Để thu hút SV học Kỹ thuật then chốt nên hỗ trợ sinh hoạt phí ở những ngành nào?

05/07/2025 06:26
Khánh Hòa
Theo dõi trên Google News

GDVN - Trước yêu cầu cấp thiết về nhân lực chất lượng cao ngành Kỹ thuật then chốt, thách thức đặt ra vừa phải thu hút người học vừa xác định hướng đi phù hợp.

Phát triển nhân lực kỹ thuật trình độ cao là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong bối cảnh chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhằm thu hút người học vào các ngành Kỹ thuật then chốt, góp phần hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành Khoa học cơ bản, Kỹ thuật then chốt và Công nghệ chiến lược để lấy ý kiến. Theo đó, sinh viên sẽ được hỗ trợ sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng khi theo học các ngành này.

Cần cân nhắc điều chỉnh mức hỗ trợ linh hoạt theo vùng

Trước đề xuất này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hoàng – Trưởng khoa, Khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: "Hiện nay, các ngành Khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt, công nghệ chiến lược đang đối mặt với một số khó khăn trong việc thu hút người học.

Đầu tiên, do nhận thức xã hội chưa đầy đủ nên học sinh, phụ huynh thường ưu tiên chọn những ngành "hot", dễ xin việc như kinh tế, tài chính. Trong khi, các ngành về kỹ thuật, khoa học cơ bản là nền tảng phát triển quốc gia ít được truyền thông về cơ hội nghề nghiệp dài hạn và vai trò chiến lược. Điều này dẫn đến việc không ít học sinh bỏ qua ngành học có nhiều tiềm năng phát triển.

Tiếp theo, chương trình học đòi hỏi kiến thức nền tảng vững chắc, thực hành chuyên sâu khiến sinh viên phải đối mặt với áp lực học tập lớn. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, cơ hội việc làm có thu nhập cao sau tốt nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, học phí các ngành về kỹ thuật, công nghệ thường tăng theo từng năm, nhưng chính sách về học bổng cũng như hỗ trợ sinh hoạt còn khiêm tốn, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Điều này khiến nhiều em học sinh giỏi nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn gặp rào cản trong tiếp cận các chương trình đào tạo chất lượng cao và bỏ lỡ cơ hội học tập.

Vì vậy, việc Nhà nước ban hành chính sách học bổng, hỗ trợ sinh hoạt rõ ràng, ổn định và đủ sức cạnh tranh với một số ngành khác là rất cấp thiết nếu muốn thu hút người học ở các ngành Khoa học cơ bản, Kỹ thuật then chốt và Công nghệ chiến lược".

thay-hoang.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hoàng – Trưởng khoa, Khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hoàng cho rằng, mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng là một bước tiến đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đồng hành cùng người học. Tuy nhiên, xét trên thực tế học phí và chi phí sinh hoạt như tiền thuê nhà trọ, ăn uống, đi lại, học liệu ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, mức hỗ trợ này chỉ đủ để trang trải một phần, chưa thể đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, sinh viên vẫn cần sự hỗ trợ từ gia đình hoặc đi làm thêm, điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập và nghiên cứu.

Để chính sách thực sự có tác động mạnh trong việc thu hút và giữ chân sinh viên ngành Kỹ thuật then chốt nên cân nhắc điều chỉnh mức hỗ trợ linh hoạt theo vùng, hoặc kết hợp với các chính sách hỗ trợ khác như miễn phí chỗ ở ký túc xá, hỗ trợ chi phí nghiên cứu, thực hành cũng như tạo điều kiện thực tập hưởng lương tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần xem xét cơ chế cho vay ưu đãi đối với người học với lãi suất bằng 0 hoặc rất thấp, cùng thời gian ân hạn dài để người học có thể trả nợ sau khi tốt nghiệp và có việc làm.

Mặc dù, chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên đã được triển khai từ lâu nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong quy mô, mức vay, lãi suất và thủ tục tiếp cận. Nếu có thể cải tiến mạnh mẽ theo hướng linh hoạt, dễ tiếp cận, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp tháo gỡ rào cản tài chính, đặc biệt với các ngành học dài hạn, chuyên sâu và mang tính chiến lược.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - Trưởng khoa, Khoa Điều khiển và Tự động hoá, Trường Đại học Điện lực chia sẻ: “Hiện nay, nhiều ngành Kỹ thuật then chốt vẫn chưa thu hút được thí sinh chất lượng cao tương xứng với tiềm năng phát triển và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

Mặc dù các lĩnh vực này đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự xuất hiện của công nghệ mới như AI, IoT, Robotics, nhưng chương trình đào tạo và cách thức truyền thông chưa theo kịp xu thế, khiến người học khó thấy được tính hiện đại và cơ hội phát triển trong ngành.

