Có giấy ra viện, GV mới được thanh toán tiền tàu xe: Sở GD Bình Phước nói gì?

19/08/2022 07:05
Nam Bình - Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực hiện nghỉ phép theo quy định, một số giáo viên đã gặp phải vướng mắc trong việc hỗ trợ kinh phí di chuyển tàu xe do trường quy định.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của giáo viên liên quan đến chế độ nghỉ phép của một số giáo viên tại Bình Phước.

Giáo viên nêu, khoản 6, điều 113 của Bộ luật Lao động 2019 có nội dung: khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các xe đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Khoản 7 của điều này có ghi rõ: Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Đây là một trong những quy định nhân văn, chia sẻ với những người lao động có hoàn cảnh công tác, làm việc xa quê hương, nếu đầy đủ các yêu cầu theo quy định, họ được thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép.

Ngày 14/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về điều kiện lao động và quan hệ lao động theo các điều, khoản của Bộ luật Lao động 2019, Nghị định có hiệu tực từ ngày 1/2/2021.

Theo đó, Khoản 1, điều 67 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP nêu: Tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm theo khoản 6 Điều 113 của Bộ luật Lao động do hai bên thỏa thuận.

Như vậy, với những lao động ở xa, có những ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm, đi bằng phương tiện đường thủy, tàu xe sẽ được chi trả tiền tàu xe; nơi sử dụng lao động thanh toán tiền tàu xe theo quy định.

Quy định của Trường Trung học phổ thông Chơn Thành.

Quy định của Trường Trung học phổ thông Chơn Thành.

Trong quy định của Bộ luật Lao động cũng như Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành các điều khoản của Bộ luật Lao động không có yêu cầu nào về việc: người lao động phải có giấy ra viện của bố hoặc mẹ ở nơi về nghỉ phép trong thời gian nghỉ phép thì mới được thanh, toán tiền tàu xe.

Thế nhưng, theo phản ánh của giáo viên tại một trường trung học phổ thông tại tỉnh Bình Phước, trong quy chế chi tiêu nội bộ của Trường Trung học phổ thông Chơn Thành năm 2021 có yêu cầu: Được chính quyền địa phương nơi thân nhân đang cư trú xác nhận và có xác nhận có người thân bị ốm đau, đi điều trị ở cơ sở y tế tuyến huyện trở lên trước hoặc trùng với thời gian về phép, nếu đáp ứng giấy tờ trên, giáo viên mới được thanh toán tiền tàu xe.

Yêu cầu xác nhận này làm khó không ít giáo viên, khiến họ phải “chào thua” vì các thủ tục xin xác nhận liên quan mất thời gian, và thẩm quyền xác nhận, nội dung xác nhận, đơn vị xác nhận với giấy tờ này không rõ ràng.

Theo chia sẻ của giáo viên này, năm 2008, trong bài: “Giáo viên "chạy"... giấy ra viện!” đăng trên báo Tuổi trẻ cũng đã phản ánh vấn đề này. Thời điểm đó báo có dẫn lời của ông Phan Sỹ Giản, lúc ấy đang là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước, khi trả lời về vấn đề này như sau: “ Quy định quá cũ, không sát thực tế.

Thời gian qua việc thanh toán tiền nghỉ phép ở tỉnh Bình Phước được chia theo hai đối tượng (theo công văn 108 của Bộ Tài chính ngày 30/12/1993 về chế độ phụ cấp tiền tàu xe cho cán bộ, công nhân viên nhà nước nghỉ phép hằng năm, và công văn hướng dẫn thực hiện số 380 ngày 14/6/1994 của UBND tỉnh Sông Bé cũ).

Theo đó, đối với giáo viên công tác ở thị trấn, thị xã (khu vực 0,1), hằng năm có chế độ nghỉ phép nhưng chỉ được thanh toán tiền tàu xe trong trường hợp về thăm cha, mẹ (gồm cả cha mẹ vợ, chồng), con bị ốm đau, bệnh tật hoặc bị chết. Vì vậy để được thanh toán tiền tàu, xe, giáo viên phải có giấy tờ chứng nhận người thân điều trị tại bệnh viện (giấy nhập viện hoặc ra viện) trong hoặc trước (không quá hai tuần) thời gian giáo viên nghỉ phép. Riêng giáo viên công tác ở những khu vực còn lại (vùng sâu, vùng xa thuộc khu vực từ 0,2-0,7) hằng năm được nghỉ phép và được thanh toán tiền tàu xe.

Quy định trên văn bản là như vậy, nhưng do địa phương còn nhiều khó khăn nên không phải tất cả giáo viên thuộc khu vực từ 0,2-0,7 nghỉ phép đều được thanh toán tiền tàu xe (chỉ 30-40% trường hợp được thanh toán). Các giáo viên vẫn phải chia sẻ với nhau bằng cách bình xét hoặc định mức.

Những quy định trên đã quá cũ và không còn sát với thực tiễn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh và ngành chức năng về việc này, nhưng quy định chưa được sửa đổi nên vẫn phải áp dụng”. [1]

Theo giáo viên này, hơn 10 năm qua, quy định này vẫn tồn tại và được đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của Trường Trung học phổ thông Chơn Thành.

Để có thông tin rõ hơn về vấn đề giáo viên phản ánh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với ông Phạm Hồng Thắng – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước.

Ông Thắng cho biết, quy định về thời gian nghỉ hè và nghỉ phép của giáo viên đã có.

Còn quy chế chi tiêu nội bộ của từng trường là phải được thông qua trong hội nghị cán bộ, công nhân viên chức đầu năm học của đơn vị trường học đó. Nếu trường nào đề ra quy định phải có giấy xác nhận của y tế cấp huyện trở lên với việc giáo viên về thăm thân nhân ốm, đau - không đúng với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thì trường cần phải xem lại và sửa lại.

Cũng liên quan đến vấn đề này, thầy Đỗ Duy Bình – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho hay: Mỗi năm giáo viên có hai tháng hè, và được hơn 10 ngày phép theo quy định. Theo đúng Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, giáo viên nghỉ phép về thăm bố, mẹ ốm (có ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm) thì được thanh toán tiền tàu xe.

Tuy nhiên, quản lý tài chính trong trường trung học phổ thông có quy chế về chi tiêu, tiết kiệm, kinh phí còn để dành cho các hoạt động khác nữa, nên trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, do toàn thể cán bộ, công nhân viên chức trong trường đồng ý thông qua, chứ không phải một mình hiệu trưởng có thể quyết định được vấn đề này.

Tài liệu tham khảo

[1] https://tuoitre.vn/giao-vien-chay-giay-ra-vien-267076.htm

Nam Bình - Việt Dũng