Học sinh giỏi Mỹ tự học là chính, không đánh giá thi đua

26/01/2021 06:55
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ cách thi đến cách lựa chọn học sinh giỏi ở Mỹ khác hoàn toàn với cách luyện mẹo mực giải bài mà nhiều người than phiền về kỳ thi học sinh giỏi ở ta hiện nay.

Trong thời gian qua, dư luận đã có những tranh luận gay gắt về vấn đề thi học sinh giỏi ở Việt Nam.

Bên cạnh những ý kiến ca ngợi cũng có không ít quan điểm cho rằng vấn đề thi học sinh giỏi ở Việt Nam là biểu hiện của căn bệnh sính thành tích.

Theo luồng quan điểm này, các kỳ thi học sinh giỏi ở Việt Nam thay vì phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh thì lại thiên về nhồi nhét, đào tạo theo kiểu luyện “gà chọi”, khác hoàn toàn với cách thi học sinh giỏi trên thế giới.

Một buổi thi Olympic Toán quốc tế. (Ảnh: Vnmath.com)

Một buổi thi Olympic Toán quốc tế. (Ảnh: Vnmath.com)

Để tìm hiểu sâu hơn về sự khác nhau giữa thi học sinh giỏi trên thế giới và luyện giải đề ở Việt Nam, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Nga, giám đốc một trung tâm tư vấn du học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có con đang theo học tại Học viện Calvary Christian (California, Mỹ), bà Trần Thị Nga chia sẻ:

“Con trai tôi hiện đang du học tại Mỹ theo diện học bổng. Khi còn ở Việt Nam, con tôi cũng là học sinh giỏi Toán nằm trong đội tuyển của thành phố Hồ Chí Minh. Để định hướng cho việc học của con tại Mỹ, tôi cũng đã thử tìm hiểu xem việc thi học sinh giỏi ở Mỹ như thế nào.

Ở cấp độ trường học, các trường phổ thông bên Mỹ không tổ chức thi học sinh giỏi theo kiểu tuyển chọn gắt gao như ở Việt Nam. Ở Việt Nam, học sinh giỏi sẽ được tuyển chọn theo cách là thi đỗ đội tuyển của trường, sau đó thi cấp quận, huyện rồi chọn ra những em đứng đầu để thi thành phố. Cứ thế lên đến cấp quốc gia và cuối cùng là quốc tế.

Ở Mỹ thì không như vậy, ai cũng có thể tự do đăng ký thi. Ở Mỹ cuộc thi học sinh giỏi Toán học lớn nhất là cuộc thi American Mathematic Competition – AMC do Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ tổ chức.

Cuộc thi này đã có từ 60 năm nay. Hàng năm có 350.000 học sinh từ 6.000 trường trung học Mỹ tham gia kỳ thi này để giải các bài toán khó và trui rèn đam mê môn Toán.

Cuộc thi này tổ chức cho các học sinh theo từng cấp lớp và sẽ có nhiều cấp độ khác nhau. Cấp độ cuối cùng tất nhiên là sẽ vào Olympic Toán Quốc tế với 6 học sinh xuất sắc nhất.

Theo tôi tìm hiểu, để tham gia cấp độ đầu tiên của cuộc thi này rất đơn giản, ai cũng có thể tham gia, chỉ cần đăng ký một khoản lệ phí trực tuyến từ 50 - 60 USD (tùy cấp lớp), sau đó chọn ngày nào phù hợp theo lịch trình và địa điểm thi nào gần nhất. Khi thi xong, nếu điểm tốt thì sẽ tiếp tục thi vào các kỳ cao hơn”.

Chính vì ai cũng có thể đăng ký thi và không giống kiểu tuyển chọn gắt gao như ở Việt Nam nên theo bà Nga, ở Mỹ hoàn toàn không có các đội tuyển học sinh giỏi chuyên luyện giải đề để đi thi. Cũng chính vì không có các đội tuyển học sinh giỏi nên ở Mỹ không có “lò” luyện thi.