Không chỉ vậy, ngoài yêu cầu nền tảng vững chắc về Toán, Lý và tư duy logic, chương trình đào tạo ngành kỹ thuật thường có khối lượng kiến thức lớn, đòi hỏi người học nỗ lực cao. Tuy nhiên, mức lương khởi điểm chưa tương xứng với kỳ vọng khiến nhiều học sinh ưu tiên lựa chọn các ngành học nhẹ nhàng hơn".

d73e3258c5c872962bd9.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - Trưởng khoa, Khoa Điều khiển và Tự động hoá, Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NVCC.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, cần có thêm thông tin rõ ràng hơn về căn cứ mức hỗ trợ sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng/sinh viên. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mức hỗ trợ trên là chưa đủ để người học có thể đảm bảo cuộc sống và yên tâm học tập, trừ một số trường hợp như ở ký túc xá, có hỗ trợ từ gia đình, chi tiêu cực kỳ tiết kiệm hoặc đi làm thêm.

Vì vậy, cần căn cứ xem xét hỗ trợ dựa vào từng khu vực sống và học tập của sinh viên cũng như kết quả học tập, cam kết của người học. Nếu có thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đề xuất nâng mức hỗ trợ sinh hoạt tối thiểu lên 4,5-5 triệu đồng/tháng để phù hợp mặt bằng giá cả đô thị.

Ngoài ra, nên có thêm chính sách hỗ trợ khác như miễn, giảm học phí, hỗ trợ nhà ở (ký túc xá) hoặc học bổng theo năng lực để sinh viên không phải lo lắng về kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, nguồn lực còn khiêm tốn nên mức hỗ trợ nào cũng là đáng quý.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Đại – Phó Trưởng khoa, Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, sinh viên theo học các ngành kỹ thuật tại Việt Nam thường phải đối mặt với áp lực học tập lớn do đặc thù chương trình đào tạo nặng về tính toán, thực hành và tư duy công nghệ. Áp lực này càng lớn khi khoa học công nghệ được xác định là lĩnh vực mũi nhọn, giữ vai trò then chốt trong đổi mới, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hiện nay, nhiều sinh viên phải đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập và rèn luyện. Việc có chính sách hỗ trợ sinh hoạt, học bổng phù hợp là cần thiết giúp sinh viên yên tâm theo đuổi ngành học có yêu cầu cao này.

Mức hỗ trợ sinh hoạt được xem là bước đầu để thu hút sinh viên theo học các ngành kỹ thuật và ngành trọng điểm. Tuy nhiên, chính sách này nên được điều chỉnh hàng năm nhằm bắt kịp với biến động kinh tế và bảo đảm tính bền vững trong thu hút nhân lực chất lượng cao. Việc xác định mức hỗ trợ nên dựa trên chi phí sinh hoạt cơ bản của sinh viên như học phí, chi phí sinh hoạt, chỗ ở, học liệu...

Ngoài ra, có thể kết hợp hỗ trợ và cho vay thông qua cơ chế rõ ràng, minh bạch, đi kèm những yêu cầu ràng buộc cụ thể. Trong đó, khoản vay có thể được dùng để chi trả học phí và chuyển thẳng đến cơ sở đào tạo nhằm giảm áp lực tài chính cho người học.

sinh-vien-dh-thuy-loi.jpg
Sinh viên Trường Đại học Thủy lợi trong giờ thực hành điều khiển robot tại phòng thí nghiệm.
Ảnh: website nhà trường.

Cần giải pháp chiến lược để thu hút người học

Để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng cần lựa chọn hướng hỗ trợ phù hợp, tập trung nguồn lực vào các ngành chiến lược, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Trong đó, danh mục các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật then chốt dự kiến được hưởng hỗ trợ sẽ chọn 1 trong 2 phương án sau:

bang-ke-2.jpg

Theo Trưởng khoa, Khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, việc lựa chọn tập trung đầu tư có trọng điểm là yếu tố then chốt nhằm đảm bảo hiệu quả trong phát triển nhân lực kỹ thuật trình độ cao. Vì vậy, nên tập trung vào các ngành thuộc phương án 1 như Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa, Cơ khí chính xác...

