Học sinh nghỉ học vẫn tính khẩu phần ăn
Ngồi hàng giờ tâm sự với phóng viên, anh Đ.N.V phó giám đốc của một trung tâm giáo dục thường xuyên (Yên Bái) “bóc trần” những thủ đoạn, mánh khóe mà các nhóm lợi ích trường bán trú (đứng đầu là hiệu trưởng) làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của học sinh.
Nhiều năm trở lại đây, thông qua một vài vụ việc hiệu trưởng các trường bán trú bị xử lý hình sự vì ăn bớt, cắt xén tiền hỗ trợ, gạo hỗ trợ của học sinh, dư luận xã hội mới bắt đầu lờ mờ chú ý đến vấn đề này.
Thế nhưng theo anh V: Nếu thanh tra 10 trường bán trú thì không ít trường hiệu trưởng sẽ bị xử lý vì liên quan đến chế độ của học sinh.
Thực sự bản chất của việc này như thế nào? Và tại sao anh V. lại nói: Học sinh nghỉ càng nhiều, hiệu trưởng có tiền mua ô tô.
Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần chú ý đến vấn đề “lợi ích nhóm” và ăn chặn, bớt xén trong các trường bán trú dân tộc vùng cao bấy lâu nay vẫn được “thả lỏng”, không được chú ý đến do… xa Trung ương?
Theo anh V. hiện nay tại các trường bán trú dân tộc vùng cao có 3 hình thức hiệu trưởng bớt xén tiền chế độ Nhà nước hỗ trợ cho học sinh để làm giàu.
Thứ nhất, khai khống sĩ số lớp để hưởng chênh lệch từ việc học sinh không đến trường. Cụ thể anh V. cho biết có những trường hợp học sinh nghỉ học cả tháng nhưng nhà trường vẫn báo cáo sĩ số đủ.
Điều này có 2 lý do: Một là, nếu học sinh nghỉ học người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng; hai là, học sinh nghỉ học nhà trường vẫn báo cáo đủ sĩ số nhằm để hưởng chế độ tiền ăn, gạo của học sinh.
Anh V. nói: “Lấy ví dụ 1 lớp có 100 cháu, trong ngày hôm nay 70 cháu đi học, 30 cháu nghỉ.
Nhà trường vẫn thông báo đủ 100 cháu thì đương nhiên tiền hỗ trợ, tiền ăn của 30 cháu kia là khoản tiền chênh lệch mà họ đút túi riêng.
Như vậy học sinh nghỉ chỉ có lợi cho các hiệu trưởng.
Điều này rất phản giáo dục đúng không? Tuy nhiên nó là câu chuyện có thật ở trường bán trú vùng cao. Chỉ trừ trường hợp thanh tra đột xuất mới có thể phát hiện việc này còn không thì ngày nào họ cũng báo đủ sĩ số 100% học sinh đi học”.
Thứ hai, nhập thực phẩm kém chất lượng để ăn chênh lệch giá.
Chẳng hạn như trong danh mục ghi là thịt lợn vai nhưng lại nhập thịt mông.
Đương nhiên khoản tiền chênh lệch đấy sẽ vào túi hiệu trưởng.
Bên cạnh đó các đơn vị cung ứng thực phẩm muốn vào trường học cần phải trích phần trăm cho các hiệu trưởng.
Không chỉ riêng bữa ăn mà nhiều chế độ khác cũng đang bị bớt xén (Ảnh minh họa:PHHSCC) |
Anh V. phân tích: “Bây giờ tôi bảo đây là miếng thịt lợn vai thì người ta cũng chỉ là biết miếng thịt lợn vai chứ ai mà kiểm tra được đấy có phải là lợn vai hay không?.
Các cháu học sinh cứ cho ăn là ăn chứ đâu có biết được. Đây chính là lỗ hổng để các hiệu trưởng nhập thực phẩm kém chất lượng nhưng lại kê đơn giá cao để hưởng tiền chênh lệch”.
