Chuyển giao công nghệ ngành Kỹ thuật Y sinh gặp vướng, đại diện ĐH kiến nghị

28/08/2023 06:30
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không có hướng dẫn rõ ràng hơn nữa về luật chuyển giao công nghệ, các nhà đầu tư sẽ không dám đầu tư. 

Đào tạo Kỹ thuật Y sinh được thiết kế theo những hướng nào?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, Khoa Kỹ thuật Y sinh được thiết kế theo hai hướng đào tạo chính.

Trong đó gồm thiết kế và ứng dụng thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đất nước về lực lượng kỹ sư phục vụ tại các bệnh viện, và Y học tái tạo nhằm góp phần nâng cao quá trình điều trị và toàn cầu hóa trong lĩnh vực y tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (bên phải) hướng dẫn nhóm nghiên cứu Trường Đại học Quốc tế. (Ảnh: NVCC).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (bên phải) hướng dẫn nhóm nghiên cứu Trường Đại học Quốc tế. (Ảnh: NVCC).

Với thiết kế và ứng dụng thiết bị y tế, Khoa đặt mục tiêu tạo ra đội ngũ kỹ sư có khả năng nghiên cứu chế tạo thiết bị mới và có kinh nghiệm trong bảo trì, sửa chữa và theo dõi các thiết bị máy móc y tế trong bệnh viện. Người học có thể trở thành doanh nhân kinh doanh thiết bị y tế do mình sản xuất hoặc liên doanh với các doanh nghiệp để cung ứng thiết bị cho các cơ sở y tế hoặc cũng có thể làm việc ở các phòng bảo trì vật tư y tế.

Với Y học tái tạo, người học được tập trung nghiên cứu phương pháp điều trị hiện đại nhằm thúc đẩy nhanh quá trình lành thương và phục hồi chức năng mô và tạng. Trong đó có nhóm vật liệu y sinh – tạo các vật liệu hỗ trợ như băng gạc y tế, băng gạc cầm máu, bộ điều trị nhạy cảm răng, tạo da nhân tạo từ da cá, xương nhân tạo từ xương bò (hiện chủ yếu nhập từ nước ngoài).

Khoa tập trung tạo sản phẩm có khả năng thương mại hóa phục vụ nhu cầu thị trường trong điều trị bỏng, ung thư, hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình… Y học tái tạo cũng hướng đến việc tạo ra thuốc hiện đại dạng nano, dược liệu dạng viên nang, tìm ra sản phẩm điều trị thấp khớp, miếng dán ngừa thai từ công nghệ vi kim, ứng dụng AI phát hiện các bệnh về thần kinh,…

"Khoa Kỹ thuật Y sinh đào tạo 3 trình độ gồm cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, góp phần cung cấp đội ngũ nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động. Công tác tuyển sinh thuận lợi, trong đó đào tạo sau đại học thu hút nhiều bác sĩ ở các bệnh viện lớn đến học tập, nghiên cứu", cô Hiệp chia sẻ.

Ngành Kỹ thuật Y sinh của Trường Đại học Quốc tế là duy nhất trong nước đào tạo đạt chuẩn theo tiêu chí của ABET (cơ quan đánh giá giáo dục kỹ thuật của Hoa Kỳ). Do đó, sự khác biệt nổi bật ở ngành Kỹ thuật Y sinh của trường so với các trường đào tạo cùng ngành là sinh viên được thực hành, tiếp cận với nghiên cứu, thiết bị máy móc từ sớm, giúp hình thành trí tuệ, ý thức, tư duy để phát triển thiết bị, sản phẩm mới phục vụ cho y tế xã hội. Đặc biệt chương trình quan tâm đào tạo người học có khả năng học tập suốt đời dựa trên nền tảng đại học.

