CLB khối Sư phạm Kỹ thuật tìm giải pháp phát triển doanh nghiệp trong trường ĐH

05/10/2023 16:05
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tại Việt Nam, nhiều trường đại học đã thành lập doanh nghiệp trực thuộc nhưng chưa phải là doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ đúng nghĩa.

Chiều 5/10, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) tổ chức hội nghị “Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học – Hướng đi hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp”.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cùng với 6 trường đại học thuộc Câu lạc bộ khối Sư phạm kỹ thuật (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam);…

Ngoài ra còn có sự tham dự của một số doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: PL)

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: PL)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật cho biết, phát triển loại hình doanh nghiệp trong trường đại học là bài học thành công của nhiều trường đại học trên thế giới và trở thành xu hướng phát triển giáo dục đại học theo định hướng “đổi mới sáng tạo”.

Các trường đại học trên thế giới hình thành quanh nó một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hàng trăm vệ tinh là doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ tương tác với các hoạt động học thuật, biến ý tưởng và kết quả nghiên cứu thành sản phẩm có giá trị trên thị trường.

Tại Việt Nam, nhiều trường đại học đã thành lập doanh nghiệp trực thuộc nhưng chưa phải là doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ đúng nghĩa, chủ yếu dừng lại ở công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoặc công ty cổ phần với phần lớn vốn là của trường đại học, nhà trường chi phối hoạt động của các doanh nghiệp đó, giống như một đơn vị trực thuộc trường. Thực tế cho thấy, mô hình này chưa hiệu quả trong thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, mặc dù các viện nghiên cứu, trường đại học có nhiều kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ quan trọng, nhưng hàng hóa khoa học và công nghệ cung cấp từ các cơ sở này còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

PGS.TS. Bùi Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: PL)

PGS.TS. Bùi Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: PL)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Trung Thành nhấn mạnh, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99/2019 có quy định rõ về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, theo đó cho phép thành lập doanh nghiệp trực thuộc trường đại học nhưng chưa có quy định cụ thể hướng dẫn hình thành doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ.

Để chuyển giao hay mang sản phẩm khoa học công nghệ góp vốn vào doanh nghiệp thì thủ tục giao quyền và định giá kết quả nghiên cứu còn phức tạp...

Rõ ràng là để chuyển giao tri thức vào cuộc sống thì việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả và thực sự là cầu nối giữa nghiên cứu và cuộc sống thì các trường đại học cũng cần rạch ròi cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cần có nhiều giải pháp thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại hóa công nghệ giữa đại học - doanh nghiệp...

Trước thực tế trên, hội thảo “Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học – Hướng đi Hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp” tập trung tham luận về cơ chế, chính sách hỗ trợ và cách thức hoạt động thương mại hoá các sản phẩm công nghệ giữa trường đại học - doanh nghiệp để hình thành “doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ" trong khối các trường sư phạm kỹ thuật.

Cùng với đó là các giải pháp thúc đẩy hình thành “doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ” cũng như những kinh nghiệm chuyển giao công nghệ, liên kết với các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ của các trường đại học thuộc Câu lạc bộ.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đóng góp tham luận tại hội thảo (Ảnh: PL)

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đóng góp tham luận tại hội thảo (Ảnh: PL)

Đại diện các trường đại học thuộc khối Sư phạm Kỹ thuật đã đóng góp các ý kiến tham luận liên quan đến: quan hệ doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học; phát triển liên kết 3 nhà “Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp”; các giải pháp tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với doanh nghiệp;…

Cũng tại hội nghị, Câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật công bố Quyết định của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về việc công nhận Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Câu lạc bộ khối Sư phạm kỹ thuật và giữ chức Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ; Thông qua danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam” năm 2023; Trao cờ cho Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long - nơi đăng cai tổ chức hội nghị lần tới (dự kiến tháng 3/2024) của Câu lạc bộ.

Phạm Linh