Ngành Việt Nam học khó tuyển học viên thạc sĩ, thiếu giáo trình chuyên ngành

25/08/2023 06:36
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 3 năm sau dịch COVID-19, số lượng sinh viên người nước ngoài học ngành Việt Nam học giảm 1/3 so với trước dịch.

Việt Nam học là ngành khoa học nghiên cứu đất nước, con người Việt Nam từ những thành tố văn hoá, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán,... Tuy nhiên, số lượng nhân lực trình độ cao vẫn còn thiếu so với nhu cầu thị trường lao động.

Trường Đại học Sư phạm Hà NộiTrường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những cơ sở đầu tiên tổ chức đào tạo ngành Việt Nam học. Mỗi cơ sở đào tạo lại có định hướng riêng trong đào tạo ngành này.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Trưởng khoa Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, ngành Việt Nam học của Khoa có các ngành tương đối hẹp, có thể hình dung với “3 chân kiềng”: Lịch sử, văn hoá, con người Việt Nam; địa lý và những vấn đề kinh tế, xã hội Việt Nam truyền thống đến đương đại; Ngôn ngữ tiếng Việt, và các vấn đề liên quan đến truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước. Trong đó, các báo cáo khoa học, khoá luận tốt nghiệp, sinh viên thường thiên nhiều hơn về các đề tài lịch sử, văn hoá, con người Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài trong tiết dạy cho sinh viên. (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài trong tiết dạy cho sinh viên. (Ảnh: NVCC).

"Việt Nam học là ngành ngoài sư phạm của trường nên sinh viên tốt nghiệp muốn giảng dạy tiếng Việt sẽ phải bổ túc thêm các module về phương pháp học, chứng chỉ nghiệp vụ hành nghề. Song, hiện nay, nhiều sinh viên có thể lựa chọn hình thức học song bằng (một bằng Việt Nam học và một bằng sư phạm). Như vậy, sinh viên có thể đi dạy ngay mà không cần bổ túc chứng chỉ”, cô Hoài chia sẻ.

Cô Hoài nhấn mạnh, ngôn ngữ là thành tố đặc biệt của văn hoá nên khi sinh viên ngành Việt Nam học học kiến thức đa dạng về đất nước, lịch sử, truyền thống, phong tục Việt Nam, giúp các em dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thuận lợi, đặc biệt dạy người học tiếng Việt trình độ cao.

Năm 2023, ngành Việt Nam học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm trúng tuyển là 24,87 tổ hợp C00 và 22,75 điểm tổ hợp D15.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương – Phó Trưởng khoa Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, hơn 20 năm qua, Khoa chỉ tuyển sinh người nước ngoài. Hai khóa gần đây, Khoa tuyển thêm 60 chỉ tiêu/năm dành cho sinh viên Việt Nam. Điều xuất phát từ thực tiễn không chỉ người nước ngoài mà người Việt Nam cũng muốn học và làm việc trong lĩnh vực Việt Nam học.

Hiện tại, chưa kể khóa năm 2023, tổng sinh viên của Khoa là 120 sinh viên người Việt và 100 sinh viên người nước ngoài.

Năm 2023, ngành Việt Nam học của trường có điểm chuẩn là 25 điểm đối với tổ hợp D01, D14, D15 và 25,9 điểm đối với tổ hợp C00. Mức điểm này được thầy Phương đánh giá giữ ở mức cao, tăng nhỉnh hơn năm 2022.

Theo thầy Phương, Khoa Việt Nam học hiện xây dựng theo hai định hướng, một là dịch vụ du lịch dành cho người nước ngoài, hai là giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

"Ở nhiều nước, tiếng Việt được đưa vào giảng dạy ở chương trình phổ thông, là môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (như Hàn Quốc). Chưa kể, những sinh viên người nước ngoài đến Việt Nam học tập, sinh sống cũng cần được học tiếng Việt.

Do đó, Khoa cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực Việt Nam học, quảng bá tiếng Việt và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Sinh viên ra trường có thể hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài.

Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Trung tâm tiếng Việt của Khoa, giảng dạy, thiết kế chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại các cơ sở giáo dục ở trong và ngoài nước", thầy Phương nói.

Còn khó khăn trong tuyển người học thạc sĩ, thiếu giáo trình chuyên ngành

Chia sẻ về tuyển sinh trình độ cử nhân ngành Việt Nam học, theo cô Hoài, những năm qua, Khoa đặt chỉ tiêu bao nhiêu đều tuyển được đủ số lượng sinh viên bấy nhiêu. Năm 2022, 2021, Khoa đạt mục tiêu tuyển sinh là 120 sinh viên ngành Việt Nam học. Năm 2023, số lượng sinh viên trúng tuyển vào Khoa từ 120-150 sinh viên (chưa chốt chính xác vì hiện sinh viên chưa nhập học).

Không thuận lợi như tuyển sinh hệ cử nhân, cô Hoài cho hay, việc tuyển học viên thạc sĩ ngành Việt Nam học trong khoảng 5 năm qua có xu hướng giảm. Hiện tại, Khoa có 20 học viên thạc sĩ.

