Vừa qua, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình ban hành Kết luận về việc thanh tra trách nhiệm quản lý của người đứng dầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ tại Trường Trung học phổ thông Lạc Thủy B.
Theo đó, từ ngày 7-10/11/2023, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Trường Trung học phổ thông Lạc Thủy B về các nội dung như việc tuyên truyền, thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng, việc thực hiện quy chế dân chủ, quản lý về tài chính, tiếp nhận đội ngũ giáo viên - nhân viên, công tác quản lý dạy thêm - học thêm...
Trường Trung học phổ thông Lạc Thủy B. (Ảnh: Nhà trường) |
Ưu điểm
Về ưu điểm, Kết luận thanh tra nêu rõ, hằng năm, Trường Trung học phổ thông Lạc Thủy B đã xây dựng kế hoạch thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện công tác chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2022- 2025 và tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng tại các buổi họp Hội đồng sư phạm; Xây dựng kế hoạch và thực hiện Quy chế dân chủ trong nhà trường; Ban hành Quy tắc ứng xử trong trường học; Thực hiện công khai giáo dục, công khai tài chính; kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Nhà trường phân công nhiệm vụ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo vị trí việc làm; trong quá trình triển khai thực hiện có điều chỉnh, bổ sung khi có sự thay đổi. Thực hiện đánh giá xếp loại viên chức, theo các văn bản hướng dẫn.
"Nhà trường đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ, giáo viên, nhân viên kịp thời, theo quy định, đảm bảo hoạt động chi thường xuyên theo Luật Ngân sách", trích văn bản.
Các khoản thu của nhà trường, trong đó có những khoản thực hiện theo Nghị quyết số 164/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh. (Ảnh: cắt màn hình) |
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã thực hiện các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Nhà trường đã tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên để khen thưởng cho cán bộ, giáo viên.
Về kinh phí từ nguồn đóng góp của cha mẹ học sinh: nhà trường đã tổ chức họp, trao đổi, thống nhất với cha mẹ học sinh, trình và xin phê duyệt của Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện thu, thiết lập chứng từ thu chi, mở số quỹ theo dõi các khoản thu, lập các biểu mẫu báo cáo theo quy định.
Công tác tuyển sinh; công tác quản lý dạy thêm, học thêm: quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ: nhà trường thực hiện cơ bản đảm bảo theo các văn bản hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền.
Hạn chế tồn tại
Về hạn chế, Kết luận thanh tra nêu rõ về những tồn tại trong công tác quản lý tài chính.
Cụ thể, bản kê khai tài sản, thu nhập lưu tại đơn vị chưa đủ và chưa đúng mẫu theo quy định tại Nghị định số 130/2020NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; chế độ thông tin, báo cáo về thực hiện công khai theo Thông tư số 36 chưa đảm bảo.
Nhà trường chưa cung cấp được hồ sơ làm việc của Đoàn Giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình đã làm việc với nhà trường về việc giám sát thực hiện Nghị quyết số 164/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND.
Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2021, 2022, 2023 chưa cụ thể, chi tiết mức chi cho các đối tượng tượng tham gia quản lý dạy thêm học thêm (năm học 2021-2022, nhà trường thu 210 triệu đồng trong tổ chức dạy thêm, học thêm).
Kết quả thanh tra về các khoản thu của nhà trường. (Ảnh: cắt màn hình) |
Nguồn thu dịch vụ theo Nghị quyết 164/2022 của Hội đồng Nhân dân về việc phê duyệt các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chưa được nhà trường nộp vào tài khoản mở tại Ngân hàng (kho bạc) để quản lý và sử dụng.
"Nhà trường chưa xuất hóa đơn thu tiền học phí cho người học. Năm học 2022-2023 nhà trường chưa nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ nguồn thu tiền gửi xe đạp.
Đơn vị thanh toán tiền mua trang phục cho giáo viên thể dục năm học 2020- 2021 vào năm 2022 là chưa đảm bảo kịp thời", trích văn bản.
Kết luận cũng chỉ rõ, về nguồn kinh phí huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân, nội dung biên bản họp Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp ghi chung chung, chưa thể hiện đầy đủ việc triển khai chế độ học sinh được hưởng (Chế độ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ chi phí học tập) và các vấn đề cần trao đổi với cha mẹ học sinh, chưa thể hiện việc bàn bạc tài trợ lắp tivi, lắp camera ở các lớp trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. Nhà trường chưa hạch toán khoản thu hộ, thu thỏa thuận trên báo cáo tài chính của đơn vị.
Về tài chính trong công tác tuyển sinh, thông báo tuyển sinh hàng năm của nhà trường chưa thể hiện rõ số lượng kinh phí phát hành hồ sơ tuyển sinh; Hồ sơ quản lý không thể hiện việc tổng số hồ sơ nhà trường đã bán.
"Việc ghi chép, cập nhật thông tin trên số theo dõi chuyển trường còn sai sót. Thông tin cấp phát văn bằng tốt nghiệp năm học 2021-2022, 2022-2023 nhà trường vẫn ghi trực tiếp vào sổ đăng bộ, chưa mở số theo mẫu tại Phụ lục IV Quyết định số 912/QĐ-SGD&ĐT, ngày 13/3/2020 của Sở GD&ĐT", Kết luận nêu.
Yêu cầu tổ chức kiểm điểm lãnh đạo nhà trường và những người có liên quan
Kết luận của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo nêu, tuy chưa phát hiện hành vi tham nhũng, đến mức phải xử lý vi phạm hành chính với những cá nhân có liên quan, nhưng Thanh tra Sở vẫn yêu cầu nhà trường tổ chức kiểm điểm với những người có liên quan.
"Thanh tra Sở yêu cầu nhà trường tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, các giáo viên, nhân viên để xảy ra các tồn tại, hạn chế nêu trên", trích văn bản.
Một trong những nội dung kiến nghị của Đoàn thanh tra về công tác quản lý tài chính là, hồ sơ cuộc họp Ban giám hiệu, Hội đồng trường. Hội đồng Sư phạm, họp Ban đại diện cha mẹ học sinh cần ghi chép đầy đủ nội dung về việc thực hiện các khoản thu, chi; chế độ được hưởng cho từng đối tượng học sinh trong việc miễn giảm học phí theo quy định; các nội dung bàn bạc trao đổi với cha mẹ học sinh...
"Xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2024 cụ thể, chi tiết về đối tượng, mức chi cho công tác quản lý từ nguồn dạy thêm, học thêm để đảm bảo công bằng, khách quan trong quá trình tổ chức thực hiện; Thiết lập hồ sơ quản lý tài chính về dạy thêm học thêm theo đúng quy định", văn bản nêu.