Đam mê tư duy của ngành kiến trúc
Bên ly cà phê ấm áp những ngày cuối đông, Thiên An hào hứng kể với tôi về “đam mê xa xỉ” của một đứa trẻ rất thích vẽ nhưng không được gia đình ủng hộ.
Sinh năm 1995, quê An Giang, từ lúc còn nhỏ, Lê Thiên An đã có sở thích với màu sắc, nét vẽ, hình khối... tạo nên những bức tranh.
Câu nói “cần cù bù thông minh” được An nhắc đến rất nhiều lần khi kể về chặng đường học tập để có được những thành công ngày hôm nay.
An kể, từ lúc học lớp 5 đã rất mê vẽ, có thể vẽ nhiều giờ đồng hồ mà không chán. Cũng vì quá mê vẽ mà An đã "bỏ quên" những môn khác, kết quả học tập sa sút. Điều đó khiến mẹ rất buồn! An thương mẹ nên đã bẻ cây chì gỗ đi, không vẽ nữa và lao vào học các môn tự nhiên trong chương trình phổ thông.
Lê Thiên An, cô gái với giấc mơ đưa bản sắc văn hóa lúa nước vào ngành Kiến trúc, Nội thất (Ảnh: NVCC) |
An chia sẻ: “Mình rất chăm chỉ học hành và ai cũng nghĩ An đỗ đại học ngành Ngôn ngữ Anh, nhưng An rớt. Lúc đó đại học là cả trời tương lai, rớt đại học là một điều không ai nghĩ tới với An cả. Cú sốc đó mình cảm tưởng như mất hết tất cả”.
Trong cơn hoang mang, bế tắc chỉ có vẽ là thứ mà An tìm đến: “Nếu nói về học hành một cách nghiêm túc và bài bản thì từ trước đó mình chưa từng thử qua. Nên khi bắt đầu lại mình muốn tìm lại từ cảm giác cầm bút chì vẽ lần đầu tiên, vẫn đam mê và yêu vẽ như lúc đó”.
Thiên An kể, khi bắt đầu trở lại với môn vẽ thì mê “như điếu đổ”, gặp khá nhiều khó khăn vì không theo học vẽ từ đầu.
"An cũng không nhận được sự ủng hộ của gia đình vì sợ con gái học kiến trúc sẽ vất vả, nhưng An vẫn âm thầm làm thêm để có tiền riêng tự đóng học, mua giấy, đồ dùng dụng cụ môn vẽ… Sự cấm cản của gia đình và kinh tế lúc đó là rào cản nhưng cũng là động lực để em quyết tâm thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, để khẳng định mình có khả năng phát triển tốt với công việc này", An nhớ lại.
Nghề kiến trúc dường như có những sức hấp dẫn nhưng cũng vô cùng khó khăn, để học thành nghề và sống được với nghề thì rất cần đam mê.
Nghề kiến trúc không chỉ giúp cô gái nhỏ xây những ngôi nhà đẹp mà hơn hết Thiên An được rèn luyện một tư duy mới, về hình ảnh, về không gian, về sáng tạo.
Đó không phải là những kiến thức thuộc lòng mà là sự nhạy cảm, tầm nhìn, sự đổi mới không ngừng.
“Không có giới hạn gì cho ngành nghề này, thậm chí chúng ta còn có thể làm nhiều ngành khác nhau sau khi học được tư duy đó. Thiên An nghĩ mình không chỉ mê kiến trúc mà mê tư duy của ngành này mang lại để bản thân trải nghiệm, chiêm nghiệm”, An tâm sự.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và đại diện Ban Tổ chức trao giải nhất cho Lê Thiên An - sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh với công trình “Thiết kế nội thất Resort Hòn Dăm – Phú Quốc”. (Ảnh: CKA) |
Khoe bản sắc văn hóa người Việt
Trong cơn gió se lạnh cuối đông Hà Nội, cô gái nhỏ nhắn chia sẻ về với tôi sự chiêm nghiệm về cuộc sống một cách thú vị, thành thực khi những trải nghiệm không còn là những bài học đầu đời, về cuộc sống mà còn là công việc và cả tương lai, Thiên An suy nghĩ: “Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, cuộc sống chúng ta như bừng tỉnh về những giá trị thật. Đó là sức khỏe, tinh thần và nhận thức.
