Chuyện cô Quyên khiến tôi xót xa, bừng tỉnh

16/10/2017 09:08
Trinh Phúc
(GDVN) - Còn ông Phạm Tất Thắng: "Nên thống nhất chung của ngành Giáo dục những khoản nào được thu, nguyên tắc của việc thu chi ra sao để các hiệu trưởng thực hiện".

Vấn đề xã hội hóa, huy động nguồn lực từ phụ huynh học sinh để phục vụ việc dạy và học đang tồn tại phổ biến trong ngành giáo dục. Cũng từ chủ trương này xuất hiện việc lạm thu trong nhà trường hiện nay.

Đầu năm học mới, câu chuyện lạm thu trở nên nóng bỏng, nhiều địa phương xuất hiện hiện tượng phụ huynh tập trung đông người, đấu tranh phản đối lạm thu.

Tại Hải Phòng, ngày 18/9, phụ huynh có con em đang theo học tại Trường tiểu học Đặng Cương tập trung trước cổng trường, mang theo băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu bà Lê Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng dừng công tác.

Phụ huynh tụ tập đòi làm rõ các khoản thu ở trường Mầm non Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa (ảnh Xuân Quang).
Phụ huynh tụ tập đòi làm rõ các khoản thu ở trường Mầm non Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa (ảnh Xuân Quang).

Tại Thanh Hóa, ngày 28/9 hàng trăm phụ huynh tiếp tục cho con nghỉ học, tục tập trung tại trường Mầm non Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa để phản đối nhà trường đưa ra mức thu, dự thu quá cao so với quy định từ năm 2014 đến nay.

Nhiều trường hợp sau khi có sự phản ánh của phụ huynh và báo chí nhà trường buộc phải trả lại tiền cho phụ huynh vì các khoản thu không đúng quy định.

Hệ lụy của lạm thu không chỉ làm xói mòn niềm tin giữa phụ huynh với lãnh đạo nhà trường, nảy sinh mâu thuẫn gây mất đoàn kết nội bộ mà còn có thể bị hình sự hóa vì thu chi không minh bạch.

Việc bà Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Lệ Xá bị cơ quan công an tỉnh Hưng Yên khởi tố điều tra về lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi thi hành công vụ và mua, bán hóa đơn vào ngày 10/10 mới đây là một mình chứng cho nguy cơ trên.

Chuyện cô Quyên khiến tôi xót xa, bừng tỉnh ảnh 2Lời cảnh tỉnh của Giáo sư Đào Trọng Thi qua vụ Hiệu trưởng bị bắt vì lạm thu

Tại sao lạm thu lại tồn tại lâu dài như vậy, làm sao để cảnh tỉnh những hiệu không rơi vào vết xe đổ của bà Nguyễn Thị Quyên?.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đặng Thị T. hiệu trưởng một trường Tiểu học ở Hà Tĩnh (xin được dấu tên) cho biết: “Qua câu chuyện cô Nguyễn Thị Quyên bị khởi tố, tôi thực sự thấy xót xa và bừng tỉnh.

Đa số Hiệu trưởng như chúng tôi ai cũng dành tâm huyết cho vấn đề tổ chức, quản lý về chuyên môn hơn là việc quản lý về kinh tế. Phải thú thật là trong vấn đề quản lý thu chi chúng tôi vẫn còn thiếu kinh nghiệm.

Tôi chỉ ước là kinh phí nhà nước cấp đủ cho các trường mà không cần phải huy động tiền từ phụ huynh để tránh tình trạng vì thiếu hiểu biết mà rơi vào vòng lao lý”.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Manh Q. hiệu trưởng một trương Trung học Cơ sở ở Bắc Ninh cho rằng: “Giá mà chả cần huy động tiền ở phụ huynh nhà trường vẫn có đủ kinh phí để hoạt động dạy và học. Nếu vậy thì chả còn Hiệu trưởng nào phải rơi vào cảnh đối mặt với phạm pháp hình sự như bà Nguyễn Thị Quyên.

Chúng tôi chỉ mong được làm việc đặc thù về chuyên môn, còn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động nhà nước cấp đủ hoàn toàn”.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Trước những tâm tư của nhiều thầy cô giáo về nỗi ám ảnh lạm thu, để có cái nhìn sâu hơn về nguyên nhân và gốc rễ của nó.

Ngày 13/10, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Theo ông Phạm Tất Thắng, nguồn gốc của lạm thu xuất phát từ thực tiễn vì nguồn kinh phí dành cho hoạt động nhà trường hạn chế.

Hơn nữa, chủ trương để có một khoản thu phụ huynh đóng góp trên cơ sở tự nguyện với nhau, thống nhất với nhà trường nhằm hỗ trợ hoạt động dạy và học ở nhà trường.

