LTS: Trẻ con được lì xì (mừng tuổi) mỗi dịp Tết đều cảm thấy rất vui mừng. Nhiều em mong muốn được giữ tiền mừng tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều hệ lụy khi cho trẻ giữ tiền khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu.
Là một giáo viên tiểu học, cô giáo Phan Tuyết cho rằng với những trẻ nhỏ, phụ huynh nên thuyết phục trẻ để cha mẹ giữ tiền hộ và lên kế hoạch sử dụng tiền đó như thế nào.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Ngày Tết bất cứ đứa trẻ nào dù nhiều hay ít đều có tiền mừng tuổi (người Nam gọi là tiền lì xì).
Để trẻ (các em ở độ tuổi tiểu học từ 6 tuổi trở lên) giữ tiền hay ba mẹ giữ hộ luôn có những ý kiến trái chiều mà nghe ra ai cũng có cái lý của mình.
Việc giúp trẻ biết sử dụng những đồng tiền này có ý nghĩa không phải gia đình nào cũng làm được.
Vì thế, đã có rất nhiều chuyện buồn xảy ra từ việc để cho trẻ tự do tiêu xài mà không có sự giám sát, nhắc nhở của người lớn.
Tự do tiêu xài
Nhận được tiền lì xì, trẻ thường nghĩ “đây là tiền của con” một số ba mẹ cũng đồng tình với cách suy nghĩ ấy nên để các con tự do sử dụng đồng tiền theo ý thích.
Nhiều em cho phép mình chi tiêu thoải mái mà không cần xin phép ba mẹ.
Sau cánh cổng trường học là nơi tập trung của nhiều hàng quà vặt vô cùng hấp dẫn như các loại bánh kẹo, rồi xúc xích, bò viên chiên, bánh tráng trộn… các loại nước uống tự chế như nước sâm, nước cam, trà sữa…
Những loại thức ăn, thức uống này đều không có ai kiểm chứng về chất lượng.
Ngoài việc mua đồ ăn thức uống, các em sử dụng số tiền có được để chơi bốc số, bốc kẹo trúng thưởng, một loại hình đánh bạc trá hình phổ biến của một số người bán hàng rong.
Ngoài ra, nhiều hàng bán đồ chơi mà phần lớn là hàng Trung Quốc rất độc hại và nguy hiểm như hình xăm, đèn bấm lade, hạt nhựa nhiều màu ngâm nước gây ung thư, súng, kiếm đủ loại…
Cha mẹ nên dạy con cách sử dụng, chi tiêu tiền mừng tuổi. (Ảnh: anninhthudo.vn) |
Có sẵn tiền trong tay, những cô cậu học trò tha hồ mua sắm mà không biết tiếc.
Những đứa trẻ cấp 2 lại có thêm những trò tiêu khiển khác khi trong tay có tiền.
Ngoài giờ học, nhiều em lại “đóng đô” trong các tiệm nét mà không thể dứt ra nổi. Số khác, rủ nhau đi uống bia, karaoke, rồi tập tành hút thuốc, hút shisha.
Không chỉ con trai, nhiều em gái cũng bị lôi kéo vào những trò chơi này. Nhiều học sinh nữ khi có tiền, chúng cũng xúng xính quần nọ áo kia, giày dép, đầu tóc kiểu này kiểu nọ, son phấn lòe loẹt…
Hậu họa khôn lường
Sẵn có tiền trong tay, nhiều em đã tiêu xài vô tội vạ trong một thời gian và trở thành thói quen “nghiện tiền bạc”.
Để khi hết tiền, chúng sinh tật ăn cắp của cha mẹ, của bạn bè trong lớp để thỏa mãn một số sở thích mà chúng kịp làm quen trong thời gian còn là “triệu phú”….
Vì muốn có tiền để thỏa mãn nhu cầu như trước đây, nhiều học sinh bỗng dưng trở thành những “tay trộm” siêu đẳng với các thủ đoạn không kém phần tinh vi như bao tên trộm người lớn khác.
Ví dụ như việc lấy cắp tiền của bạn rồi xin phép ra ngoài đi vệ sinh để giấu. Giờ học thể dục hay các tiết học nghệ thuật khác xin ra ngoài, trở về lớp lục cặp của các bạn để chôm tiền…
Mỗi ngày đến lớp, nhiều giáo viên đau đầu vì cảnh truy tìm và phân xử tình trạng học sinh ăn cắp của nhau đặc biệt là chuyện mất tiền vẫn thường xuyên xảy ra trong các lớp.
Không ít em lại ăn cắp của ba mẹ với số tiền lớn, có học sinh mới lớp 1 cầm cả 500.000 đồng đi mua đồ ăn, đồ chơi một cách phung phí.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà sau mỗi dịp Tết, ở các trường học, tình trạng học trò cấp 2 cúp tiết, trốn học xảy ra nhiều hơn.
Những học sinh này thường tụm năm tụm bảy ngồi chễm chệ ngoài quán, vừa phì phèo điếu thuốc trên môi, vừa tổ chức ăn nhậu, cũng mồi nhắm, bia rượu, rồi cụng ly ào ào.
Hết màn ăn nhậu gọi là tăng một, chúng cùng hân hoan rủ nhau đi tiếp tăng hai ở quán karaoke máy lạnh hay vào quán bar nhảy nhót điên cuồng. Có bỏ học luôn vì em sa vào nghiện hút, chơi bời.
Ăn uống thoải mái, nhiều em về nhà bỏ cơm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các em.
Cơ hội “vàng” để giáo dục con
Khi trẻ có tiền mừng tuổi đây là thời điểm cha mẹ cần dạy con một số kĩ năng sống thiết thật nhất.
Cha mẹ có thể dạy cho con hiểu về ý nghĩa của việc mừng tuổi đầu năm, biết đưa hai tay nhận quà và nói lời cám ơn, lời chúc chân thành đầu năm mới với người mừng tuổi.
Điều quan trọng không kém là cha mẹ cần dạy con biết giá trị của đồng tiền và cách sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả nhất.
Có một số gia đình đã khuyến khích các em để dành tiền vào heo (lợn) đất sau này mua xe đạp, mua quần áo, đóng tiền học hay đi du lịch…
Hình ảnh hai cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo đập heo đất ủng hộ tiền cho MC Phan Anh giúp đồng bào miền Trung đã làm lay động nhiều người.
Khen hai cậu bé cũng chính là khen ba mẹ các em đã giáo dục con rất tốt khi các em biết yêu thương chia sẻ và sử dụng đồng tiền một cách có ích.
Tác hại của việc cho trẻ tự do quản lý tiền và xài tiền thoải mái là rất lớn. Muốn hạn chế những hậu quả buồn như trên, tất cả phụ huynh chúng ta trước hết cần thuyết phục trẻ cho cha mẹ giữ dùm số tiền ấy.
Lên kế hoạch cho các con biết sẽ sử dụng số tiền trên như thế nào cho hợp lý, hiệu quả.
Dạy cho các em hiểu về giá trị của những đồng tiền và sự vất vả của mọi người mới làm ra nó. Để từ đó, các con biết quý trọng đồng tiền và biết chi tiêu một cách hợp lý.
Trong gia đình, người lớn cũng cần gương mẫu chi tiêu một cách khoa học để làm gương cho các em học tập và noi theo ba mẹ.