Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo đó, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024: Trình Quốc hội cho ý kiến Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Sau đó, Luật Nhà giáo được dự kiến trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất tuyển dụng giáo viên do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp chịu trách nhiệm. Nội dung này hiện đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội.
Ngành giáo dục được tuyển dụng giáo viên và quản lý nhân lực sẽ có nhiều ưu điểm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh có một số chia sẻ liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo.
Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, Luật Nhà giáo được xây dựng và nếu được thông qua sẽ là luật riêng cho đội ngũ nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Luật cũng sẽ kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo.
“Tôi quan tâm đến việc định danh nhà giáo trong dự thảo Luật. Lần đầu tiên, việc định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp được quy định một cách đầy đủ, hệ thống, làm cơ sở cho việc chuẩn hoá và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo.
Nội dung thứ hai là việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, với các yêu cầu về chuẩn mực đạo đức, các quy định về xử lý vi phạm. Các quy định này vừa tạo hành lang pháp lý đầy đủ để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, vừa tăng cường các phương diện pháp lý cần thiết để bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Nhà giáo sẽ được bảo vệ tốt hơn và tình trạng nhà giáo bị xâm hại ngay trong môi trường giáo dục sẽ được khắc phục...” - nữ đại biểu chia sẻ.
Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề cập đến một nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo, hiện đang rất được quan tâm: Với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành.
Còn với các cơ sở giáo dục công lập khác, việc tuyển dụng nhà giáo sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp chịu trách nhiệm.
Nữ đại biểu cho rằng: “Nếu dự luật này được thông qua, việc tuyển dụng đội ngũ nhà giáo sẽ có những thay đổi đáng kể. Khi đó, ngành giáo dục và đào tạo sẽ được chủ trì tuyển dụng đội ngũ, thay vì chính quyền địa phương và ngành nội vụ như hiện nay (hiện, ngành giáo dục không có thẩm quyền chính trong tuyển dụng giáo viên, chỉ giữ vai trò kiến nghị, đề xuất).
Tôi cho rằng, việc ngành giáo dục được quyền tuyển dụng giáo viên và quản lý được nhân lực của mình có nhiều ưu điểm, phương thức này giúp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương.
Giúp ngành giáo dục chủ động hơn và cải thiện chất lượng giáo dục
Từ góc độ thực tiễn của ngành giáo dục ở địa phương, cô Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh (Đại biểu Quốc hội - khóa XIV) cũng cho rằng: “Nếu giao cho ngành giáo dục thẩm quyền quản lý nhân sự, từ tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí đội ngũ, sẽ hoạt động chất lượng và hiệu quả hơn. Bởi, như vậy sẽ thể hiện sự nhất quán từ trên xuống dưới, không bị “cắt khúc”, không bị phân tán, và bản thân ngành giáo dục nắm rõ về mặt chuyên môn, sẽ hiểu được nhu cầu của từng đơn vị, từng bộ phận đang cần đội ngũ như thế nào, qua đó, sẽ tuyển dụng được đúng người”.
Cô Tăng Thị Ngọc Mai cho biết: “Qua báo chí, tôi thấy có một số đại diện ngành giáo dục ở các địa phương chia sẻ về những khó khăn, bất cập trong khâu tuyển dụng, bố trí nhân sự.
Theo đó, có những nơi thừa, thiếu giáo viên cục bộ nhưng việc điều động, luân chuyển chưa thực sự kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc của ngành. Có nơi thừa vẫn không chuyển đi, mà có nơi thiếu vẫn không có kế hoạch bổ sung, thậm chí còn tiếp tục chuyển đi, xảy ra tình trạng thiếu càng thêm thiếu.
Thêm nữa, có những địa phương mặc dù thừa, thiếu cục bộ, nhưng ngành nội vụ vẫn gộp chung biên chế mà “cào bằng”. Trong khi đó, mỗi khu vực, vùng miền sẽ có những đặc trưng riêng, yêu cầu số lượng biên chế cũng như cơ cấu giáo viên khác nhau, không thể tính toán dựa trên một tỉ lệ “cứng”.
Một vấn đề nữa, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, có những môn tích hợp và một số môn học mới được triển khai ở một cấp học cụ thể (chẳng hạn, môn Tiếng Anh và Tin học đối với học sinh từ lớp 3)..., các địa phương phải có giải pháp khắc phục khi chưa kịp tuyển dụng đội ngũ. Mặc dù ngành giáo dục hiểu rõ tại mỗi cơ sở giáo dục đang thiếu và cần giáo viên bộ môn gì, nhưng lại không được chủ động, dẫn đến nhiều khó khăn.
Có những nơi, mặc dù có sự điều động giáo viên đúng nơi, đúng chỗ, nhưng thời gian thực hiện lại quá lâu, do vướng nhiều thủ tục. Từ việc ngành giáo dục ngồi lại với ngành nội vụ để bàn bạc, thống nhất, rồi mới tham mưu cho Ủy ban nhân dân phê duyệt... có khi làm chậm trễ thời gian điều động giáo viên đến nơi cần.
Như vậy, cần có cách giải quyết linh hoạt mà hiệu quả”.
Từ những dẫn chứng trên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho rằng, đó là những “khoảng hở” mà nếu tới đây, nội dung về giao thẩm quyền tuyển dụng đội ngũ cho ngành giáo dục được đưa vào Luật Nhà giáo, sẽ giúp cải thiện rất nhiều.
“Nếu ngành giáo dục được giao thẩm quyền quản lý nhân sự, sẽ giúp ngành chủ động hơn trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ một cách phù hợp nhất, góp phần giải quyết vấn đề thừa, thiếu cục bộ; đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương” - cô Tăng Thị Ngọc Mai đánh giá.
Thẩm quyền quyết định nhân sự phải được phân cấp và thực hiện công khai, minh bạch
Đồng tình với đề xuất thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng khẳng định, điều này là cần thiết.
Lý giải cho quan điểm trên, vị đại biểu cho hay: “Hiện nay, công tác tuyển dụng, bố trí giáo viên đang có quá nhiều bất cập. Thực trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên hiện đang tồn tại ở các địa phương, nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu, lại không điều chuyển được...
Ví dụ, ở một huyện đang thiếu giáo viên, còn ở một nơi khác của tỉnh đó lại dư giáo viên nhưng lại không điều chuyển những giáo viên đó qua huyện kia được. Như vậy, huyện thiếu lại phải tuyển giáo viên hoàn toàn mới. Trong khi đó, giáo viên ở khu vực thừa ở lại nhưng lâm vào tình trạng cho nghỉ cũng không được, mà bố trí dạy thêm cho đủ giờ cũng không xong...
Cho nên, tôi cho rằng, việc giao cho ngành giáo dục được quyền tuyển dụng và phân bổ giáo viên là rất cần thiết.
Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh, công tác quản lý nhân sự của ngành giáo dục cần phải được tiến hành công khai, minh bạch, cụ thể, rõ ràng. Giao thẩm quyền quản lý nhân sự theo ngành dọc, là giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và phân cấp về các địa phương, trao quyền cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo một cách mạnh mẽ hơn”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng phân tích cụ thể hơn: “Chẳng hạn, địa phương đang thiếu giáo viên môn ngoại ngữ, ngành giáo dục biết cần tuyển bao nhiêu người để bù đắp. Khi tuyển được giáo viên, ngành giáo dục sẽ phân bổ về nơi đang thiếu giáo viên bộ môn đó.
Nghĩa là, giao thẩm quyền cho các cơ quan quản lý giáo dục thực hiện việc điều động, thuyên chuyển và phân công nhà giáo dạy liên cơ sở giáo dục... tất nhiên phải dựa trên sự đồng thuận của bản thân giáo viên đó, chứ không phải là sự bắt buộc. Đó là trong phạm vi một huyện, một tỉnh”.
Ngoài ra, vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có quyền điều chuyển giáo viên liên tỉnh.
“Chẳng hạn, khi tỉnh Đồng Tháp đang dư giáo viên tiếng Anh, còn ở tỉnh An Giang đang thiếu giáo viên tiếng Anh mà không tuyển được, thì ngành giáo dục hoàn toàn có thể chuyển giáo viên tiếng Anh từ Đồng Tháp qua An Giang, nếu được sự đồng ý của giáo viên đó. Việc này cần thực hiện một cách linh động và tạo thuận lợi cho giáo viên” - vị đại biểu nêu.
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng lưu ý rằng, việc tuyển chọn giáo viên cũng cần nằm trong khung biên chế đã được cấp thẩm quyền cho phép.