Sự cô đơn cùng cực của cô giáo mầm non
Cô giáo Nguyễn Thị Duyên, trường mầm non Tả Ngài Chồ, đã có gần 15 năm cắm bản tại những địa phương xa xôi, khó khăn nhất.
Một mình giữa non cao, xung quanh là bản làng heo hút. Điều cô giáo Duyên phải đối diện mỗi ngày đó là sự cô đơn đến cùng cực.
Chùm ảnh: Học sinh trường Nấm Lư rèn kỷ luật như quân đội |
Gần 15 năm: “Em là giáo viên mầm non”, cô Duyên chứng kiến từng ngày sự thay da đổi thịt của giáo dục vùng cao.
Thế nhưng những khó khăn, vất vả và sự hy sinh của các thầy cô là không thay đổi.
Nhớ lại những ngày đầu lên vùng cao, cô Duyên tâm sự:
“Thời đấy mình còn trẻ, hăng hái lắm. Trong khóa tốt nghiệp ra trường của tôi có tôi và 2 cô bạn nữa.
Ba chị em rủ nhau đăng ký lên huyện Mường Khương – huyện xa xôi, khó khăn của tỉnh Lào Cai.
Lúc lên đây mình chẳng nghĩ gì đâu? Chỉ biết tuổi còn trẻ thì còn muốn đi, muốn cống hiến nhiều hơn cho ngành”.
Nhớ lại những vất vả ngày đầu, cô Duyên kể những chuyện cười ra nước mắt: “15 năm trước khó khăn lắm chứ không được như bây giờ đâu.
Thời chúng tôi lên còn chưa có đường vào đây, 3 chị em phải cuốc bộ gần 30km đường rừng. Đi phải mất 2 ngày mới vào đến điểm trường.
Thời đó cũng không có điện, không có nước sạch. Ban đêm chúng tôi phải thắp đèn dầu. Cả tuần không có nước có khi cũng quên chuyện tắm rửa”.
Cô Duyên gắn bó với giáo dục vùng cao, cắm bản đã 15 năm (Ảnh:V.N) |
Do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, giáo viên cắm bản được phân công ở nhà dân. Cũng chính vì điều này mà cô Duyên thêm yêu và gắn bó với nghề giáo hơn.
Cô Duyên nói: “Chúng tôi được người dân cho ở nhờ. Tuy điều kiện kinh tế thời đó còn vô vàn khó khăn nhưng tình cảm thiêng liêng của các em học sinh và phụ huynh dành cho giáo viên rất đáng trân trọng.
Có những nhà chỉ còn một đùm gạo họ cũng nấu cơm và dành hết cho chúng tôi còn gia đình họ ăn ngô, ăn sắn.
Ở cùng với các em chúng tôi cảm nhận được tình cảm cũng như tinh thần trách nhiệm của người giáo viên.
Chúng tôi tâm niệm phải cố gắng hết lòng, hết sức vì học sinh để thay đổi cuộc sống của các em bằng con chữ”.
Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền (Ảnh:V.N) |
Nghĩ lại quãng đường 15 năm đằng đằng khó khăn, gắn bó nửa đời người với nghề giáo viên. Những khó khăn mà các giáo viên cắm bản phải đối mặt là vô cùng nhiều.
Tuy nhiên khó khăn và nỗi sợ lớn nhất của cô giáo Nguyễn Thị Duyên đó chính là hằng ngày phải đối diện với sự cô đơn, xa chồng, xa con.
Khi nhắc đến những đứa con bé bỏng đau ốm ở nhà, cô Duyên không khỏi xúc động. Nước mắt đã rơi trên khuôn mặt nhà giáo.
Cô Duyên tâm sự: “Ở đây chúng tôi được nhà trường xây dựng cho khu ký túc xá. Những giáo viên ở xa nhà như tôi tối ở lại khu ký túc xá này.
Điều kiện bây giờ đã bớt khó khăn hơn trước kia thế nhưng nỗi sợ lớn nhất là sự cô đơn.
Mấy hôm nay cháu lớn ở nhà đau ốm, kêu khóc mà mẹ thì không có ở nhà. Lòng tôi nhiều lúc đau lắm.
