Sinh ra không được bình thường như bạn bè đồng trang lứa nhưng hơn 20 năm qua, chị Lê Thị Lan Anh (sinh năm 1976, trú tại thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) đã dùng chính nghị lực của bản thân để "truyền ngọn lửa đam mê" học tiếng Anh cho nhiều thế hệ học trò.
Chị Lê Thị Lan Anh cùng các học sinh tại lớp học tiếng Anh của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Di chứng chiến tranh
Vào một ngày cuối thu năm 1976, vợ chồng ông Lê Duy Toàn (sinh năm 1951) bận rộn hơn thường lệ nhưng khuôn mặt ai cũng hiện rõ nên sự hồ hởi. Còn gì vui mừng hơn khi đứa con vợ chồng ông chờ đợi sắp sửa chào đời.
Thế rồi, niềm vui mừng bỗng chốc biến thành sự lo lắng khi vợ chồng ông được các bác sĩ cho biết đứa con mới chào đời của ông bà “xinh xắn lắm nhưng ông trời không cho cháu được hoàn hảo”.
Nhiễm chất độc hóa học trong thời gian chiến đầu tại chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế khiến người con đầu lòng của vợ chồng ông bị ảnh hưởng.
Ông Toàn bảo: “Ảnh hưởng của chất độc hóa học khiến Lan Anh gặp chứng vẹo cột sống nghiêm trọng, chân tay co quắp ngay từ khi mới được sinh ra. Thậm chí, lúc mới sinh, Lan Anh yếu đến mức không thể cất tiếng khóc chào đời”.
Bằng tình thương, vợ chồng ông Toàn động viên nhau cố gắng chăm sóc con. Ông bà đưa con đi nhiều nơi để thăm khám nhưng đến đâu các bác sĩ cũng đều lắc đầu. Thời bấy giờ, ông Toàn vẫn còn đang công tác trong quân đội trong khi vợ ông cũng đang làm công nhân ở Mỹ Đức (Hà Nội).
Không thể nghỉ việc lâu để chăm sóc con được nên khi mới lên 8 tháng tuổi, cô bé Lan Anh đã được gia đình gửi về cho bà nội chăm sóc.
Trong trí nhớ Lan Anh, tuổi thơ của chị là những tháng ngày vật vã chiến đấu với bệnh tật. Tuy vậy, cũng chính nhờ sự quan tâm, chăm sóc cùng tình thương vô bờ bến của bà nội và người thân đã khiến chị mạnh mẽ vượt qua những tháng ngày khó khăn trong đời.
Đến tuổi đi học, mặc dù nhận thức rõ được sự khác biệt của mình so với những bạn bè cùng trang lứa nhưng Lan Anh vẫn nhất mực xin bố mẹ để được đi học.
“Thời điểm đó, sức khỏe Lan Anh rất yếu, không thể cầm bút viết chữ. Vợ chồng tôi cũng sợ Lan Anh sẽ bị chúng bạn trêu chọc nên cũng phân vân trong việc cho con đi học”, ông Toàn chia sẻ.
Tuy nhiên, chính sự quyết tâm của cô con gái khiến vợ chồng ông đi đến quyết định để con được đến trường. Lan Anh bắt đầu những tháng ngày đầu tiên được cắp sách tới trường.
Sống trong vòng tay yêu thương, bảo bọc của bà nội và người thân từ khi còn nhỏ nên trường lớp đối với Lan Anh lúc này là điểm đến đầy bất ngờ và thích thú nhưng cũng có nhiều bỡ ngỡ.
Khoảng thời gian đến trường với Lan Anh quả thật không bình yên. “Bên cạnh thầy cô và các bạn cảm thông, giúp đỡ tôi, cũng có nhiều bạn bè trêu chọc khiến nhiều lúc tôi rất buồn”, chị Lan Anh nhớ lại.
Chị Lê Thị Lan Anh cùng các học sinh tại lớp học tiếng Anh của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Vượt lên số phận
Những lời trêu chọc mặc dù khiến bản thân rất buồn nhưng mặt khác là động lực để cho chị cố gắng, theo đổi đam mê với việc học của mình.
Để không phụ lòng của bà nội, bố mẹ và người thân, Lan Anh ngày đêm nỗ lực và luôn là một trong những thành viên có thứ hạng học tập cao trong lớp.
“Lan Anh viết chữ rất đẹp, đến mức khi xem vở tôi còn không tin đây là chữ do con gái viết. Đến năm lớp 4, Lan Anh chọn tham dự cuộc thi viết chữ đẹp và đến năm lớp 6 thì được đi thi học sinh giỏi môn Văn của trường”, ông Toàn nhớ lại.
