Cô giáo Thường đam mê và cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”

15/07/2021 05:49
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bằng tâm huyết và trách nhiệm, cô giáo Nguyễn Thị Thường đã dìu dắt nhiều thế hệ học sinh xuất sắc và đóng góp nhiều thành tích cao cho nhà trường.

Cái duyên với môn Sinh học

Cô giáo Nguyễn Thị Thường chia sẻ về quãng thời gian cuối cấp 3 vào năm 1993, học sinh bấy giờ không có mạng xã hội hay những buổi hướng nghiệp để có định hướng tương lai mà chỉ đơn thuần lựa chọn ngành thi theo môn học sở trường.

Là học sinh lớp chọn Sinh của Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, cô lựa chọn thi chuyên ngành Y nhưng lại không may mắn thiếu điểm ứng tuyển.

Khi đứng trước nỗi lo việc thi lại sẽ khó khăn khi hoàn cảnh gia đình không cho phép, cô nhờ lợi thế điểm thi môn Sinh mà được tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Sinh.

Bước ngoặt quan trọng ấy khiến cô nhận ra bản thân thực sự đam mê và dành cả tuổi trẻ để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Cô giáo Thường chia sẻ với Giáo dục Việt Nam: “Trước đây tôi học chuyên sinh nên định hướng ban đầu là thi Y, tuy nhiên có lẽ không có duyên với nghề nên tôi không đủ điểm để đỗ.

Lúc bấy giờ, gia đình còn khó khăn nên bản thân tôi phải cân nhắc rất nhiều và quyết định không thi lại nữa.

May mắn, đúng thời điểm tôi loay hoay lại biết được thông tin tuyển thẳng vào lớp Sư phạm thể dục - sinh trên đài báo. Với lợi thế điểm thi môn Sinh tôi thuận lợi bước vào cánh cổng đại học.

Cũng từ đó, đam mê với công việc giảng dạy dần nảy mầm trong tôi. Bản thân tôi đã rất nỗ lực học tập để có cơ hội trở thành một giáo viên”.

Nhờ cái duyên với môn Sinh học, cô giáo Thường tìm thấy đam mê và nỗ lực phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" (Ảnh: NVCC)

Nhờ cái duyên với môn Sinh học, cô giáo Thường tìm thấy đam mê và nỗ lực phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" (Ảnh: NVCC)

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1997, cô giáo Thường được nhận công tác tại trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (quận Hồng Bàng) và được giao nhiệm vụ giảng dạy môn thể dục.

“Ban đầu học song song Sư phạm thể dục và Sinh học, mặc dù có thế mạnh ở môn Sinh nhưng nhiệm vụ công tác đầu tiên của tôi là một giáo viên thể dục.

Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn nỗ lực và ban giám hiệu cũng như nhà trường đánh giá cao khả năng quản lý lớp của tôi.

Đến với việc giảng dạy môn Sinh có lẽ lại là cái duyên nữa với tôi.

Thời điểm đó nhà trường thiếu giáo viên dạy Sinh, tôi nhận được sự tín nhiệm và có cơ hội một lần nữa gắn bó môn Sinh, môn học giúp tôi đỗ đại học.

Khi bắt đầu với việc giảng dạy môn Sinh, bản thân tôi cũng gặp một số khó khăn. Tôi biết mình còn thiếu sót kiến thức nên mặc dù lúc bấy giờ con còn nhỏ tôi vẫn quyết định học thêm khóa học Sư phạm Sinh.

Đứng dưới góc độ một giáo viên, dù là bộ môn nào theo tôi việc đầu tư và trau dồi kiến thức tốt nhất là rất cần thiết.

Mình nắm chắc kiến thức mới có thể truyền thụ và trang bị hành trang vững vàng cho mỗi thế hệ học trò” cô giáo Thường chia sẻ thêm.

Cô đã cống hiến nhiều sáng kiến, thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi cho nhà trường và quận Hồng Bàng (Ảnh: NVCC)

Cô đã cống hiến nhiều sáng kiến, thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi cho nhà trường và quận Hồng Bàng (Ảnh: NVCC)

Sau khi hoàn thành khóa học, từ năm học 2014 – 2015 đến năm học 2019 – 2020, cô giáo Thường được Ban giám hiệu nhà trường phân công đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy Sinh học lớp 8, 9.

Đồng thời, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi bộ môn Sinh Học 9 của trường và của quận Hồng Bàng.

Dưới sự dìu dắt của cô giáo Thường, từ năm 2014 đến 2020, học sinh của cô xuất sắc đạt 65 giải Học sinh giỏi cấp quận và thành phố.

Bên cạnh việc bồi dưỡng học sinh giỏi, cô còn cống hiến 5 sáng kiến kinh nghiệm đạt loại A cấp quận và thành phố.

Cô còn tham gia làm cốt cán chuyên môn Sinh Học của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng, Sở Giáo dục và Đào tạo và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công nhận những cống hiến cho ngành giáo dục chung của thành phố, cô giáo Thường nhiều lần nhận được bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác và thực hiện nhiệm vụ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2018, cô vinh dự nhận Bằng Lao động sáng tạo: “Đã đạt danh hiệu Lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2018”.

