Triều Tiên hôm 9/5 tuyên bố tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Đây được xem là một thành công đánh dấu sự tiến bộ đáng kể về khả năng quân sự của quốc gia này, nhưng đồng thời cũng là một mối đe dọa mới với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, Reuters dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết.
Ảnh Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tàu ngầm do KCNA công bố. |
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người từ chối đến Moscow tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít với lý do bận "xử lý công việc trong nước", là người trực tiếp tham gia chỉ đạo vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm ở ngoài khơi.
"Tên lửa đạn đạo xuyên qua mặt nước, lao vọt lên không trung để lại một vệt lửa dài... Cuộc thử nghiệm đã xác nhận, khẳng định rằng tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm chiến lược đã đáp ứng được các yêu cầu khoa học và kỹ thuật", KCNA cho biết.
Mỹ từ chối bình luận về kết quả vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, nhưng cho biết vụ phóng sử dụng tên lửa đạn đạo rõ ràng là vi phạm Nghị quyết của Liên Hợp Quốc, trong đó cấm Triều Tiên phát triển hoặc sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong vụ thử nghiệm. |
"Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành làm gia tăng hơn nữa căng thẳng trong khu vực và thay vào đó nên tập trung thực hiện các bước cụ thể để tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một email hồi đáp Reuters.
Theo Reuters, vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo trên của Triều Tiên đồng nghĩa với việc nước này có thể đã có tên lửa chạm tới lục địa Mỹ.
Kim Jong-un cười rạng rỡ trong chuyến tham gia chỉ đạo trực tiếp vụ phóng thử tên lửa đạn đạo. |
Các cuộc thử nghiệm cho thấy khả năng tên lửa của Triều Tiên vẫn phát triển bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc", nhà phân tích Victor Cha của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết.
Shin In-kyun, người điều hành diễn đàn Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc, cho rằng sự thành công của Bình Nhưỡng trong việc phát triển tên lửa đạn đạo đồng nghĩa với việc hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc có thể đã bị vô hiệu.
Hệ thống này vốn được thiết kế để chặn các tên lửa trên đất liền Triều Tiên chứ không phải từ những chiếc tàu ngầm có thể di chuyển tới Jeju hoặc Guam để phóng tên lửa.