Mình bảo nghề giáo viên mầm non nhất là giáo viên ở vùng cao đúng là bỏ con mình ở nhà để đi chăm con người”.
Vất vả là vậy, nhưng theo cô Duyên: Người giáo viên sẽ không thể nào công tác tốt nếu không có hậu phương vững chắc sau lưng.
Thương yêu, chăm sóc học sinh từng chút một (Ảnh:V.N) |
Cô Duyên chia sẻ: “Tôi rất may mắn khi được ông xã và gia đình cảm thông. Có như vậy mình mới yên tâm công tác tốt được.
Nhiều khi con đau ốm mẹ nóng ruột không biết làm cách nào được. Một mình ông xã và ông bà ở nhà chăm con. Tôi vẫn nói mẹ có lỗi với các con nhiều lắm”.
Những nỗ lực và đóng góp của cô giáo Nguyễn Thị Duyên cuối cùng cũng được ghi nhận.
Đúng dịp 20/11 năm nay, cô Duyên đã được Ủy ban Nhân dân huyện Mường Khương tặng danh hiệu: Chiến sĩ thi đua.
Yêu thương học sinh bằng cả tấm lòng
“Nhìn các con chập chững đến lớp thấy yêu lắm” – cô Duyên cười. Nghề giáo viên mầm non vốn đã vất vả, đối với giáo viên mầm non vùng cao lại càng vất vả hơn.
Bởi ở đây việc chăm sóc các em nhỏ khó khăn hơn nhiều so với học sinh vùng thấp.
Cô giáo mầm non nỗ lực rèn luyện theo gương Bác |
Học sinh ngày đầu xuống lớp vẫn còn giữ tập quán sinh hoạt như khi ở với bố mẹ.
Do đó các cô giáo phải hướng dẫn, chăm lo từng chút một: từ miếng ăn cho đến việc nhỏ nhất là cho các em đi vệ sinh.
Cô Duyên kể: “Các em xuống đây tiếng phổ thông chưa nói được, các cô rất vất vả.
Ở đây thầy cô thay cha mẹ học sinh. Cho nên từ việc ăn, ở cho đến việc nhỏ nhất là đi vệ sinh các thầy cô cũng phải chăm nom, trông chừng các em.
Ngoài ra còn rất nhiều khó khăn nhất là những ngày mưa rét, phải lên các thôn bản dỗ các con đi học”.
Theo cô Duyên, muốn làm tốt nghề giáo viên mầm non trước tiên phải cần đến cái tâm và trái tim thực sự yêu thương con trẻ.
Tại các xã vùng cao, có khi bố mẹ đi làm xa cả tháng, cả năm. Mọi việc chăm sóc con phụ huynh gần như giao phó cho ông bà và cho các thầy cô.
Vì thế những đứa trẻ nơi đây lớn lên trong tiếng dạy bài, tiếng hát và sự đùm bọc của các thầy cô.
Thời gian các em ở với thầy cô còn nhiều hơn với phụ huynh (Ảnh:V.N) |
Thời gian các em ở với thầy cô còn nhiều hơn với cha mẹ. Lâu dần với sự uốn nắn của giáo viên, học sinh cũng quen với nếp ăn uống, sinh hoạt, thay đổi được những tập quán lạc hậu.
Ôm đứa nhỏ trong tay, cô Duyên trải lòng: “Các em là nguồn động viên và động lực lớn nhất để chúng tôi quyết tâm cắm bản.
Ở đây mình dành tình yêu thương cho học sinh chẳng khác nào cho con đẻ của mình. Ngược lại các em cũng rất ngoan, biết ơn và thương các thầy cô. Đó là nguồn động lực lớn nhất.
Tôi mong rằng mình còn nhiều sức khỏe còn đi được đến những bản làng xa xôi mang con chữ cho các em”.
Trong những tiếng í ới của học sinh ríu rít như bầy chim, tiếng cô Duyên bắt nhịp cho các con hát bài: Cô giáo như mẹ hiền. Tiếng hát vọt lên không trung giữa núi rừng Mường Khương nghe sao thấy ấm lòng.