“Nếu ở các trường đại học khác, ngành Kỹ thuật Y sinh chỉ tập trung vào phát triển mảng Thiết bị y tế hoặc y học tái tạo, thì Khoa Kỹ thuật Y sinh của Trường Đại học Quốc tế chú trọng phát triển cả Thiết bị y tế và Y học tái tạo. Vậy nên, người học được lựa chọn theo hướng nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới hiện đại hoặc theo hướng bảo trì, sửa chữa máy móc và người kỹ sư có cả 2 kiến thức thiết bị y tế và y học tái tạo, từ đó, các nhóm có khả năng chế tạo thiết bị phục vụ nghiên cứu và giảng dạy của cá nhân hoặc của nhóm trong tình hình thiếu kinh phí hoặc thiếu thiết bị trong giảng dạy (đối với các môn đặc biệt)”, cô Hiệp chia sẻ.

Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đào tạo Kỹ thuật Y sinh. Tiến sĩ Nguyễn Thái Hà – Giám đốc Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Y sinh cho biết, ngành Kỹ thuật Y sinh của trường có 3 chương trình: Chương trình tiên tiến, Chương trình chuẩn và Chương trình chuẩn Điện tử - Viễn thông.

Trong đó, Chương trình chuẩn Kỹ thuật Y sinh của trường bắt đầu mở từ năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh 80 sinh viên/khóa. Còn Chương trình chuẩn Điện tử - Viễn thông là chương trình đào tạo ngành Điện tử - Viễn thông, tự chọn chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh, giảng dạy và học tập bằng tiếng Việt.

Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Y sinh tuyển sinh từ năm 2008, là chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Y sinh (thiên về thiết bị nhiều hơn) giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh (trừ các môn Lý luận chính trị học bằng tiếng Việt). Chương trình xây dựng theo xu hướng quốc tế hóa, tăng cường khả năng tiếng Anh chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh. Do đó, học phí Chương trình này gấp khoảng 1,5 so với chương trình chuẩn.

"Từ khi mở chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Y sinh dạy bằng tiếng Việt (năm 2022), chương trình thu hút nhiều thí sinh vào học vì học phí thấp, học bổng nhiều hơn so với chương trình tiên tiến”

_Tiến sĩ Nguyễn Thái Hà_

Sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh Đại học Bách khoa Hà Nội trong tiết học. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh Đại học Bách khoa Hà Nội trong tiết học. (Ảnh: website nhà trường).

Theo khảo sát khoảng 2 tháng gần đây, có 50-60% sinh viên Kỹ thuật Y sinh tốt nghiệp (sau 1 năm) đi làm đúng chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh, còn lại làm lập trình, công nghệ thông tin và một số lĩnh vực khác.

Cô Hà nói, thị trường thiết bị y tế vài năm gần đây bị chững lại do nhiều nguyên nhân. Do vậy, lao động ngành Kỹ thuật Y sinh không dễ tìm kiếm việc làm như công nghệ thông tin, lập trình nên sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Y sinh phân bổ ở các thị trường việc làm khác nhau.

Thực tế hiện sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Y sinh ra làm việc trong mảng gần với kỹ thuật y sinh như: sản xuất thiết bị điện tử y tế, đánh giá sản phẩm, khảo sát chất lượng sản phẩm thiết bị y tế,...

Hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ ngành Kỹ thuật Y sinh còn vướng mắc

Chia sẻ về thực tế hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Khoa, cô Hiệp cho biết, về phía nhà nước, các đề tài nghiên cứu đầu tư cho Khoa hiện vẫn chưa có hướng dẫn về chuyển giao công nghệ.

"Về phía doanh nghiệp, khi cần công nghệ, nghiên cứu đặt hàng với nhà trường thuộc lĩnh vực của Khoa, Khoa sẽ đảm nhận thực hiện. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng gặp một số vướng mắc liên quan đến luật chuyển giao công nghệ.

Các giảng viên của Khoa hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy tốt nhưng việc chuyển giao công nghệ thực tế vẫn chưa phát triển mạnh mẽ như mong muốn. Tới đây, Khoa mong có hướng dẫn về chuyển giao công nghệ một cách rõ ràng để giảng viên của Khoa có thêm thu nhập từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ",

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp_

Hơn nữa, Khoa đào tạo, nghiên cứu tiệm cận với những ứng dụng ở bệnh viện, hỗ trợ đắc lực trong điều trị cho bệnh nhân nên rất cần được sự quan tâm của nhà nước, hỗ trợ nghiên cứu khoa học kỹ thuật liên quan đến y tế, Kỹ thuật Y sinh, hỗ trợ các công trình được chuyển giao cho bệnh viện, nhà đầu tư.