Trong những năm tháng đó, người đồng hành với cô bé Lan Anh chính là bà nội. Trong tâm trí của mình, bà nội là “đôi chân”, là chỗ dựa vững chắc suốt cả tuổi thơ đầy biến động của Lan Anh.
“Những ngày mưa, sợ cháu đi không vững, bà lại dắt tôi đến trường. Nhiều lúc trời mưa, đường sình lầy, hai bà cháu ngã sõng soài trên đường nhưng bà vẫn động viên tôi cố gắng học tập”, chị Lan Anh tâm sự.
Nỗ lực của cô Lê Thị Lan Anh chính là tấm gương cho chính các em nhỏ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Bằng nghị lực của bản thân, từ một cô bé có thể trạng yếu, thường xuyên bị bạn bè trêu trọc Lan Anh trở thành một tấm gương sáng trong học tập khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Thế nhưng “cuộc đời đâu phải lúc nào cũng như dòng nước êm trôi” sau khi vừa hoàn thành xong chương trình học lớp 8, sức khỏe Lan Anh suy yếu. Ký ức sau đó của chị là những tháng ngày đau ốm, ở trong viện nhiều hơn ở nhà. Sức khỏe yếu không cho phép chị tiếp tục theo học phổ thông như các bạn.
Những ngày tháng không được đến lớp đó đã vô tình khơi dậy niềm yêu thích với môn tiếng Anh cho chị.
“Ngày ấy, internet chưa có nhưng tuần nào cũng có chương trình dạy tiếng Anh trên vô tuyến. Tôi theo dõi thường xuyên và bị cuốn hút với thứ ngôn ngữ mới lạ này. Theo dõi nhiều, tôi lại thấy bản thân có tình yêu với tiếng Anh nên đã xin bố mẹ cho đi học”, chị Lan Anh nói.
Không ngăn được quyết tâm của con, vợ chồng ông Toàn phải gật đầu đồng ý cho con đi học. Lan Anh được gửi ra sống tại nhà một người bác ở Hà Nội và được mời gia sư đến dạy. Được trở lại với việc học, Lan Anh nỗ lực, say mê, học quên ngày đêm khiến người thân nhiều khi cảm thấy lo lắng.
Dẫu vậy, theo học được hơn một năm, chị Lan Anh đành phải gác lại việc học tập. Phần vì sức khỏe không cho phép, “phần vì học với gia sư họ cũng chỉ dạy mình ngữ pháp, không giao tiếp bằng tiếng Anh nhiều và chi phí theo học vượt quá khả năng nên tôi nói với bố mẹ không học nữa”, chị Lan Anh chia sẻ.
Chị trở về nhà, chị Lan Anh nhưng vẫn dành dụm tiền mua sách tự học, trau dồi kiến thức rồi sau đó đăng ký thi và được cấp chứng chỉ C tiếng Anh.
Nói về kinh nghiệm học tập của mình với môn tiếng Anh, chị Lan Anh cho biết: “Quá trình học với gia sư, tôi cố gắng nắm bắt được những kiến thức về ngữ pháp. Những từ mới đều được tôi ghi ra riêng một quyển sổ để làm tư liệu và cố gắng ghi nhớ càng nhiều từ càng tốt.
Với mỗi từ mới, tôi học đi học lại hàng có khi đến cả chục lần. Từ nào khó nhớ, tôi ghi vào giấy, dán lên tường học đến khi nhớ mới thôi”.
Theo chị Lan Anh, khó khăn lớn nhất khi học tiếng Anh là kỹ năng phát âm và nghe. Để luyện hai kỹ năng này, chị thường mua băng về nghe và phát âm lại có khi đến méo cả tiếng băng.
Khi internet phát triển, chị có điều kiện tiếp cận với nhiều phương pháp học tiếng Anh khác nhau, các kỹ năng cũng nhờ đó mà tiến bộ hơn.
Chị luôn tâm niệm “kiến thức mình học được chỉ như những hạt cát giữa sa mạc. Nếu không ngừng học tập, trau dồi, bản thân mình sẽ bị thụt lùi”.
Chia sẻ niềm đam mê
Chị Lan Anh bảo, mặc dù có đam mê với môn tiếng Anh nhưng chưa bao giờ chị nghĩ có ngày chị sẽ trở thành một giáo viên giảng dạy môn học này. Cái cơ duyên đưa chị đến với nghề “gõ đầu trẻ” cũng thật tình cờ.
