Có nên sáp nhập trung tâm GDNN-GDTX vào trường cao đẳng, trung cấp nghề?

26/11/2023 06:33
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trên thực tế, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cũng “ngại” thực hiện hợp đồng liên kết với trường nghề. 

Trên thực tế, có thể thấy, nhu cầu học sinh chương trình 9+ vừa học văn hóa, vừa học nghề trong các trường cao đẳng, trung cấp hiện nay là rất lớn, tuy nhiên, thông tin từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho hay, việc đào tạo theo chương trình này vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quang Khải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang cho hay, ở phần lớn các tỉnh và thành phố, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thực hiện chức năng: Hướng nghiệp - dạy nghề (theo hệ thống quản lý của ngành Lao động – Thương binh và xã hội) và dạy chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (theo hệ thống quản lý của ngành Giáo dục).

Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Tại Trường Cao đẳng Tiền Giang, chương trình 9+ hiện nay được thực hiện theo 2 hướng. Thứ nhất là, chương trình cao đẳng 9+: Trường ký hợp đồng liên kết đào tạo với trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để học sinh chương trình 9+ vừa học chương trình nghề tại trường cao đẳng (8 buổi/ tuần, do trường cao đẳng đảm nhận), vừa học chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cũng tại trường cao đẳng (4 buổi/ tuần, do trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đảm nhận).

Thứ hai là, học sinh vừa học trung cấp nghề, vừa học văn hóa giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để khi tốt nghiệp trung cấp có thể liên thông lên cao đẳng, đại học: Trường ký hợp đồng liên kết quản lý với trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Việc dạy chương trình trung cấp nghề (8 buổi/ tuần) do trường cao đẳng đảm nhận, việc dạy văn hóa giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cũng do các giáo viên bộ môn văn hóa của trường cao đẳng đảm nhận, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thực hiện việc quản lý nội dung chương trình, kiểm soát chất lượng giảng dạy và ký học bạ cho các em học sinh.

Với 2 cách làm vừa nêu trên, cơ chế phối hợp giữa trường cao đẳng/trung cấp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên có một số bất cấp.

Trước hết, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đội ngũ giáo viên văn hóa, có thể đảm nhận giảng dạy chương trình này nhưng không được giao chức năng dạy văn hóa giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông nên phải thực hiện hoạt động liên kết dẫn đến không chủ động và phải tốn kém chi phí thực hiện hợp đồng quản lý;

Hơn nữa, trường cao đẳng/trung cấp khó sắp xếp thời gian biểu hợp lý để học sinh học chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên vừa học nghề tại xưởng trường, vừa thực tập nghề nghiệp tại doanh nghiệp, vừa học văn hóa theo thời khóa biểu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (do vướng mắc này mà trường cao đẳng/trung cấp rất bị động khi đưa học sinh đi thực tập/ thực hành nghề nghiệp tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở xa không thể về trường học chương trình văn hóa theo thời khóa biểu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên).

Chính vì vậy, nếu sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên vào trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và bổ sung vào Điều lệ trường cao đẳng/trung cấp là các trường này có thêm chức năng dạy chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông sẽ vừa tinh gọn tổ chức bộ máy, vừa mở ra điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình 9+ (tuyển sinh người học tốt nghiệp trung học cơ sở, vừa học văn hóa vừa học chương trình nghề để đạt trình độ cao đẳng sau 3 đến 3,5 năm học tập).

Mặt khác, chỉ tiêu trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cho phép đào tạo đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, phụ thuộc vào sự thỏa thuận tài chính mà bên trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đưa ra bởi đến nay chưa có hướng dẫn sử dụng tài chính trong liên kết dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo thầy Khải, nhiều trường nghề hiện nay chưa mạnh dạn triển khai chương trình cao đẳng 9+ mà chỉ tập trung triển khai chương trình trung cấp học sinh vừa học nghề (trường cao đẳng/trung cấp đảm nhận), vừa học văn hóa giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ để các em có cơ hội liên thông lên trình độ cao hơn sau khi tốt nghiệp trung cấp.

Mức chi trả cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên theo hợp đồng liên kết quản lý nêu trên được thực hiện tại Trường Cao đẳng Tiền Giang 2 năm qua dao động từ 22-25% trên tổng học phí thu được trong giảng dạy chương trình văn hóa (chủ yếu do cơ chế thiện chí giữa 2 bên).

Không những vậy, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cũng “ngại” thực hiện hợp đồng liên kết với trường nghề do phải nặng gánh thêm công việc quản lý và kiểm soát chất lượng và sợ bị ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua về tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên do trung tâm quản lý. Do vậy, nhận hay không nhận còn tùy thuộc vào sự thiện chí.

Cũng bàn về thực trạng trên, Thạc sĩ Lê Thiên Vinh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị cho hay, hiện nay, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên khai giảng năm học mới vào ngày 5/9 hàng năm và tổ chức dạy học theo niên chế. Trong khi đó, các trường nghề tuyển sinh theo năm tài chính, thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Do đó, có những danh sách học sinh do cơ sở giáo dục nghề nghiệp gửi sang không được trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên chấp nhận nữa do đã chậm niên học. Nếu muốn học, phải chờ đến dịp khai giảng năm sau.

Việc phải chờ thêm 1 năm như vậy khiến đến một bộ phận người học sau khi tốt nghiệp nghề học muốn ra trường đi làm ngay nên sẽ ảnh hưởng việc học văn hóa của các em và việc học lên các cấp học cao hơn.

Chính vì vậy, sẽ rất đúng đắn nếu sáp nhập các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên vào các trường cao đẳng để thống nhất việc dạy văn hóa và dạy nghề cho các đối tượng có nhu cầu, từ đó, tạo sự đồng bộ, hệ thống trong cả trong công tác đào tạo, quản lý, tuyển sinh, bố trí nhân sự đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Khánh An