Liên quan tới vụ việc nhà báo Hoàng Khương – Báo tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh bị bắt giam, tính pháp lý của sự việc đến đâu, luật sư Ngô Ngọc Trai - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ ý kiến của mình với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.
LS. Ngô Ngọc Trai nói: Về tội danh và hình phạt Đưa hối lộ được hiểu là hành vi đưa của cải vật chất cho người có chức quyền, để nhờ vả người đó làm một việc có lợi cho người đưa của cải vật chất. Hành vi này xâm hại tới hoạt động có tính chất công khai, minh bạch, vô tư, không vụ lợi của cơ quan công quyền, làm suy thoái đạo đức xã hội.
Theo đó, các dấu hiệu cơ bản của tội đưa hối lộ đó là hành vi đưa của cải vật cất cho người có chức vụ, quyền hạn và sự nhờ vả làm một việc gì đó. Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 có hình phạt rất nặng. Năm 2009 Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, đã bỏ đi mức án tử hình đối với tội danh này. Hiện tại, mức án cao nhất đối với tội đưa hối lộ là tù chung thân với trường hợp của đưa hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên.
Nhà báo Hoàng Khương - Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh. |
Với trường hợp của nhà báo Hoàng Khương, Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ chí Minh, LS. Trai cho rằng, nếu nhà báo Hoàng Khương bị kết tội đưa hối lộ với số tiền là 15 triệu thì sẽ chịu hình phạt ở khoản 2 với mức án từ sáu năm đến mười ba năm tù. Tuy nhiên, thời điểm này là còn quá sớm để khẳng định nhà báo Hoàng Khương có phạm tội hay không và nếu có phạm tội thì mức hình phạt là bao nhiêu năm tù. Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự quy định rõ: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Về việc bắt tạm giam nhà báo Hoàng Khương: Bắt tạm giam để điều tra là một chế định của Bộ luật tố tụng hình sự có mục đích ngăn chặn người bị điều tra có hành vi bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi khác gây khó khăn cho việc điều tra. Bộ luật tố tụng hình sự quy định rất mơ hồ về hành vi gây khó khăn cho việc điều tra và không mô tả rõ nội dung của việc gây khó khăn là gì.
Do vậy trên thực tế cơ quan điều tra thường xuyên áp dụng biệt pháp bắt tạm giam mặc dù người bị điều tra có nhân thân tốt, nơi cư trú rõ ràng và không có chứng cứ cho thấy họ sẽ bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội.
Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam hiện nay còn mang nặng yếu tố bạo lực cưỡng chế, các vụ việc bắt tạm giam để điều tra là biểu hiện trên thực tế của các quy định này. Nội dung này mâu thuẫn với một vấn đề nền tảng là không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Việc bắt tạm giam một người dù có viện lý do gì đi nữa cũng rõ ràng là một hình phạt gây đau đớn về thể xác và đau khổ về tinh thần cho bị can bị cáo. Trong tương lai, chiều hướng sửa đổi bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam là cần tiết chế giảm bớt đi yếu tố bạo lực của hoạt động tố tụng. Hiện tại cũng có quy định về việc bị can bị cáo có quyền đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm và không bị áp dụng biện pháp bắt tạm giam (Điều 93 Bộ luật tố tụng hình sự). Tuy nhiên quy định này rất ít được áp dụng trên thực tế.
Việc cơ quan công an điều tra bắt tạm giam bốn tháng đối với nhà báo Hoàng Khương sẽ dẫn đến sự suy sụp cả về tinh thần về sức khỏe đối với bản thân nhà báo Hoàng Khương và gia đình anh ta. Sự việc này không khỏi khiến ta liên tưởng kết nối với loạt bài phản ánh nạn tham nhũng của một số cán bộ công an.
Vì Vậy LS. Ngô Ngọc Trai cho rằng, nhà báo Hoàng Khương cần có ngay luật sư bào chữa. Gia đình nhà báo Hoàng Khương nên mời ngay luật sư tham gia tố tụng bào chữa cho nhà báo Hoàng Khương. Theo đó trong quá trình điều tra, luật sư sẽ đề nghị cơ quan điều tra khi lấy lời khai của nhà báo Hoàng Khương sẽ thông báo cho luật sư tham gia cùng.
Hoạt động này của luật sư sẽ cố gắng tối đa giúp cho việc khai báo của nhà báo Hoàng Khương được khách quan trung thực, nội dung khai báo đúng với ý chí của nhà báo Hoàng Khương.
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, chiều 2/1, Phòng CSĐT Tội phạm về Trật tư quản lý kinh tế và Chức vụ công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét nhà riêng ông Hoàng Khương - nguyên phóng viên báo Tuổi Trẻ - về tội “đưa hối lộ”.
Trước đó ngày 28/11, cơ quan cảnh sát điều tra công an TP HCM có văn bản gửi đến Cục Báo chí - Bộ Thông tin - truyền thông và Tổng biên tập báo Tuổi trẻ đề nghị kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của phóng viên Nguyễn Văn Khương (tức nhà báo Hoàng Khương).