Thứ ba, mỗi tháng học sinh bán trú được Nhà nước cho 15kg gạo. Số gạo thừa học sinh không ăn hết, hiệu trưởng đem đi để bán hoặc nấu rượu bán:
“Có một câu chuyện vui thế này! Một đợt thanh tra Sở giáo dục tổ chức kiểm tra, đánh giá các trường bán trú.
Trong bản kê khai học sinh một ngày ăn hết 2 kilogam muối.
Hiệu trưởng giải thích là học sinh ở đây ăn mặn.
Người dân nhao nhao lên: Ý hiệu trưởng nói dân tộc chúng tôi ăn mặn hả?
Nói vậy để thấy người ta ăn tiền của học sinh từ hạt muối trở đi.
Điều này thực sự đau xót.
Tôi có thể đảm bảo tất cả các hiệu trưởng bán trú mà bị xử lý đều xoay quanh vấn đề ăn bớt chế độ của học sinh. Đến gạo thừa không ăn hết còn lén lút đem đi bán”.
Câu chuyện mà anh V. kể chúng tôi tin rằng bất cứ ai đang công tác, làm việc tại các trường dân tộc bán trú đều biết rằng những điều này là có thật.
Giáo dục Việt Nam từ lâu cũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề lợi ích nhóm và bớt xén chế độ của học sinh bán trú.
Chúng tôi tin rằng đã đến lúc phải đưa ra ánh sáng những góc khuất chưa được biết đến tại các trường phổ thông dân tộc bán trú.
Khó cho Nhà nước, khổ cho học sinh
Vừa kể anh V. vừa lắc đầu ngao ngán: “Không thể xử lý hết được trừ khi có thanh tra hoặc báo chí vào cuộc thì một số trường mới bị phanh phui.
Thế nhưng nếu làm được 1 trường thì vẫn còn 99 trường nữa. Lợi ích nhóm và ăn chia tại các trường bán trú đã ăn sâu gốc rễ vào ngành giáo dục rồi.
Nhưng chẳng qua các địa phương vùng cao xa Trung ương, trình độ dân trí thấp cho nên người ta mới dễ dàng cấu kết với nhau để ăn trên mồ hôi, nước mắt của học sinh”.
Vì sao nhiều hiệu trưởng vùng cao đang là vua một cõi? |
Là một người gắn bó với ngành giáo dục 17 năm trong đó có 10 năm là phó giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, anh V. có đủ kinh nghiệm và hiểu biết để nhìn nhận vấn đề này nhưng cũng phải thở dài chua xót:
“Tôi đồng ý rằng xã hội không thể lúc nào cũng đảm bảo được sự công bằng. Tuy nhiên làm việc gì cũng nên nghĩ đến nhân quả.
Tiền hỗ trợ Nhà nước dành cho học sinh là tiền thuế của nhân dân dùng vì những mục đích nhân đạo.
Thế nhưng người ta lại bớt xén tiền đấy khác nào ăn tiền trên mồ hôi nước mắt của học sinh”.
Anh V. phải thừa nhận một điều: Nhà nước quan tâm đến học sinh vùng cao và có rất nhiều chế độ chính sách ưu đãi. Thậm chí nhiều phụ huynh cho con đi học chỉ vì mục đích lấy tiền hỗ trợ.
Thế nhưng khi chính sách và những khoản tiền đến địa phương, những người thực hiện lại coi đấy như cái bánh để cùng nhau chia chác.
Những việc làm này nếu không có thanh tra hoặc báo chí lên tiếng thì quỷ thần cũng không biết. Thật là những điều trông thấy mà đau đớn lòng!
Học sinh vùng cao đến bao giờ mới được hưởng những chính sách hỗ trợ trọn vẹn (Ảnh minh họa: P.T) |
Vì thế anh V. mong muốn báo chí, xã hội và các cơ quan hoạch định chính sách sẽ bắt đầu quan tâm hơn về những mảng tối tại các trường dân tộc bán trú vùng cao – những nơi được coi như một cõi riêng và hiệu trưởng chẳng khác nào những ông vua con.