Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của cô Hà Như Thùy, giáo viên Trường trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh, huyện U Minh, Cà Mau cho rằng, việc mình bị chuyển từ Trường Hoàng Xuân Nhị, xã Nguyễn Phích về đây dạy có điều khuất tất.
Cô giáo cho rằng điều chuyển có khuất tất
Căn cứ theo thông tin do cô Thùy cung cấp, cô là giáo viên tiếng Anh của Trường Hoàng Xuân Nhị từ rất nhiều năm nay.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế vào đầu năm học 2018 -2019 của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, cô Hà Như Thùy từ tháng 9 năm 2018 đã bị điều chuyển sang dạy tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình.
Thế nhưng, trong cách thực hiện việc này của Trường Hoàng Xuân Nhị, huyện U Minh đã khiến cho cô Thùy cảm thấy có nhiều điều khuất tất, bức xúc. Cụ thể:
Vấn đề thứ nhất: Năm học này, Trường Hoàng Xuân Nhị có 8 lớp, 2 giáo viên tiếng Anh, với tổng số tiết thực dạy là 22 (mỗi giáo viên dạy 11 tiết).
Còn các giáo viên Mỹ thuật và Âm nhạc thì mỗi giáo viên chỉ dạy có 8 tiết (đó là chưa kể sang học kỳ 2, số tiết sẽ còn bị giảm), nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn cố sắp xếp cho hai giáo viên này nhận thêm việc khác, để giữ lại biên chế.
Trường trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau (ảnh: camaunews.com) |
Cô Hà Như Thùy đặt vấn đề: Nếu cô là giáo viên trong diện dôi dư, thì cần phải được điều động, hoặc nhận thêm một công việc nhân viên khác của trường. Còn chuyển cô Thùy đi trường khác thì có công bằng với cô không?
Vấn đề thứ hai: Việc điều chuyển cô Thùy sang trường mới được thực hiện, bằng quyết định ký ngày 12/9/2018, nhưng trong thời gian này, cô giáo đang có đơn khiếu nại vấn đề này lên tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã có ý kiến, đề nghị lãnh đạo huyện U Minh xem xét, xác minh và trả lời cho cô giáo trước ngày 15/9/2018 (văn bản 6819 ra ngày 4/9/2018).
Như vậy, việc điều chuyển giáo viên của huyện trong trường hợp này là có vi phạm vào các quy định của pháp luật hay không?
Việc điều động cô Thùy sang trường khác là đúng quy định
Ngày 7/1/2019, ông Trần Hoàng Lạc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về trường hợp điều động của cô Hà Như Thùy.
Theo ông Trần Hoàng Lạc, trong điều kiện ngành giáo dục của tỉnh Cà Mau nói chung, huyện U Minh nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thì việc sắp xếp, điều động cán bộ, giáo viên trong năm học này là đến 150 người chứ không riêng gì cô Thùy.
Lúc đầu, cũng có giáo viên không đồng ý với việc sắp xếp, điều động nhưng khi mời lên làm việc, họ đều đồng ý.
Trường hợp của cô Hà Như Thùy, khi sang trường mới, cô vẫn được đứng lớp bình thường.
Có điều, khi chuyển sang Trường Nguyễn Thái Bình (thị trấn U Minh), cô sẽ không còn được hưởng phụ cấp ưu đãi từ chương trình 135 dành cho xã đặc biệt khó khăn, như ở Trường Hoàng Xuân Nhị ở xã Nguyễn Phích cô đang hưởng (mất vài triệu đồng/tháng).
Tiếng Anh huyện U Minh vẫn còn thiếu giáo viên, nhằm khắc phục tình trạng có nơi thừa, có nơi thiếu, mà cô Thùy lại có nhà ở ngay thị trấn, nên mới có chuyện điều cô về dạy ở Trường Nguyễn Thái Bình.
Khi phân công thì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã họp, xem xét thấu đáo, thận trọng từng trường hợp, tạo điều kiện ở gần nhất cho đội ngũ giáo viên của mình.
Không xếp đứng lớp được thì buộc phải điều sang nơi khác, ở nơi nào còn thiếu, căn cứ vào danh sách của các trường hợp rồi đưa lên.
Thời điểm ký quyết định điều động cô Thùy là vào đầu năm học, cần điều động giáo viên để sớm ổn định tình hình giảng dạy, đảm bảo thời gian dạy của giáo viên, rồi cùng lúc thì cô Thùy lại cũng có đơn khiếu nại về việc này.
Song song đó, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng tiếp cận được văn bản 190, cũng do ông Trần Hoàng Lạc ký ngày 31/10/2018, về vụ việc điều chuyển giảng dạy của cô Hà Như Thùy.
Theo đó, sau khi tính toán, việc bố trí giáo viên tiếng Anh 2 người tại Trường Hoàng Xuân Nhị sẽ thừa cục bộ 16 tiết, còn nếu 1 giáo viên thì chỉ thiếu 3 tiết.
Ngoài ra, căn cứ vào thông tư 16/2017/TT-BGDĐT, theo định mức số giáo viên/số lớp, thì tại Trường Hoàng Xuân Nhị còn thừa 4 giáo viên, và hội đồng xét đã đưa ra danh sách 4 giáo viên, trong đó có 2 giáo viên đồng ý chuyển sang làm nhân viên, còn lại đã chuyển sang trường khác dạy trong đó có cô Thùy.
Giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc là hai môn năng khiếu, chuyên biệt, không thể phân giáo viên dạy thay được. Những giáo viên này còn phải dạy thêm một số bộ môn khác, kiêm nhiệm thêm công tác chủ nhiệm.
Cho nên việc giữ lại, phân công hai giáo viên bộ môn này là phù hợp với điều kiện, cơ cấu môn học ở cấp trung học cơ sở.