Có bảo hiểm y tế, phụ huynh không còn phải phân vân khi đưa con đi khám

29/11/2023 08:22
Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thấy được lợi ích của BHYT, nhiều năm qua, Trường THCS Chương Dương đều mua từ 12-15 suất BHYT cho HS có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện đóng.

Nhiều năm qua, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền phụ huynh mua bảo hiểm y tế cho con, Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều mua từ 12-15 suất bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Có bảo hiểm y tế, phụ huynh không còn phải phân vân đưa con đi khám

Cô Bùi Thị Hồng Yến - giáo viên chủ nhiệm lớp 8A4 (Trường Trung học cơ sở Chương Dương) đánh giá: “Bảo hiểm y tế là chính sách thể hiện sự nhân văn của Nhà nước, tác động tích cực tới toàn bộ xã hội, trong đó, có học sinh.

Theo tôi, mức đóng bảo hiểm y tế học sinh hiện nay không phải quá lớn. Mặc dù, có thể sẽ có khó khăn đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận ngược lại, nếu như chẳng may đau ốm, phải điều trị và nằm viện dài ngày, mà không có sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế, thì gia đình lại càng vất vả hơn nữa”.

Lớp 8A4, Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều học sinh được hưởng lợi từ bảo hiểm y tế, được chi trả chi phí khám chữa bệnh. Ảnh: NTCC.

Lớp 8A4, Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều học sinh được hưởng lợi từ bảo hiểm y tế, được chi trả chi phí khám chữa bệnh. Ảnh: NTCC.

Cô Hồng Yến cũng chia sẻ một số trường hợp học sinh của mình từng được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh: “Nhiều em học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi không may, các em phải đi bệnh viện, đã được hỗ trợ rất nhiều, rất tích cực, còn nếu không có bảo hiểm y tế thì quả thực, gia đình phải tự cáng đáng hoàn toàn.

Năm học này, lớp 8A4 cũng có mấy trường hợp như sau: Học sinh T.A.Q. có bố làm bảo vệ, mẹ làm tạp vụ, lương của cả hai bố mẹ cộng lại chỉ được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, học sinh này lại bị hen phế quản (hen suyễn), hằng năm, em phải nhập viện khoảng 4 lần nhất là vào những thời điểm giao mùa. Mỗi lần nhập viện, con phải điều trị khoảng 10 ngày, tính ra là khoảng 40 ngày/năm. Chưa kể, A.Q. còn có một số triệu chứng bệnh khác phải thường xuyên đi khám và lấy thuốc định kỳ (1-2 tháng/lần). Nhờ có bảo hiểm y tế, mỗi lần khám, chữa của em không mất quá nhiều tiền, gia đình cũng giảm bớt áp lực kinh tế.

Hoặc trường hợp của học sinh Tùng Dương lớp tôi, đợt vừa rồi bị sốt xuất huyết, lại vừa bị nhiễm trùng máu, phải nằm viện hơn 10 ngày. Đối với những gia đình mà bố mẹ là người lao động phổ thông có thu nhập chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, thì việc em phải nằm viện như vậy là rất tốn kém. Vì thế, bảo hiểm y tế góp phần chi trả chi phí khám chữa bệnh cho học sinh, sẽ giảm bớt “gánh nặng” cho phụ huynh”.

“Bên cạnh đó, khi học sinh đã có bảo hiểm y tế, nếu các em chẳng may gặp vấn đề về sức khỏe, phụ huynh không cần phải lăn tăn về tài chính nhiều. Gia đình có thể ngay lập tức khi em có triệu chứng là đưa em đi khám, xét nghiệm, sẽ biết được tình trạng bệnh của em như thế nào để có phác đồ điều trị hợp lý, kịp thời” - giáo viên chủ nhiệm lớp 8A4 .

Thầy Nguyễn Tuấn Anh - giáo viên Trường Trung học cơ sở Chương Dương cũng cho biết: “Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội ưu việt mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc.

Đối tượng học sinh được hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ chính sách bảo hiểm y tế: được tiếp cận với công nghệ cao, dịch vụ y tế kỹ thuật trong khám chữa bệnh; giúp gia đình học sinh giảm bớt phần chi phí nếu không may học sinh có ốm đau, bệnh tật. Đồng thời, tham gia bảo hiểm y tế để hưởng những quyền lợi bản thân và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng”.

Thầy Nguyễn Tuấn Anh nhắc lại một số quyền lợi của học sinh khi tham gia bảo hiểm y tế như: Được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội. Được chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo quy định. Được cơ quan Bảo hiểm xã hội tư vấn, hỗ trợ, giải đáp về bảo hiểm y tế cũng như khiếu nại nếu có. Được lựa chọn và thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Được chi trả chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng. Ngoài ra, việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế bây giờ đơn giản hơn rất nhiều; không còn lo thẻ giấy rách nát hay làm mất. Thay vào đó được tích hợp trong ứng dụng VNeID của Bộ Công an hay ứng dụng của Bảo hiểm xã hội số - VssID”.