Theo đó, sau khi nghỉ học, chị Lan Anh trở về sinh sống cùng gia đình. Những lúc rảnh rỗi, chị thường hay xuống quán nước trông hàng giúp bố mẹ.
Khi đó, “tiếng thơm” về khả năng học tiếng Anh của chị đã được nhiều người dân trong khu phố biết đến.
“Hôm đó có chị hàng xóm có sang nhà chơi, thấy tôi đang cầm quyển sách học tiếng Anh nên chị ấy cũng kể chuyện gia đình và ngỏ ý muốn nhờ tôi kèm cặp môn học này cho con chị ấy.
Thấy chị ấy nói thế, mình cảm thấy rất vui nhưng cũng trao đổi lại rằng mình chưa qua trường lớp nào cũng không có kinh nghiệm trong việc dạy học.
Tuy vậy, chị ấy vẫn nhất quyết nhờ tôi kèm cặp hộ nên tôi đành đồng ý. Đó cũng là đứa trẻ đầu tiên gọi tôi bằng hai tiếng cô giáo”, chị Lan Anh hồ hởi nhớ lại.
“Tiếng lành đồn xa”, lớp học của cô giáo Lan Anh được nhiều người biết đến và tin tưởng gửi gắm con em mình.
Chị Lê Thị Lan Anh nhận bằng khen về gương “Người tốt, việc tốt” do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ trao tặng. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Thời gian đầu, với mong muốn lớn nhất là được trở thành một người có ích, được truyền dạy những kinh nghiệm của mình cho người khác nên chị Lan Anh nhận dạy miễn phí.
Dần dần số học sinh theo học tăng lên nên các phụ huynh muốn chị thu học phí để có kinh phí duy trì việc học lâu dài.
Lớp học đặc biệt của chị Lan Anh ngoài những học sinh bình thường còn có cả những trẻ bị khuyết tật.
Với những em này, chị Lan Anh tạo điều kiện bằng cách giảm hoặc miễn học phí cho các em.
Thấu hiểu bản thân cũng là một người khiếm khuyết nên những khoảng thời gian rảnh rỗi ngoài giờ học, chị còn trò chuyện, tâm sự, động viên các em vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất đều được chị tạo điều kiện hết sức trong quá trình học tập.
Không ít những trường hợp những trẻ bị khuyết tật, thiếu tự tin sau thời gian theo học lớp của chị Lan Anh cũng trở lên mạnh dạn, hoạt bát hơn.
Chị Lê Thị Lan Anh nhận giải Kova lần thứ 17 ở hạng mục “Sống đẹp”. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chị Lan Anh cho biết: “Do các em theo học chủ yếu từ lớp 3 đến lớp 9 và môn học tiếng Anh với các em còn mới mẻ nên bản thân tôi phải luôn tìm hiểu, trau dồi phương pháp giảng dạy để có thể truyền đạt được tốt nhất các kiến thức cho các em”.
Để tạo cho các em niềm hứng khởi, đam mê trong mỗi giờ học, thỉnh thoảng, chị lại tổ chức một số cuộc thi tiếng Anh nho nhỏ. Cũng chính vì thế mà không giống với nhiều lớp học khác, lớp học nhỏ của chị luôn rộn tiếng cười đùa vui vẻ.
Có nhiều em trước khi vào học không tập trung, hay nghịch nhưng sau thời gian theo học cũng tiến bộ lên từng ngày.
Phần thưởng quý giá nhất mà chị Lan Anh mong muốn nhận được từ phía học sinh của mình là các em khôn lớn, thành công trong cuộc sống.
“Hơn 20 năm dạy học, tôi cũng không nhớ hết mặt từng em học sinh nhưng thỉnh thoảng trao đổi với phụ huynh các em và nhiều khi các em gọi điện cho tôi chia sẻ những thành quả đã đạt được trong cuộc sống làm tôi thấy vui vô cùng. Vui vì bản thân mình đã làm được điều có ích cho xã hội”, chị Lan Anh tâm sự.
Mỗi năm, cứ đến dịp 20/11, chị Lan Anh lại có dịp được khoe những bó hoa tươi thắm của học sinh và phụ huynh trao tặng. Với chị, đây là những món quà ý nghĩa, trân quý nhất để tạo động lực cho chị tiếp tục trên con đường dạy học của mình.
Với những đóng góp hữu ích cho cộng đồng, cô giáo Lan Anh đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội biểu dương, tặng Bằng khen về gương “Người tốt, việc tốt”.
Chị cũng được tôn vinh và trao Giải Kova lần thứ 17 năm 2019 ở hạng mục “Sống đẹp” trong một giải thưởng tìm kiếm và tôn vinh những người Việt tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực.