Có phải trình độ cao đẳng của Việt Nam nằm dưới “chuẩn quốc tế” một cấp độ? (1)

13/10/2021 06:58
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để “học thật, thi thật, nhân tài thật” ở bậc đại học thì cần đưa quản lý nhà nước bậc cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo, không để như hiện nay.

“Học thật, thi thật, nhân tài thật” trở thành chủ đề bàn luận thu hút sự tham gia của nhiều người trong thời gian qua.

Vấn đề này cũng được đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề cập một cách nghiêm túc trong bài phát biểu với báo chí hồi tháng 5/2021.

Xung quanh vấn đề này, mỗi học giả khi đưa ra chính kiến của mình đều có một góc nhìn riêng. Trong đó, có nhiều ý kiến cụ thể, trọng tâm với mong muốn cần có sự thay đổi liên quan đến khâu tổ chức, quản lý giáo dục đào tạo để tránh tình trạng học giả nhưng bằng thật, bằng cấp không tương xứng với trình độ đào tạo, thậm chí nhập nhằng trong đào tạo và cấp bằng.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng có chính kiến riêng về vấn đề này đối với hệ đào tạo cao đẳng, đại học.

Theo quan điểm của vị này, để “học thật, thi thật, nhân tài thật” thì cần đưa quản lý nhà nước bậc cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo không để Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quản lý như hiện nay.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, về vấn đề này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ, và gần đây nhất là ngày 17/5, Hiệp hội có văn bản gửi Bộ Nội vụ để giải thích thêm về kiến nghị của mình sau khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có ý kiến gửi Bộ Nội vụ.

Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhìn vào công văn trả lời của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Bộ Nội vụ cho thấy lập luận về phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế UNESCO năm 2011 (gọi tắt là ISCED-2011) có nội dung thiếu chính xác.

Cụ thể, văn bản của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải thích: “Bậc cao đẳng của Việt Nam hiện nay có chương trình thuộc giáo dục sau trung học, nhưng không phải giáo dục đại học” và gán cho đây là cấp độ 5.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với ISCED-2011 thì các chương trình thuộc “giáo dục sau trung học nhưng không phải là giáo dục đại học” chỉ thuộc cấp độ 4. Còn các chương trình cấp độ 5 (cao đẳng), cấp độ 6 (cử nhân), cấp độ 7 (thạc sỹ) và cấp độ 8 (tiến sỹ) mới thuộc giáo dục đại học (tertrary education).

Công văn trả lời của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Bộ Nội vụ với những lập luận về phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế UNESCO năm 2011 (ảnh chụp tư liệu)

Công văn trả lời của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Bộ Nội vụ với những lập luận về phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế UNESCO năm 2011 (ảnh chụp tư liệu)

Như vậy để thấy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa hệ cao đẳng xuống dưới “chuẩn quốc tế” một cấp độ.

Trong bài viết này chúng tôi phân tích rõ hơn về cấp độ 3, cấp độ 5 theo “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế” do UNESCO ban hành. Phiên bản mới nhất là ISCED -2011, được ban hành năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014, cho tất cả thành viên UNESCO, trong đó có Việt Nam.

Các chương trình ở cấp độ 3 thường được thiết kế để hoàn thiện giáo dục trung học và chuẩn bị cho giáo dục đại học hoặc trang bị các kỹ năng liên quan đến việc làm, hoặc cả hai.

Các chương trình thuộc cấp độ 3 có nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn: trung học (giai đoạn 2/ các khối lớp cuối cấp), giáo dục cấp 3, cao trung. Vì mục đích so sánh quốc tế, thuật ngữ “giáo dục trung học bậc cao” được sử dụng để đặt tên cho cấp độ 3.

Cấp độ 3 đòi hỏi phải hoàn thành trung học bậc thấp (cấp độ 2) hoặc phải có khả năng tiếp thu nội dung của cấp độ 3 thông qua việc kết hợp giữa quá trình giáo dục trước đó và trải nghiệm công việc và cuộc sống yêu cầu có một trình độ ở cấp độ 2 hoặc một mức độ thành tích giáo dục nhất định sẽ là điều kiện cần để được nhập học một phần hoặc toàn bộ chương trình cấp độ 3.

Học sinh tốt nghiệp các chương trình trung học phổ thông thuộc cấp độ 3 có thể chọn con đường hoàn thiện một trình độ trung cao nghề; hoặc học sinh tốt nghiệp của các chương trình trình trung học nghề bậc cao có thể lựa chọn con đường nâng cao trình độ hoặc củng cố chuyên môn sâu hơn nữa.

Việc hoàn thành chương trình ở cấp độ 3 là điều kiện cần để vào học các chương trình thuộc cấp độ 4. Những yêu cầu đầu vào này có thể thấp hơn so với các chương trình đại học ở cấp độ 5,6 hoặc 7.

Cấp độ 5: Căn cứ cấp độ của ISCED có thể thấy, các chương trình thuộc cấp độ 5 có nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn: chương trình đào tạo thợ cả, hệ cao đẳng, hệ tú tài +2, giáo dục kỹ thuật cấp cao, cao đẳng cộng đồng, hệ đào tạo kỹ thuật kỹ thuật viên hoặc dạy nghề bậc cao… Vì mục đích so sánh quốc tế, thuật ngữ “hệ cao đẳng” được sử dụng để đặt tên cho cấp độ 5. Cấp độ 5 có thời gian học tối thiểu từ 2 đến 3 năm.

Đây là cấp độ đầu tiên của giáo dục đại học, thường được thiết kế nhằm cung cấp cho nguời học các kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên nghiệp.

Thông thường, những chương trình này có các nội dung định hướng thực hành, gắn với đặc thù nghề nghiệp và chuẩn bị cho người học bước vào thị trường lao động.

Tuy nhiên, những chương trình này cũng mở ra con đường chuyển tiếp/liên thông lên các chương trình giáo dục đại học khác (các cấp độ 6, 7 và 8).

Phân tích như vậy để thấy, muốn vào học các chương trình thuộc bậc giáo dục đại học người học bắt buộc phải hoàn thành cấp độ 3 (trung học phổ thông hoặc tương đương).

Đặc biệt, tại tài liệu về ISCED-2011 đã nêu rất rõ mối quan hệ giữa Khung trình độ quốc gia và bảng phân loại ISCED, cụ thể: “Các khung trình độ quốc gia và khu vực có thể là những công cụ hữu hiệu để tách biệt kiến thức, kỹ năng và năng lực liên quan đến các chương trình và trình độ giáo dục khác nhau. Ở nhiều quốc gia có khung trình độ này để mô tả các mức độ năng lực và kỹ năng của người dân theo nghĩa thành tựu giáo dục. Đề nghị các quốc gia phải minh bạch hóa mối liên hệ giữa phân loại ISCED và các khung trình độ quốc gia hay khu vực nếu như đó có khung trình độ”.

Tuy nhiên trong công văn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại chỉ thừa nhận rằng: “Trên thế giới không phải nước nào cũng có hệ thống giáo dục theo đúng Bảng phân loại ISCED-2011 vì bảng này chỉ có tính chất để so sánh, phân loại các trình độ giáo dục của các nước. Thực tế, hiện nay các nước đều đang tồn tại một loại khung trình độ quốc gia, tương đồng với khung trình độ của châu lục hoặc của một khu vực…”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ “bám” vào Khung trình độ quốc gia mà hoàn toàn “lờ” đi ISCED-2011.

Chưa kể đến việc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn khẳng định “tại một số quốc gia trên thế giới, trình độ cao đẳng hoặc tương đương được phần lớn các nước xếp vào trình độ của giáo dục nghề nghiệp…” tuy nhiên, theo ISCED-2011 không hề có bậc giáo dục nghề nghiệp mà chỉ có giáo dục đại học và giáo dục trung học, giáo dục nghề/ giáo dục chuyên nghiệp….

Rõ ràng nhầm lẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khi đồng nhất khái niệm lĩnh vực đào tạo với khái niệm bậc học (chỉ gắn với trình độ học vấn) là không thể chấp nhận được.

ISCED-2011 được chia thành 9 cấp độ, cụ thể:

Cấp độ 0 cho giáo dục mầm non.

Cấp độ 1 cho tiểu học.

Cấp độ 2 cho trung học bậc thấp, tách ra theo hai luồng là trung học cơ sở dành cho giáo dục phổ thông và một luồng theo hướng dạy nghề được gọi là sơ học nghề.

Cấp độ 3 cho trung học bậc cao (bên giáo dục phổ thông là trung học phổ thông, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).

Cấp độ 4 cho giáo dục sau trung học, nhưng chưa phải đại học.

Cấp độ 5 cho cao đẳng.

Cấp độ 6 cho trình độ cử nhân và tương đương.

Cấp độ 7 cho thạc sĩ.

Cấp độ 8 cho tiến sĩ.

Đặc biệt, theo ISCED-2011, các cấp độ 2,3 thuộc về bậc Giáo dục trung học, các cấp độ 5,6,7 và 8 thuộc về bậc Giáo dục đại học. Không có khái niệm “Bậc Giáo dục nghề nghiệp” như ở Việt Nam.

* Chủ đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích ở 2 bài viết sau.

Minh Ngọc