Cô Hoài cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến số lượng người học thạc sĩ giảm là vì cơ chế chính sách tuyển dụng đối với người tốt nghiệp ngành Việt Nam học, Việc tuyển dụng ở nhiều cơ quan, ban ngành, trường đại học chưa gọi tên đích danh ngành Việt Nam học cũng là khó khăn cho việc tuyển học viên. Do vậy, việc đầu tư 2 năm học thạc sĩ nhưng sau khi tốt nghiệp lại có phạm vi tuyển dụng cho vị trí việc làm hạn chế có lẽ là điều dẫn đến ít người học thạc sĩ Việt Nam học.

Từ thực tiễn giảng dạy và làm công tác quản lý, cô Hoài chỉ ra khó khăn. Thứ nhất, giáo trình và tài liệu giảng dạy, đặc biệt tài liệu chuyên sâu ngành Việt Nam học còn hạn chế nên cơ bản chỉ có tài liệu tham khảo nội bộ theo chương trình và định hướng đào tạo của ngành.

Thứ hai, yêu cầu về khả năng ngoại ngữ rất cần với sinh viên Việt Nam học nhưng sinh viên giỏi có trình độ ngoại ngữ lại ít chọn học. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo, cơ hội việc làm, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Thứ ba, việc bổ sung cán bộ giảng dạy có chuyên ngành sâu về Việt Nam học ở trình độ cao còn khó khăn do thực tế người học có học vị tiến sĩ Việt Nam học hoặc Đất nước học rất ít. Thêm nữa, yêu cầu tuyển dụng về ngoại ngữ, năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên nhà trường ngày càng cao cũng khiến ít ứng viên đủ điều kiện.

“Khoa có 18 giảng viên, trong đó 1 giáo sư, 3 phó giáo sư, còn lại là giảng viên trình độ tiến sĩ. Do số lượng nhân lực trình độ tiến sĩ đúng chuyên ngành Việt Nam học hiếm nên Khoa tuyển dụng thêm giảng viên trình độ chuyên môn ngành gần, trong đó ưu tiên ngành Văn hóa học, Nhân học, Du lịch học”, cô Hoài chia sẻ.

Chủ động khắc phục khó khăn, cô Hoài cho biết, Khoa đang nỗ lực xin các dự án, đề tài để hỗ trợ cho công tác xây dựng giáo trình chuyên sâu ngành Việt Nam học. Trong đó, Khoa đề cao việc tìm kiếm dự án liên quan lĩnh vực Việt nam học ứng dụng để nghiên cứu khoa học của sinh viên có nguồn hỗ trợ. Từ đó, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, các dự án khởi nghiệp sinh viên.

Giảm số lượng người nước ngoài học ngành Việt Nam học

Cùng chia sẻ, theo thầy Phương, Khoa Việt Nam học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng gặp những khó khăn nhất định.

Thứ nhất, sau thời gian dịch COVID-19, nhiều sinh viên nước ngoài e dè khi sang Việt Nam học tập. Cụ thể, 3 năm sau dịch COVID-19, số lượng sinh viên người nước ngoài học ngành Việt Nam học giảm 1/3 so với trước dịch. Khóa tuyển sinh năm 2023, Khoa chỉ tuyển được 10 sinh viên người nước ngoài (còn các năm trước tuyển 40-50 sinh viên người nước ngoài/khoá).

Thứ hai, Khoa mới tuyển sinh được hai khóa sinh viên người Việt Nam nên có nhiều khó khăn. Khoa đào tạo kiến thức rộng, bao quát nội dung liên quan đến đất nước, con người, kinh tế xã hội,… của Việt Nam nên không đủ thời gian để đào tạo chuyên sâu kiến thức ở từng lĩnh vực cho sinh viên. Do vậy, cử nhân ngành Việt Nam học khi định hướng nghề nghiệp bắt buộc phải tự trau dồi thêm chuyên môn mới có thể đáp ứng được thị trường lao động.

Về đào tạo sau đại học, theo thầy Phương, số lượng tiến sĩ ngành Việt Nam học ít, và cũng ít cơ sở đào tạo tiến sĩ ngành này. Xuất phát từ thực tế thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Việt Nam học, Khoa chuẩn bị các điều kiện để đào tạo trình độ tiến sĩ ngành này. Năm 2022 là năm đầu tiên Khoa đào tạo tiến sĩ (tuyển được 5 nghiên cứu sinh) và năm 2023 đang tiếp tục tuyển. Trước đó, Khoa đã đào tạo hơn 20 khóa thạc sĩ (khoảng 20 học viên/khóa).

Hiện Khoa có tổng 29 giảng viên cơ hữu, trong đó có 2 phó giáo sư và 11 tiến sĩ, cùng với sự “chi viện” giảng viên các khoa (ví dụ Khoa Lịch sử) nên công tác giảng dạy đảm bảo chất lượng.

Từ những khó khăn, thầy Phương kiến nghị cho phép tuyển dụng, bổ sung thêm đội ngũ giảng viên chất lượng cao (tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư) về các lĩnh vực chuyên môn sâu của Việt Nam học.

Thêm nữa, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho Khoa. Ví dụ, đối với sinh viên người nước ngoài học ngành Việt Nam học, chủ yếu các em sống ở trung tâm thành phố nên khó khăn khi chi trả các mức sinh hoạt phí, nhà ở. Do đó, nếu được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng (nhà ở, ký túc xá) cho Khoa, sinh viên người nước ngoài có thể ở.

Ngọc Mai