LTS: Trước tấm lòng cao quý, nhiệt thành làm từ thiện của cô Trần Thị Thu Lan - giáo viên Trường trung học phổ thông Trần Văn Bảy (Sóc Trăng), tác giả Lê Đức Đồng đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vượt qua quãng đường hơn 60 cây số, tôi tìm đến nhà cô Trần Thị Thu Lan – một người phụ nữ giàu lòng từ thiện tại ấp 3, đường Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Lộc, tỉnh Sóc Trăng.
Khi được hỏi về ý tưởng làm từ thiện của mình, cô Lan vui vẻ cho biết: từ khi học đại học trên thành phố Hồ Chí Minh, tôi có quen một người chị nấu cơm chay từ thiện… từ đó tôi ấp ủ sẽ có một ngày, khi công việc gia đình tương đối ổn định, tôi sẽ làm việc thiện tại quê hương mình.
Từ năm học 2017- 2018, tôi và nhóm từ thiện là các thầy cô trong tổ Ngữ văn bắt đầu hoạt động.
Cô Trần Thị Thu Lan (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Cô Thu Lan từng đạt giải Ba môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 1997 và được tuyển thẳng vào trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2001, cô tốt nghiệp ra trường và về dạy học tại Trường trung học phổ thông Trần Văn Bảy (Huyện Thạnh Trị - Sóc Trăng) cho đến nay.
Công việc từ thiện mang đến cho tôi và các cô trong tổ Ngữ văn nhiều niềm vui. Tôi khởi xướng và được các thầy cô trong tổ, đặc biệt là thầy Hiệu trưởng hoàn toàn ủng hộ, khích lệ việc làm thiện nguyện của mình.
Ông xã tôi thì ủng hộ hết mình, tạo điều kiện mọi mặt cho tôi và các đồng nghiệp tham gia. Phía sau tôi có ông xã hiểu công việc mình làm nên tôi cũng yên tâm, cô Thu Lan chia sẻ.
Công việc cụ thể của nhóm từ thiện là nấu hơn một trăm suất cơm chay miễn phí vào ngày rằm hàng tháng.
Món ăn chay quen thuộc, hợp vệ sinh, sạch sẽ được người dân lao động đón nhận với tấm lòng biết ơn. Đó là những cụ già, em bé bán vé số, chú chạy xe ôm, là những người lao động nghèo, làm thuê trong khu vực chợ Phú Lộc.
Cô Linh, một thành viên của nhóm cho hay: Đây là công việc tự nguyện của chúng tôi, ai có công thì giúp công, ai có tiền thì giúp tiền. Cả nhóm đặt hàng từ lò đậu phụ, từ lò bún, tiệm gạo… để luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phần cơm chay gồm các món đậu phụ chiên, đậu đũa xào và luôn thay đổi món để phần cơm trở nên hấp dẫn, ngon miệng.
Cô Nhi, cũng là một đồng nghiệp, một thành viên của nhóm hồ hởi chia sẻ: Việc làm này tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn ạ!
“Cánh én hồng” nơi phồn hoa phố thị lặng lẽ lan tỏa yêu thương tới vùng cao |
Chúng tôi muốn thông qua công việc từ thiện này để lan tỏa, giáo dục học sinh tấm lòng nhân hậu, sống biết sẻ chia, biết đồng cảm với những mảnh đời trong xã hội.
Mục đích là làm sao để khơi đúng mạch ngầm của tấm lòng “thương người như thể thương thân” mà cha ông từ xưa từng nhắc nhở.
Cùng với công việc nấu cơm, phát cơm chay từ thiện, nhóm từ thiện của cô Thu Lan đã hỗ trợ 70 bộ áo dài cho những bạn học sinh nghèo. Cử chỉ, việc làm ý nghĩa này đã lan tỏa trong đông đảo học sinh, phụ huynh.
Đầu tháng 8/2018, em Tô Chấn Quốc (học sinh lớp 11A7) gởi tặng nhóm hai triệu đồng để may áo dài cho các bạn có gia cảnh khó khăn.
Hướng trước mắt, nhóm từ thiện mỗi tháng một lần tổ chức nấu 100 suất cơm chay miễn phí trong ngày rằm cho bà con cô bác.
Chúng tôi rất mừng vì đã có nhiều học sinh tham gia trên tinh thần tự giác, tự nguyện. Đây cũng là một hình thức giáo dục các em, dạy làm người và dạy chữ luôn song hành bằng việc làm có ích cho cộng đồng, xã hội.
Khi được hỏi vì sao tham gia cùng với nhóm từ thiện của cô Thu Lan, em Lý Tô Minh Triết và em Trần Thanh Lam (học sinh lớp 12D) vui vẻ nói:
Ba mẹ chúng em rất vui khi biết chúng em tham gia nấu cơm từ thiện. Chúng em nghĩ giúp đỡ, mang đến niềm vui cho mọi người là mình vui lắm rồi!
Em Đỗ Huy Hoàng (học sinh cũ của trường, đang là sinh viên năm thứ nhất, lớp Điện tử công nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng) cũng có mặt trong buổi chuẩn bị cho việc nấu cơm chay, cho biết:
“Em nghe tin cô Thu Lan làm việc thiện này, em đang nghỉ hè nên tranh thủ đến góp sức cùng các bạn…”.
Rất bất ngờ là thầy Phan Văn Tiếng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Văn Bảy cũng có mặt tại nhà cô Thu Lan trong buổi chuẩn bị cho việc nấu cơm từ thiện.
Khi được hỏi ý kiến của nhà trường về việc làm ý nghĩa này, thầy Tiếng khẳng định: Đây là một sáng kiến rất thiết thực, một việc làm đầy lòng nhân ái của cô Thu Lan và của nhóm từ thiện.
Việc làm này có tác động định hướng cho học sinh luôn hướng tới những điều thiện, những việc làm tốt đẹp. Nhà trường rất ủng hộ và tạo điều kiện cho nhóm hoạt động ngày càng lan tỏa trong nhà trường, trong cộng đồng.
Với sự ủng hộ nhiệt tình của nhà trường, của các em học sinh, của cộng đồng, tôi tin nhóm từ thiện của cô Thu Lan sẽ có nhiều đóng góp về vật chất, tinh thần cho cộng đồng, cho xã hội.