Kiến trúc cũng vậy, nếu kiến trúc không phục vụ sức khỏe con người thì chắc chắn lâu dài cũng là một mối nguy hại lớn. Giống như một món ăn nhanh, trông rất đẹp mắt, nấu rất nhanh nhưng lại có hại. Một bữa cơm nhà sạch sẽ, giản dị nhưng lại tốt cho sức khỏe. Bữa ăn nào cũng có thể làm chúng ta no nhưng tác động về sau sẽ ảnh hưởng rất rõ.
Còn với yếu tố tinh thần, tất cả mọi thứ chúng ta hưởng thụ, đó không phải xuất phát từ “Mẹ” thiên nhiên sao? Vậy thì khi và chỉ khi chúng ta hướng về “Mẹ” thiên nhiên đó là lúc trở về với bản chất tốt. “Mẹ” ở đâu, làm gì, tinh thần chúng ta cũng được nâng niu.
Khi sức khỏe và tinh thần chúng ta được quan tâm, chú ý thì nhận thức của con người chúng ta cũng thay đổi. “Mẹ” thiên nhiên không chỉ là môi trường sinh thái bên ngoài mà còn là sức mạnh của tình thân, hơi thở, ruột thịt như chính gia đình mình.
Thời điểm Covid-19 xảy ra cũng là lúc Thiên An suy ngẫm nhiều hơn, tập sống chậm lai, học cách yêu thương bản thân, người khác và những thứ xung quanh cuộc sống hàng ngày của mình. Lối sống lành mạnh có lẽ là món quà quý giá nhất mà kiến trúc và nội thất mang lại cho Thiên An”.
Trong thời đại hội nhập toàn cầu, khi con người ta chạy theo những thứ hào nhoáng, bóng bẩy thì cô gái bé nhỏ Thiên An lại làm điều ngược lại, An mong ước khoe bản sắc dân tộc Việt Nam, mang văn hóa lúa nước đi càng xa, đến được nhiều nơi và trở thành bản sắc của kiến trúc Việt.
Thiên An chia sẻ: “Điều hạnh phúc nhất là mỗi khi đi làm trở về nhà lại được mẹ ân cần quan tâm tới miếng ăn, giấc ngủ. Chúng ta có thể đi muôn nơi, nhưng gia đình luôn là nơi bình yên nhất mà chúng ta muốn trở về. Ở đó có mẹ, người dành cả tuổi thanh xuân nuôi nấng, chăm sóc con trưởng thành, rồi lại dành những năm tháng tuổi già chờ đợi, lo lắng cho con".
Từ những điều giản dị, mang màu sắc truyền thống đó đã tạo cảm hứng cho Thiên An chọn những hình ảnh tượng trưng tựa nồi cơm của các bà mẹ ngày xưa.
Trong một thiết kế từng đạt giải mang tên “Spa healing” - có nghĩa là chữa lành, Thiên An mong muốn mỗi chúng ta khi trở về với không gian thiền định, ngắm nhìn mặt nước có thể tự soi thấy bản thân. Chính chúng ta sẽ có cảm nhận đất trời sẽ cho chúng ta một năng lượng mới, không ai có thể ngoài chính bản thân mỗi người đã tự chữa lành những vết thương sâu nơi đáy tâm hồn.
Đầu năm 2021, tại triển lãm Nội thất ISA – giải thưởng sinh viên nội thất Việt Nam với chủ đề “Bản sắc Việt”, tài năng của Lê Thiên An đã được công nhận khi vinh dự nhận hai giải thưởng. Giải Nhất với công trình “Thiết kế nội thất Resort Hòn Dăm – Phú Quốc” và giải thưởng chuyên đề Nội thất xanh.
Nói về những dự định sắp tới, Thiên An muốn sử dụng vật liệu cùng màu sắc của đất trong các công trình mới với mong muốn được giới thiệu bản sắc của người Việt Nam rộng rãi hơn theo một cách chân thành nhưng ở một tầm cao mới.
Trải nghiệm và có được những thành công khá sớm trong ngành kiến trúc, Thiên An gửi gắm đến các bạn trẻ yêu thích kiến trúc câu nói của Nhà văn Lỗ Tấn "Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi”.
An bày tỏ: "Chúng ta là những người trẻ hãy thoải mái sáng tạo, đừng giới hạn mọi thứ trong khuôn khổ hai từ kiến trúc và nội thất, mọi vật chúng ta tạo nên đều xuất phát từ tư duy. Rèn luyện tư duy mới, chúng ta sẽ làm được nhiều hơn chúng ta nghĩ”.