Khi phóng viên thắc mắc rằng: “Nếu không có lò luyện thi vậy thì ai sẽ luyện thi cho thí sinh khi tham gia kỳ thi AMC?", bà Nga cho biết các thí sinh tự học là chính.

“Khi nộp lệ phí tham gia thi AMC, thí sinh sẽ được ban tổ chức tặng các tạp chí về Toán học, giảm giá các loại sách về toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ bán tại các hiệu sách, tham gia các khóa học trực tuyến, giảm giá vé tham gia các buổi hội thảo về toán do Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ tổ chức hàng năm.

Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng liên tục đưa ra những lời khuyên cho các thí sinh trong quá trình tự ôn luyện như: trình bày bài toán sao cho rõ ràng, khúc chiết nhất; Nên giải bài toán bằng nhiều cách vì chẳng có bài toán nào có một cách giải duy nhất; Kết hợp giữa tự học và học từ bạn bè, thầy cô, các chuyên gia”.

“Như vậy, khác hẳn với các học sinh giỏi ở Việt Nam, sau khi đi qua kỳ thi tuyển chọn đầu tiên bắt đầu lọt dần vào các đội tuyển và được luyện như luyện gà chọi, học sinh Mỹ phải tự học là chính.

Trong quá trình này, các học sinh Việt Nam có thể được trường "đặc cách" cho nghỉ môn phụ, thậm chí bỏ học các môn khác vài tháng, về học bù sau mà chỉ tập trung vào học môn mình sẽ tham gia thi học sinh giỏi.

Trong khi đó, học sinh Mỹ vì tự học môn nào là do ưa thích và đam mê, tự đi thi vì nỗ lực muốn chứng minh bản thân có khả năng vượt qua thử thách, nên ở trường vẫn học tất cả các môn học không có gì thay đổi”, bà Nga nhấn mạnh.

Theo bà Nga, chính vì học sinh ở Mỹ đi thi học sinh giỏi là do đam mê, tự túc để chứng tỏ bản thân nên không có chuyện nhà trường lấy kết quả của các kỳ thi học sinh giỏi làm thước đo giá trị để xếp loại học sinh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Cho dù học sinh Mỹ tự học thế nào thì với các kỳ thi Olympic quốc tế, chẳng nhẽ bên Mỹ họ không chuẩn bị gì cho học sinh?”, bà Nga cho biết:

“Ban tổ chức AMC sẽ lựa chọn ra 20 học sinh có điểm số cao nhất sau các cuộc thi từ cấp thấp đến cấp cao. 20 em học sinh này sẽ được ban tổ chức mời đi cắm trại 3 ngày trước kỳ thi Olympic quốc tế để chọn ra 4 em xuất sắc nhất.

Như vậy là bên Mỹ họ chỉ chuẩn bị cho các thí sinh trong 3 ngày so với 3 năm luyện trong “lò” như ở Việt Nam. Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ khác xa cách làm ở Việt Nam hiện nay, và từ đó cho ra những "sản phẩm" học sinh giỏi cũng rất khác nhau.

Một bên là những học sinh giỏi do thực sự đam mê, yêu thích và có khả năng tự học và kiên trì, chịu cạnh tranh cao độ, dưỡng sức để có thể trở thành một nhân tài có thể cống hiến lâu dài cho xã hội.

Một bên là tạo ra những học sinh giỏi ban đầu từ đam mê, yêu thích, sau biến thành gà chọi trong lò luyện, chỉ biết một mục tiêu duy nhất đi thi đoạt giải và có thể có nhiều hệ lụy đi kèm”.

Cuối cùng bà Nga nhấn mạnh: “Học sinh giỏi Việt Nam rất thông minh, kiên nhẫn, đam mê. Nhưng muốn những nhân tài này hữu dụng hơn cho xã hội mai này, có lẽ chúng ta cần sớm thay đổi cách dạy, cách học, các thi, cách khuyến khích tài năng cho phù hợp”.

Đình Hùng