LTS: Chia sẻ nghị lực của cô giáo Lê Thị Nhàn cũng là bạn học của mình sau khi nhà bị lũ cuốn trôi, cô giáo Lại Thị Tính bày tỏ sự cảm phục bạn vừa lấy đó để tự động viên mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cô giáo ấy tên là Lê Thị Nhàn – bạn học Đại học sư phạm của tôi.
Những năm 2001 – 2005 tôi và Nhàn là hai cô bạn chơi khá thân, cùng từ Thanh Hóa nghèo khó vào học tại Trường Đại học sư phạm Huế với ước mơ cháy bỏng: trở thành cô giáo dạy Văn.
Tôi ở lại Huế, may mắn được công tác ở thành phố. Nhàn về quê xin việc. Tận đến năm 2014 chúng tôi mới liên lạc được với nhau qua facebook. Tôi vẫn cứ ấn tượng mãi về cô bạn năng động, mạnh mẽ, dám nói dám làm.
Đùng một cái, cả lớp học đại học chúng tôi lo lắng, đau lòng khi biết tin nhà của Nhàn bị lũ cuốn trôi.
Mưa lớn, lũ bất ngờ kéo về không ai tiên đoán được, kéo đi bao nhiêu là thứ, trong đó có cơ ngơi vững chắc của bạn tôi.
Nhàn kể, năm 2005 ra trường Nhàn xin được đi dạy ở huyện Quan Hóa – miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa.
Biết bao ngỡ ngàng, khó khăn, gian khổ. Thế mà, từ đó đến nay đã 13 năm gắn bó với trường vùng cao, đưa cả chồng lên đây lập nghiệp.
Hiện Nhàn đang là giáo viên dạy Văn, Tổ trưởng tổ Xã hội, Trưởng ban Nữ công, Phó chủ tịch Công đoàn ở Trường Trung học cơ sở Trung Sơn, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa – Thanh Hóa.
Với kinh nghiệm và nhiều thành tích, Nhàn luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền.
Gia đình cô quyết tâm bám trụ vùng cao nên đã xây dựng một căn nhà nhỏ nhìn ra sông Mã nên thơ.
Những tưởng sẽ yên tâm bám lớp, bám trường. Ai ngờ, đêm định mệnh 30/8/2018 vừa qua, cơn lũ lịch sử khủng khiếp đã ập về cuốn trôi tất cả.
Trên nền ngôi nhà cũ của cô Nhàn bị lũ cuốn trôi |
Cả xã Trung Sơn hoang mang, kiệt sức. Có tới 146 hộ gia đình bị lũ cướp đi tất cả, trong số đó có gia đình cô Nhàn và một thầy giáo dạy Tiểu học.
Tại Trường Trung học cơ sở Trung Sơn đến nay có nhiều học sinh đến trường nhưng không đủ quần áo, sách vở.
Đặc biệt có 63 học sinh chưa thể ra lớp vì còn theo cha mẹ chạy lũ, giao thông chia cắt.
Khi tôi hỏi giờ bạn ở đâu thì Nhàn cười vang nói mười ngày nay gia đình cô hiện đang ở tạm tại một phòng kho của nhà trường.
Nhàn tỏ ra là mình còn may mắn có trường để ở, chứ trường Tiểu học của xã còn bị sập hoàn toàn.
Nhiều người khác không những không có chỗ ở mà còn mất cả người thân. Đêm 30/8 ấy còn tưởng là lũ lên tận núi cao cướp đi cơ hội được sống.
Nơi ở mới của cô Nhàn |
Nghe giọng nói của bạn đầy lạc quan mà lòng tôi yên tâm lạ. Chẳng thế mà ngày khai giảng cô còn mặc áo dài cười tươi trên facebook với dòng trạng thái:
“Cảm ơn chồng đã liều mạng “cướp” bộ áo dài khỏi tay lũ cho vợ được mặc lễ khai giảng”.
Có phải tận cùng của mất mát vật chất con người ta sẽ tự động viên mình bằng việc giữ được tính mạng: còn người còn của?
Và khi tôi hỏi về tương lai thì Nhàn cười không ngần ngại tâm sự: "Hiện tại mình phải kiếm một chỗ đất khác, vay tiền xây nhà. Chắc chắn năm năm nữa mình sẽ lấy lại được tất cả những gì đã mất".
Bạn nói nhiều về hoạch định của mình bằng niềm tin phơi phới. Bạn may mắn có cả người chồng và hai đứa con cứng cỏi.
Bạn bảo lớn lên ở vùng cao thì phải “sống trên đá không chê đá gập ghềnh, sống trong thung không chê thung nghèo đói, lên thác xuống ghềnh, không lo cực nhọc”. Dẫn thơ Y Phương xong bạn lại phá lên cười…
Và khi tôi chưa kịp hỏi, nhưng đoán trước được tôi muốn biết nên bạn nói luôn: Bọn mình còn phải đi vận động học sinh ra lớp, còn phải xin các nhà hảo tâm giúp đỡ học sinh mình về mọi mặt. Nói chung bọn mình không có thời gian để buồn.
Nói xong bạn còn khoe con gái nhỏ năm nay vao lớp 1 được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng cho một chiếc xe đạp đến trường, tập xe mới ba ngày mà lao đi vun vút.
Con gái nhỏ của cô Nhàn được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng quà |
Nhàn như thế thì tôi còn lo gì nữa. Tôi tự thấy mình xấu hổ khi được dạy học ở thành phố, một ngôi trường đẹp như mơ với những học sinh xinh xắn,… thế mà đôi lúc vẫn thở dài.
Tôi viết ra đây câu chuyện của bạn tôi để làm động lực cho mình phấn đấu, cũng là để cảm thông, cảm ơn các thầy cô giáo vùng cao!