Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia sẽ không đưa bài thi về các tỉnh
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có trên 15.000 thí sinh đã không thể dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 và phải xét đặc cách tốt nghiệp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhóm thí sinh này không có điểm để xét tuyển vào các trường đại học theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi.
Các thí sinh này tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó, Đồng Tháp đứng đầu với hơn 4.600 thí sinh; An Giang đứng thứ 2 là hơn 3.300 thí sinh và thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với hơn 2.800 thí sinh.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị các trường dành chỉ tiêu và có phương án tuyển sinh phù hợp với nhóm thí sinh này.
Hiện tại, một số cơ sở giáo dục đại học đã có những điều chỉnh về phương thức tuyển sinh, để thí sinh không tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông không bị “bỏ lại phía sau” cánh cổng trường đại học vì dịch Covid-19.
Ngoài phương thức xét tuyển kết quả học tập bậc phổ thông, kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng là căn cứ để các thí sinh được đặc cách tốt nghiệp có thể đăng ký xét tuyển vào một số trường đại học.
Đây cũng được xem là cơ hội vào trường “top cao” cho một số thí sinh không thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo (Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, số lượng thí sinh hiện nay vẫn chưa cập nhật xong, nhưng sẽ dựa trên số lượng thí sinh đăng ký dự thi hoặc ở phía các trường đại học có thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp đăng ký tuyển sinh mà nhà trường muốn sử dụng kết quả thi thì sẽ gửi danh sách về và Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức đợt thi đánh giá năng lực riêng cho nhóm thí sinh này.
Tuy nhiên, dựa trên số thí sinh đặc cách tốt nghiệp theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại khu vực phía Bắc cũng còn không nhiều, chỉ khoảng 500 thí sinh, và cũng không phải trường đại học nào cũng sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo thông tin về bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: VNU). |
“Dự kiến chúng tôi sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức bài thi Đánh giá năng lực cho thí sinh trong khoảng từ ngày 15/9 đến ngày 30/9 để các em có kết quả kịp xét tuyển đại học. Căn cứ vào số lượng thí sinh thì không có tỉnh nào có số lượng thí sinh trên 100 thí sinh ngoại trừ Hà Nội (có 193 thí sinh), các tỉnh thành khác từ Hà Tĩnh trở ra chỉ có dưới 100 thí sinh.
Do vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ không đưa bài thi này về các tỉnh, số thí sinh ở các tỉnh có thể sẽ trở về Hà Nội sau khi kết thúc giãn cách để đảm bảo kỳ thi được an toàn và thực hiện tốt công tác phòng dịch”, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo cho biết thêm.
“Cánh cửa” vào một số trường đại học “top cao”
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên kỳ thi đánh giá tư duy năm nay phải dừng tổ chức. Nhà trường chuyển toàn bộ chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy sang chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021. Chỉ tiêu sau điều chỉnh là 80-85%.
Đồng thời, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thông báo bổ sung phương thức xét tuyển đối với thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp dựa trên hồ sơ năng lực và phỏng vấn, áp dụng tương tự quy trình xét tuyển tài năng. Chỉ tiêu xét tuyển đối với thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp năm 2021 không tính vào chỉ tiêu chung đã công bố.
Phó Giáo sư Trần Trung Kiên (Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, nhà trường vẫn chưa nhận được số liệu chính xác về thí sinh thuộc diện đặc cách đăng ký xét tuyển vào trường. Vì vậy, chúng tôi vẫn chưa thống kê được chỉ tiêu xét tuyển và có kế hoạch cụ thể đối với các thí sinh đặc cách. Tuy nhiên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn luôn rộng mở cho những thí sinh đủ điều kiện”.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã thông báo điều chỉnh đề án tuyển sinh và lịch tuyển sinh đại học năm học 2021-2022, trong đó, có quy định tiêu chí xét tuyển thí sinh được đặc cách tốt nghiệp trong 2 đợt thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua.
Phó Giáo sư Phạm Hồng Chương (Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho hay, nhà trường sẽ hoàn toàn tuân thủ theo đúng các quy định của Bộ, dành chỉ tiêu và có những phương thức xét tuyển phù hợp cho thí sinh thuộc diện đặc cách có cơ hội vào trường.
Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ dành 1% tổng chỉ tiêu tương ứng với 54 chỉ tiêu, phân bổ 1 chỉ tiêu/mã ngành tiểu sinh để xét tuyển những thí sinh thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện: Là thí sinh đặc cách xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021; có điểm thi đánh giá năng lực đợt tháng 9/2021 của 2 Đại học Quốc gia đạt điểm sàn từ 20 điểm quy đổi trở lên.
Điểm quy đổi từ điểm thi đánh giá năng lực sang thang điểm 30. Với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội: Điểm quy đổi = Điểm đánh giá năng lực x 30/150 + điểm ưu tiên (nếu có).
Với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: Điểm quy đổi = Điểm đánh giá năng lực x 30/1200 + điểm ưu tiên (nếu có).