Đồng hành từng ngày, từng giờ cùng học sinh

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ giảng dạy môn Sinh và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, khi được giao công tác chủ nhiệm cô giáo Thường cũng hoàn thành xuất sắc và thành tích cao cho nhà trường.

Đồng hành với các em học sinh lớp 7B3 cho đến khi bước vào năm cuối cấp, mặc dù không giảng dạy môn chính cô vẫn tìm phương thức của riêng mình để giúp các em hoàn thành tốt kỳ thi, vươn lên top đầu trường về điểm trung bình thi vào 10 trung học phổ thông năm học 2020 – 2021.

Về bí quyết đồng hành, hỗ trợ học sinh hoàn thành tốt kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh và học sinh phải ôn thi trực tuyến, cô giáo Thường cho biết: “Bộ môn tôi giảng dạy không nằm trong các môn thi nên tôi lựa chọn trở thành người tương tác trực tiếp giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Học trực tuyến sẽ không phải là một hình thức học tạm thời trong thời gian dịch bệnh mà nó còn là hình thức học tập mới của thời đại 4.0 và hình thức này đòi hỏi tính tự giác cao của người học.

Để giúp học sinh học tập bằng hình thức này có hiệu quả, tôi luôn chủ động giám sát hay có thể gọi là học cùng học sinh trong mỗi buổi học.

Đối với giáo viên dạy bộ môn thì tôi thường xuyên liên lạc trước, trong và sau buổi học để cập nhật ý thức, thái độ học tập của học sinh và có trao đổi kịp thời cho phụ huynh để khắc phục.

Với học sinh, tôi luôn dõi theo, phê bình và nhắc nhở khi các em lơ là nhưng cũng khen thưởng xứng đáng để động viên.

Có trường hợp những em nghỉ quá 2 buổi tôi trực tiếp đến gia đình gặp gỡ để tìm hiểu tình hình, khó ở đâu cô trò và gia đình cùng tháo gỡ.

Nếu nguyên do từ việc trang thiết bị thì tôi có thể tư vấn hoặc báo cáo Ban giám hiệu để hỗ trợ học sinh.

Còn đối với phụ huynh, tôi chú trọng chia sẻ thông tin về tình hình học tập hàng ngày của con.

Tôi sẵn sàng hỗ trợ các bậc phụ huynh không có thời gian quản lý con bằng cách cho riêng học sinh đó đến trường học trực tuyến dưới sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm.

Thời gian học trực tuyến, học sinh của tôi luôn có sự đồng hành, hỗ trợ 24/24. Dù các em học đến 23h thì tôi cũng giám sát đến 23h.

Học sinh có được thành tích tốt trong kỳ thi vừa qua, tôi như thở phào và tự hào vì những ngày tháng cô và trò cùng nỗ lực được đền đáp xứng đáng”.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự đánh giá cao năng lực làm việc của cô giáo Thường (Ảnh: NVCC)

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự đánh giá cao năng lực làm việc của cô giáo Thường (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Văn Ca – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự cho biết: “Tôi đánh giá cao năng lực làm việc của cô giáo Thường. Đến hiện nay, cô là giáo viên duy nhất trong nhà trường được nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam.

Tôi rất trân trọng cô Thường là người đã đạt được kết quả đó.

Gần đây, khi lần đầu tiên cô nhận nhiệm vụ công tác giáo viên chủ nhiệm, lớp đó trong quá trình dạy học nhiều lần phải thay đổi thầy, cô giáo giảng dạy các bộ môn chính.

Theo đó, về công tác ôn thi vào lớp 10 trung học phổ thông, nhà trường đặt ra sự lo lắng nhất đối với lớp cô Thường chủ nhiệm.

Nhưng đến khi có kết quả, lớp của cô lại được đánh giá cao nhất, đóng góp vào thành tích của nhà trường.

Tôi đánh giá cao việc cô Thường rất tâm huyết, trách nhiệm bằng những việc làm rất cụ thể. Dù không tham gia ôn luyện nhưng lại thường xuyên trao đổi, động viên phụ huynh và học sinh.

Bên cạnh việc động viên bằng lời nói, cô còn dùng những hành động thực tế đã có những tác động tích cực rất lớn.

Cô không nề hà việc dành nhiều thời gian qua trường rồi nắm bắt kịp thời, đến tận gia đình học sinh để trao đổi, hỏi han.

Khi giáo viên giảng dạy giao hệ thống bài tập cho học sinh, cô cũng tiếp nhận hệ thống phản hồi, trở thành mối liên kết giữa người dạy và người học.

Đáp ứng được yêu cầu chuyên môn giữa cô và trò cũng như yêu cầu tác động về mặt tâm lý đến học sinh và phụ huynh.

Sang năm học tiếp theo, tôi sẽ nhân rộng những hành động của cô tới giáo viên toàn trường”.

PHẠM LINH