100% học sinh Trường Trung học cơ sở Chương Dương tham gia bảo hiểm y tế từ nhiều năm nay. Ảnh: NTCC.
100% học sinh Trường Trung học cơ sở Chương Dương tham gia bảo hiểm y tế từ nhiều năm nay. Ảnh: NTCC.

“Với những quy định lợi hưởng trên, 100% học sinh Trường Trung học cơ sở Chương Dương tham gia bảo hiểm y tế từ nhiều năm nay. Và các em cũng luôn được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh theo quy định.

Một số học sinh cũ của tôi trước đây từng bị ốm hoặc gặp chấn thương, đều được bảo hiểm y tế chi trả. Ví dụ như em Nguyễn Hà Dũng (sinh năm 2008), bị gãy tay phải bó bột; hay em Lê Minh Đức (sinh năm 2008) từng bị ốm, phải nằm viện điều trị nhiều ngày cũng được bảo hiểm y tế chi trả hỗ trợ 100%. Nhờ vậy, gia đình các em cũng phần nào giảm được nỗi lo về kinh tế” - thầy Tuấn Anh nhớ lại.

Nhà trường đóng bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn

Trao đổi với phóng viên, cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Bảo hiểm y tế thực sự là một chính sách rất thiết thực, đặc biệt với những nhà trường như chúng tôi, có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ chủ yếu là người lao động từ ngoại tỉnh về đây.

Như thời gian vừa qua, học sinh nhà trường có nhiều em bị sốt xuất huyết, sốt vi-rút, đau mắt đỏ... phải vào bệnh viện điều trị, bảo hiểm y tế đã đỡ rất nhiều. Hay có một số trường hợp học sinh gặp tai nạn, thương tích như gãy chân, gãy tay, hoặc một số em phải đi mổ ruột thừa, cùng được hỗ trợ rất nhiều.

Trước đây, nhà trường từng có một học sinh nữ bị tim bẩm sinh, mà gia đình lại rất khó khăn. Tôi nghĩ, hồi đó, nếu không có bảo hiểm y tế, có lẽ em không thể kéo dài sự sống được. Mặc dù sau này em không qua khỏi, nhưng ít nhất, nhờ có bảo hiểm y tế, em được điều trị, được duy trì trong một khoảng thời gian, được ở bên bố mẹ, ở bên gia đình lâu hơn, được thầy cô và bạn bè quan tâm, chăm sóc, chia sẻ nhiều hơn”.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Mộc Hương.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Mộc Hương.

Hằng năm, mỗi khi có dịp trao đổi với phụ huynh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương đều vận động phụ huynh mua bảo hiểm y tế. Bởi, theo nữ Hiệu trưởng, nếu gia đình đã khó khăn, mà chỉ vì tiếc tiền mua bảo hiểm y tế, đến khi chẳng may đau ốm, số tiền phải chi trả có khi sẽ cao gấp nhiều lần. “Còn với những gia đình khá giả hơn, tôi cũng vận động với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Quỹ Bảo hiểm y tế có thể giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn khác có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn... Sau khi nghe tuyên truyền, nhiều gia đình rất vui vẻ mua bảo hiểm y tế cho con” - cô Nguyễn Thị Vân Hồng bày tỏ.

Năm học 2023-2024, Trường Trung học cơ sở Chương Dương có 25 lớp, với 1.051 học sinh. Năm nay cũng như các năm trước, nhà trường luôn có tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 100%.

Không chỉ vận động phụ huynh học sinh, nhiều năm qua, Trường Trung học cơ sở Chương Dương vẫn tiến hành đóng bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện đóng, duy trì từ 12-15 trường hợp. Như vậy, sẽ đảm bảo quyền lợi cho học sinh nhà trường nếu chẳng may bị bệnh. Cũng vì thế, năm nào, nhà trường cũng được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tuyên dương vì đóng bảo hiểm y tế cho học sinh.

Bên cạnh đó, cô Hiệu trưởng cũng thường xuyên trích tiền túi để giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được ở lại trường ăn bán trú. “Có những gia đình có 2 con đi học, bố mẹ không đủ tài chính để đóng tiền ăn trưa cho cả 2. Cũng có những học sinh từ nhỏ sống với bà, thời gian nghỉ trưa rất ngắn nên em ngại sẽ làm phiền bà... Thế là tôi giúp học sinh của mình có bữa ăn bán trú cùng các bạn, vì em nào cũng rất thích.

Các thầy cô trong trường cũng thường xuyên hỗ trợ học sinh đóng học phí học chính khóa và học phí học buổi 2. Có năm, nhà trường hỗ trợ gần 20 triệu tiền học phí chính khóa cho học sinh; còn học phí buổi 2, cô Hiệu phó Phạm Thị Minh Huệ năm nào cũng hỗ trợ 3-4 học sinh” - cô Nguyễn Thị Vân Hồng chia sẻ.

Mộc Hương