Ngày 29/5, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC) và Việt Nam ký kết thỏa thuận thành lập khu thương mại tự do (FTA). Sự kiện này đã được mong đợi trong một thời gian dài và được xem là một thành công lớn trong mối quan hệ Việt-Nga cũng như siêu dự án hội nhập Á-Âu.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh Lenta. |
Để hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng cũng như những lợi ích và khó khăn do thỏa thuận này mang lại, tờ Lenta của Nga hôm 29/6 đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ông Anton Svetovekspert, chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế về vấn đề này.
Theo ông Svetovekspert, đây là thỏa thuận đầu tiên về khu thương mại tự do giữa EAEC với một nước thứ ba. Nhưng đối với Việt Nam, đây không phải là thỏa thuận thương mại quốc tế đầu tiên. Tuy nhiên, việc ký kết được FTA với EAEC sẽ là một bước tiến mới trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế giới giới mà Việt Nam coi là một yếu tố thiết yếu của chính sách Đổi mới.
Ý tưởng kết nối Việt Nam với EAEC thông qua thỏa thuận FTA có từ năm 2009. Theo ông Svetovekspert, một trong những đại diện của EAEC từng mô tả về những lý do khiến tổ chức này chọn Việt Nam là đối tác đầu tiên tham gia ký kết FTA là: "Không mạo hiểm quá, đem lại nhiều lợi ích chính trị và kinh tế".
Theo lý giải của ông Svetovekspert, khối lượng thương mại giữa Việt Nam và EAEC không đủ lớn để gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước. Hơn nữa, Moscow luôn xem Việt Nam là một đối tác khá quan trọng trên trường quốc tế.
Theo thỏa thuận, EAEC và Việt Nam đã đặt ra ục tiêu tăng kinh ngạch thương mại song phương lên 8-10 tỉ USD trong vài năm tới, tăng gấp đôi so với mức hiện nay.
Hai bên cũng lên kế hoạch tiết kiệm tiền và lệ phí xuất khẩu, ước tính khoảng 40 triệu USD trong năm đầu tiên ký kết thỏa thuận và sau đó tăng lên 60 triệu USD mỗi năm thông qua việc cắt giảm thuế quan.
Hiệp định hiện vẫn chưa có hiệu lực chính thức. Theo kế hoạch, nó sẽ bắt đầu có hiệu lực trong năm 2016 sau khi hai bên ký kết các thủ tục phê chuẩn cần thiết.
Vào tháng 1 của từng năm tiếp theo, một số thỏa thuận về thuế sẽ có hiệu lực theo lộ trình. Quá trình này sẽ được hoàn tất vào năm 2025. Mức trung bình của thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu sang EAEC của Việt Nam sẽ giảm từ 10% đến 1%, từ EAEC sang Việt Nam sẽ giảm từ 9,7% đến 2%.
Một giá trị khác nữa do thỏa thuận đem lại theo chuyên gia Nga là sự củng cố hơn nữa uy tín của Việt Nam, khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam như là một đối tác châu Á của Nga, là cơ sở cho việc thực hiện các hiệp định tương tự của EAEC cũng như khẳng định vai trò "cầu nối" giúp Nga hội nhập vào Đông Nam Á của Việt Nam.
Theo ông Svetovekspert, nhiều người hy vọng rằng đây chỉ là bước đầu tiên trong việc kết nối Việt Nam với quá trình hội nhập Á-Âu được cho là vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng./.