để mua máy tính cho các em.

Ví dụ lãi 100 triệu đồng thì lại có thêm một khoản kinh phí để mua thêm máy cho học sinh. Đến khi tổng kết chương trình "sóng và máy tính cho em" thì sẽ hủy tài khoản đó đi. Tất cả các thủ tục đều đúng với quy định về tài chính”, ông Thành nói.

Ngày 20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang về việc đôn đốc triển khai chương trình này (lần 2).

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quá trình mua sắm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn thành, một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi. Việc triển khai ở các địa phương lại rất chậm trễ, gây bức xúc cho giáo viên, học sinh, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ phát động.

AN NGUYÊN