Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin từ người dân cung cấp cho biết, cô P. là giáo viên môn Văn của Trường trung học cơ sở Lê Anh Xuân, phường 1 – quận 11, thành phố Hồ Chí Minh có tác phong hết sức kỳ cục, đầu cạo trọc, đội tóc giả nhuộm màu vàng.
Ngoài ra, cô P. còn bị phản ánh có dạy thêm lớp 8 tại cơ sở ở địa chỉ 73/5 đường 762 – Hồng Bàng (phường 1), đối diện với nhà trường.
Chính vì thế, phụ huynh cung cấp, cô P. có những biểu hiện o ép trong việc chấm bài kiểm tra môn Văn 15 phút giữa học sinh có và không có học thêm cô.
Lúc 16h40 chiều ngày 4/10/2017, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đi khảo sát thực tế tại địa chỉ nói trên.
Theo đó, một người đàn ông lớn tuổi sống tại ngôi nhà này khẳng định, cô P. không dạy thêm tại đây, nhưng cùng lúc, có 1 học sinh khối 9 của Trường Lê Anh Xuân thì nói ngược lại, cô P. có dạy thêm tại đây (thứ 3, thứ 5 hàng tuần, tứ 17h đến 18h30).
Cơ sở dạy thêm Long Vi với các em học sinh mặc quần áo trường tiểu học tới chuẩn bị học thêm (ảnh: P.L) |
Tầng trệt của ngôi nhà này còn có nhiều biểu hiện cho giáo viên dạy thêm khối tiểu học, khi để rất nhiều bàn ghế, học sinh mang phù hiệu của rất nhiều trường tiểu học ở quận 11 (trong đó có Trường tiểu học Hưng Việt).
Ngày 5/10, xác nhận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trần Kim Ngân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 1, quận 11 thông tin, cơ sở dạy thêm Long Vi ở tại địa chỉ mà phóng viên nêu là có phép được quận cấp ngày 9/9/2016, có giá trị 2 năm.
Tuy nhiên, việc cho giáo viên khối tiểu học thuê phòng dạy thêm trái với thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Ngân nói thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc này, và hứa sẽ có kiểm tra lại.
Bản giải trình của cô P. gửi lãnh đạo Trường Lê Anh Xuân và quận 11 (ảnh: P.L) |
Ngày 7/10, làm việc trực tiếp Ban Giám hiệu Trường Lê Anh Xuân, và cả cô P., người bị phụ huynh phản ánh, cô giáo này thừa nhận có chuyện cô đội tóc giả màu vàng lên lớp giảng dạy.
Nguyên nhân, cô P. giải thích là do việc này không nằm trong quy chế bị cấm của nhà trường, và tóc giả này là do đồng nghiệp mua.
Khi có thông tin bị phụ huynh phản ánh việc này từ Hiệu trưởng Lê Văn Hoàng nói lại, cô P. đã chấm dứt, không còn đội tóc giả màu vàng lên lớp dạy nữa.
Về việc dạy thêm, cô P. nhấn mạnh, tại thời điểm này (thời điểm làm việc), cô không có dạy thêm tại địa chỉ nói trên.
Khi được hỏi là như vậy trước đây, cô P. có dạy thêm tại địa chỉ 73/5 hay không, cô giáo này đã không đồng ý trả lời câu hỏi.
Đối với việc có hay không việc o ép điểm số bài kiểm tra môn Văn giữa học sinh có và không có học thêm, cô P. nói rằng, đã đi hỏi học sinh các lớp mà cô dạy, kể cả giáo viên chủ nhiệm ở các lớp xem có học sinh, phụ huynh nào ý kiến về điểm số, chất lượng dạy của cô hay không, thì tất cả mọi người đều không có ý kiến phản ánh, hay khiếu nại gì.
Tuy nhiên, ngược lại, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trong tay biên bản làm việc ngày 6/10/2017.
Trích biên bản làm việc của địa phương với gia đình ở địa chỉ 73/5, xác nhận cô P. có dạy thêm (ảnh: P.L) |
Biên bản này được lập lúc 9h35, tại địa chỉ 73/5 đường 762 – Hồng Bàng, phường 1, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.
Tham gia kiểm tra gồm: Bà Trần Kim Ngân – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 1, ông Lê Văn Hoàng – Hiệu trưởng và Ban thanh tra nhân dân của Trường Lê Anh Xuân.
Tại địa chỉ này, bà Đinh Thị Tuyết, chủ nhà đã xác nhận, cô P. có dạy thêm từ ngày 4/9 đến ngày 5/10 thì bất ngờ xin nghỉ dạy.
Cũng cần phải lưu ý rằng, Trường trung học cơ sở Lê Anh Xuân, quận 11, nơi cô P. đang công tác là trường học 2 buổi/ngày, và học sinh cô P. dạy thêm chỉ là học sinh khối 8, mà cô P. cũng dạy chính khóa ở trường là 4 lớp 8 (từ 8A3 đến 8A6).
Thầy Lê Văn Hoàng – Hiệu trưởng khẳng định, việc cô P. có dạy thêm đã rõ, còn về việc có hay không o ép điểm số bài kiểm tra của học sinh, hiện nhà trường vẫn đang tiếp tục xác minh, và sẽ sớm có kết quả trong thời gian sớm nhất.
Như vậy, với việc xác nhận từ chủ nhà và căn cứ vào biên bản làm việc của địa phương đã đủ để chứng minh, cô P. đã từng dạy thêm tại địa chỉ 73/5 đường 762 – Hồng Bàng.
Việc dạy thêm của cô P. là trái với quy định được ghi rõ tại thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các quy định về dạy thêm học thêm mà thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành.
Ngoài ra, việc này còn thể hiện sự thiếu trung thực của cô P. khi làm việc với nhà trường, và cả với phóng viên, mà một trong những nguyên nhân sâu xa hơn cả là do cô biết mình làm không đúng quy định theo thông tư 17.
Học sinh luôn là những trang giấy trắng tinh. Nếu một ngày nào đó, các em biết được những thủ đoạn thiếu trung thực, nói dối từ những người được các em tôn trọng, quý mến nhất (thầy cô giáo dạy hàng ngày ở trường), thì không có lý do gì, khi có điều kiện, các em lại thực hành việc này với cha mẹ, thầy cô giáo hay bạn bè.
Một nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng phát biểu trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, những giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu trung thực thì cần được đề nghị đưa ra khỏi ngành, để làm gương cho các giáo viên khác không vi phạm.