Theo đó, trường sẽ xét từ cao xuống thấp theo điểm quy đổi.
Trong đề án tuyển sinh năm nay của Trường Đại học FPT, cũng có 9.900 chỉ tiêu đối với 3 khối ngành: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ và Công nghệ thông tin. Trong đó, có 200 chỉ tiêu dành cho các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đợt 2 và các thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp. Đối với những thí sinh thuộc diện này, nhà trường sẽ dừng nhận hồ sơ xét tuyển khi đủ chỉ tiêu.
Nhiều cơ hội với các trường Y, Dược
Ngành Y, Dược vẫn luôn là một trong những ngành “hot”, thu hút được nhiều thí sinh trong nhiều năm qua.
Theo công bố năm 2021, Trường Đại học Y Hà Nội tuyển 1.150 chỉ tiêu vào 12 ngành, sử dụng hai phương thức xét tuyển là dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 (đối với tất cả ngành đào tạo) và xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp quốc tế đối với ngành Y khoa đào tạo tại Hà Nội. Hai phương thức trên độc lập với nhau.
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, theo danh sách Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, những thí sinh không thi được tốt nghiệp Trung học phổ thông chủ yếu ở phía Nam, chỉ có khoảng 400 thí sinh ở miền Bắc và miền Trung thuộc dạng đặc cách tốt nghiệp theo diện này. Trong số 400 thí sinh này thì số lượng đăng ký vào trường đại học Y Hà Nội cũng rất ít.
“Ngày 13/8, Hội đồng trường đã họp và theo tính toán số liệu một cách cơ học, với số lượng thí sinh thuộc diện xét đặc cách tại miền Bắc không nhiều, thì số thí sinh đăng ký vào trường cũng rất ít. Do đó, trong đợt 1, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ tuyển đủ chỉ tiêu, sau đó lấy thêm chỉ tiêu từ thí sinh đặc cách cũng sẽ nằm trong diện cho phép (khoảng 5%) của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, vị Phó Hiệu trưởng thông tin thêm.
Theo đó, Trường Đại học Y Hà Nội vẫn sẵn sàng đón nhận những thí sinh thuộc diện đặc cách đủ điều kiện. Mức điểm xét tuyển cũng sẽ tương đương với những thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 28-29 điểm.
Bên cạnh đó, thí sinh còn có thêm rất nhiều môi trường học tập khác để theo đuổi giấc mơ với khối ngành sức khỏe.
Phía Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cũng có thông báo bổ sung phương thức xét tuyển đại học hệ chính quy dành cho thí sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, trên phạm vi cả nước.
Theo đó, chỉ tiêu bổ sung theo phương thức này không quá 3% chỉ tiêu từng ngành được phân bổ theo thông báo xét tuyển trước đây của trường.
Để tham gia xét tuyển vào Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh theo phương thức này, thí sinh phải đảm bảo cả hai tiêu chí: Có kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia bằng hoặc trên mức điểm sàn do trường xác định; có kết quả học tập Trung học phổ thông của từng môn trong tổ hợp xét tuyển phải từ 8,0 trở lên ở cả 3 năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh lớp 12 diện xét đặc cách tốt nghiệp năm nay, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng bổ sung phương thức xét kết quả học tập 5 học kỳ bậc Trung học phổ thông (trừ học kỳ II, lớp 12) để xét tuyển.
Điều kiện đăng ký xét tuyển chung tất cả các ngành gồm: Xếp loại hạnh kiểm từ Khá trở lên năm học lớp 12 và có đầy đủ sức khỏe để theo học ngành đăng ký.
Mỗi ngành, trường dự kiến bổ sung không quá 4% chỉ tiêu. Điểm xét tuyển là tổng điểm tổ hợp Toán, Hóa, Sinh, cộng điểm ưu tiên. Trường hợp nhiều thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng nhau, nhà trường sử dụng tiêu chí phụ dựa vào điểm trung bình 5 học kỳ môn Ngoại ngữ, điểm trung bình lớp 12, điểm trung bình 5 học kỳ môn Văn.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển phải bảo đảm điều kiện: Xếp loại hạnh kiểm từ Khá trở lên của năm lớp 12; điểm trung bình mỗi môn Toán, Hóa, Sinh 5 học kỳ từ 6,5 trở lên.
Trường Đại học Y dược Cần Thơ cũng thông báo bổ sung tuyển sinh đối với những thí sinh thuộc diện đặc cách. Cụ thể như sau: Chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi ngành đào tạo dự kiến 3% trên tổng chỉ tiêu mỗi ngành, chỉ tiêu từng ngành có thể thay đổi tương ứng với tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường. Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng và phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ cao xuống thấp.
Trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập năm lớp 12, theo các quy định đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu nhiều thí sinh đồng điểm, ưu tiên chọn môn Toán xét tuyển từ cao xuống thấp theo chỉ tiêu. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 diện đặc cách tốt nghiệp từ ngày 16/8 đến hết ngày 27/8 theo hình thức online.