"Nếu không có hướng dẫn rõ ràng hơn nữa về luật chuyển giao công nghệ, các nhà đầu tư sẽ không dám đầu tư. Ví dụ thực tế, Khoa thực hiện đề tài ở tỉnh Bình Dương, sau đó có 1 công ty muốn mua công nghệ nhưng đề tài nhận kinh phí của nhà nước chuyển sang cho công ty buộc phải qua thẩm định, trong khi đó không đơn vị nào dám đứng ra thẩm định đề tài. Đây là khó khăn mà Khoa không vượt qua được", cô Hiệp nói.

Về phía các cơ sở bệnh viện, ngành Kỹ thuật Y sinh là ngành mới, rất quan trọng trong việc hỗ trợ đội ngũ bác sĩ về mặt kỹ thuật, giúp các kết quả chính xác từ đó bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị chính xác cho bệnh nhân. Do đó, cô Hiệp cho rằng, các bệnh viện cũng nên lưu tâm đến ngành này trong tuyển dụng và đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật sinh để các em hiểu hơn về thực tế ngành học.

"Cần xem xét bổ sung vị trí chức danh chuyên viên Kỹ thuật Y sinh trong bệnh viện để tạo việc làm cho sinh viên.

Ngoài ra, xem xét ngành Kỹ thuật Y sinh là ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe thay vì phân ngành này trong nhóm ngành kỹ thuật như hiện nay", cô Hiệp đề xuất.

Mặt khác, cô Hà cho rằng, những sinh viên học Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Y sinh sẽ học bằng tiếng Anh chuyên ngành nên khó. Song, ưu điểm khi đi làm, các em tiếp xúc với công nghệ, thiết bị mới sử dụng tiếng Anh sẽ không phải là thách thức.

"Ngôn ngữ trên các thiết bị công nghệ y tế chủ yếu bằng tiếng Anh, nếu người lao động không biết tiếng Anh thì không làm được và rất thiệt thòi. Đơn cử, khi đơn vị cần cử người đi đón tiếp chuyên gia, trao đổi y học thuật ở nước ngoài nhưng sinh viên không sử dụng được tiếng Anh thì sẽ không được tham gia. Như vậy, giao tiếp và tiếp xúc với công nghệ, trao đổi học thuật ngành Kỹ thuật Y sinh cần phải có tiếng Anh thì cơ hội việc làm và nâng cao chất lượng y tốt hơn”, cô Hà nhấn mạnh.

Cô Hà cho biết thêm, việc hợp tác doanh nghiệp – nhà trường giúp nâng cao kỹ năng tay nghề, giao tiếp cho sinh viên nhưng đang vướng mắc. Cụ thể, năm cuối, sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh cần thực tập nhưng chưa có quy định ký kết hay ràng buộc nào giữa nhà trường – doanh nghiệp nên khó để tìm doanh nghiệp cho sinh viên thực tập.

“Hầu hết sinh viên khối kỹ thuật có kỹ năng giao tiếp chưa bằng sinh viên khối kinh tế, luật,... do đó, kỳ vọng việc hợp tác doanh nghiệp giúp sinh viên của Khoa cải thiện và nâng cao kỹ năng giao tiếp”, cô Hà chia sẻ.

Hiện Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế có 450 sinh viên cử nhân, 30 học viên thạc sĩ, 10 nghiên cứu sinh. Khoa có tổng 13 giảng viên cơ hữu, trong đó có 1 giáo sư, 3 phó giáo sư, còn lại là giảng viên trình độ tiến sĩ (giảng viên đều tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài).

Công tác tuyển dụng giảng viên của Khoa ưu tiên ứng viên ngành Kỹ thuật Y sinh, Sinh hóa, Vật lý, Dược, Vật liệu, Công nghệ thông tin, Điện tử, các ngành liên quan đến dữ liệu, y học.

Ngọc Mai