Vị Đại biểu Quốc hội này cho rằng: "Lạm thu bắt đầu khi có chủ trương thu. Trên cơ sở bù đắp kinh phí hoạt động của các trường nên có chuyện một số trường lợi dụng chuyện này để lạm thu.

Giải pháp căn cơ để chống lạm thu là nhà nước phải tạo ra được kinh phí đủ đáp ứng được yêu cầu hoạt động của nhà trường thì lạm thu sẽ chấm dứt".

Chuyện cô Quyên khiến tôi xót xa, bừng tỉnh ảnh 4Khởi tố, bắt giam một Hiệu trưởng lạm thu

Ông Phạm Tất Thắng cho biết thêm: "Có một thực tế, kinh phí dành cho hoạt động của nhà trường nói chung là thấp. Chúng ta có quy định 80% chi cho con người và 20% chi cho hoạt động.

Nguồn kinh phí 20% đó đã thấp rồi nhưng nhiều trường đặc biệt ở một số tỉnh có điều kiện kinh tế không thuận lợi thì nguồn 20% dành cho hoạt động vẫn không được đảm bảo.

Việc này gây khó khăn cho các trường trong hoạt động nên giải pháp căn cơ là phải làm sao đảm bảo được kinh phí cho ngành giáo dục.

Trong đó phải đảm bảo kinh phí 20% dành cho hoạt động của nhà trường".

Với những lập luận của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội có có thể thấy, lạm thu sẽ còn phát sinh vì việc huy động nguồn đóng góp của phụ huynh vẫn đang là một chủ trương cần thiết được áp dụng.

Điều phải bàn hiện nay, thu chi làm sao tránh việc lạm thu, tránh trường hợp các ông, bà Hiệu trưởng vì thiếu hiểu biết mà rơi vào cảnh lao lý.

Theo ông Phạm Tất Thắng: "Trong hoàn cảnh hiện nay, chủ trương xã hội hóa là cần thiết, xã hội hóa sẽ tăng thêm nguồn kinh phí cho trường hoạt động. Tuy nhiên, nguồn thu này phải xuất phát từ chủ trương chung của ngành giáo dục.

Những khoản thu đó phải được làm theo quy trình rõ ràng, cái quy trình đó Bộ phải quy định rõ ràng để các trường áp dụng không để mỗi nơi một ý, thu tùy tiện.

Phải quy định thống nhất giữa nhà trường và ban phụ huynh trên cơ sở tính toán đầy đủ về những hoạt động của nhà trường cần sự hỗ trợ, tham gia của phụ huynh.

Tất cả những khoản thu này rất công khai, minh bạch việc thu việc chi để tạo nên sự đồng thuận, ủng hộ từ phía phụ huynh".

Chuyện cô Quyên khiến tôi xót xa, bừng tỉnh ảnh 5Lạm thu lỗi cũng ở phụ huynh

Rõ ràng, việc thu không thể tránh, trong khi rủi ro trong việc chi, chi như thế nào cho đúng đó mới là bài toàn khó khi đa số Hiệu trưởng nhà trường hiện nay còn mù mờ về cách thu và cách chi.

Về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng cho rằng: “Chi cần thiết phải công khai minh bạch. Các khoản thu từ nguồn phụ huynh phải chi làm việc gì, quy trình đó như thế nào cần thiết phải được bàn bạc nghiêm túc để có giải pháp tổng thể.

Theo tôi, cần làm rõ những khoản chi nào phải có sự thống nhất trong ban phụ huynh với ban giám hiệu nhà trường và những khoản nào ban phụ huynh thống nhất với giáo viên chủ nhiệm để chi.

Đây là kinh phí xã hội hóa, không phải là cần hóa đơn để thanh quyết toán theo quy định sử dụng ngân sách.

Cái quan trọng nhất khoản thu xã hội hóa có sự đồng thuận cao giữa nhà trường với phụ huynh. Quy trình chi phải thống nhất giữa nhà trường với phụ huynh.

Tránh hiểu lầm đây là các khoản chi cần hóa đơn để quyết toán, hóa đơn trong trường hợp này là thể hiện cái minh bạch của người chi trực tiếp đối với việc quản lý số tiến ấy chứ không phải yêu cầu bắt buộc.

Nên thống nhất chung của ngành Giáo dục những khoản nào được thu, nguyên tắc của việc thu chi ra sao và thống nhất ngay từ đầu càng công khai minh bạch càng không có cửa cho hành vi lạm dụng chi không đúng mục đích.

Đây không phải là một quy định cứng, không phải là khoản thu bắt buộc cho nên không thể có những quy định về mặt pháp lý.

Nên cần sự thống nhất của ngành, nội dung nào có thể được xã hội hóa, quy trình thu chi ra sao để Hiệu trưởng biết, căn cứ vào đó mà xử lý”.

Trinh Phúc