Đây là những ngành học có tốc độ phát triển nhanh, đóng vai trò nền tảng trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và công nghiệp hóa đất nước, đồng thời là lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, khả năng hội nhập quốc tế lớn, dễ tiếp cận thị trường toàn cầu. Việc trải rộng hỗ trợ cho các ngành học trong phương án 2, nguồn lực sẽ bị phân tán, khó tạo ra chuyển biến rõ rệt ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Khi tập trung vào một số ngành chiến lược, khả thi, sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp, thậm chí dẫn đầu trong một số ngách công nghệ, đồng thời, tạo ra sức bật mạnh mẽ hơn cho toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thị trường lao động kỹ thuật chất lượng cao.

Tuy nhiên, các ngành kỹ thuật truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng, cần được lồng ghép trong chiến lược đào tạo và chuyển đổi công nghệ, thay vì ưu tiên hỗ trợ ngay từ đầu trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.

Ngoài ra, về chính sách học bổng, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có kết quả học tập loại xuất sắc được cấp học bổng 100% học phí. Với nhóm giỏi và khá, học bổng lần lượt là 70% và 50%. Việc này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao nhưng chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực nghiên cứu kỹ thuật trình độ cao.

Thực tế cho thấy, số lượng người học sau đại học trong lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ hiện nay còn rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu phát triển khoa học và công nghiệp. Những người ở lại trong nước thường gặp khó khăn về tài chính, thiếu môi trường nghiên cứu chất lượng, thiếu đội ngũ hướng dẫn chuyên sâu hoặc không thấy rõ lộ trình nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, họ thường lựa chọn du học ở nước ngoài, nơi có điều kiện học tập, cơ sở vật chất và cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn hơn.

Từ thực tiễn trên, cần phải có chiến lược toàn diện hơn như nâng cao chất lượng đào tạo và hướng dẫn nghiên cứu, xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, gắn đào tạo sau đại học với nhu cầu nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm, nghiên cứu sau tốt nghiệp. Chỉ khi đó, người học mới thực sự thấy được giá trị và tiềm năng của việc tiếp tục học lên cao trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ chiến lược.

sinh-vien-truong-dai-hoc-dien-luc.jpg
Sinh viên Khoa Điều khiển và Tự động hoá, Trường Đại học Điện lực trong một tiết học thực hành.
Ảnh: website nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hoàng cho biết thêm, để thực sự thu hút người học và tạo động lực dài hạn cho các ngành Kỹ thuật then chốt, ngoài các chính sách về học phí và sinh hoạt phí, Nhà nước cần tập trung đồng bộ vào ba nhóm giải pháp chiến lược.

Thứ nhất, cần có chính sách phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật, công nghệ cao, công nghiệp quốc phòng, năng lượng, hàng không vũ trụ... từ đó tạo ra một hệ sinh thái việc làm rộng mở, ổn định và có triển vọng thu nhập tốt cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Khi thấy được tương lai nghề nghiệp rõ ràng, học sinh phổ thông và phụ huynh mới sẵn sàng lựa chọn các ngành học này.

Thứ hai, cần có hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực kỹ thuật. Đặc biệt, nên ưu tiên chính sách hỗ trợ các nhóm start-up trong trường đại học, vì đây là nơi ươm mầm ý tưởng và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Việc tạo cơ chế cho giảng viên, sinh viên được làm khoa học, thương mại hóa sản phẩm sẽ giúp kết nối đào tạo – nghiên cứu – ứng dụng một cách hiệu quả.

Thứ ba, cần đẩy mạnh truyền thông và tôn vinh những người làm trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Trong xã hội hiện nay, hình ảnh của các chuyên gia kỹ thuật, nhà khoa học công nghệ chiến lược chưa được truyền cảm hứng rộng rãi như một số lĩnh vực khác. Do đó, cần có thêm giải thưởng, chiến dịch truyền thông, câu chuyện người thật, việc thật để lan tỏa giá trị của ngành, khơi dậy niềm tự hào nghề nghiệp và tạo ảnh hưởng tích cực đến học sinh trung học phổ thông trong quá trình chọn ngành, chọn nghề.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng khoa, Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Thủy lợi đánh giá, mỗi ngành học đều có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay nên tập trung vào các ngành mũi nhọn đang cần nhân lực để phát triển đột phá. Vì vậy phương án 1 gồm các ngành như Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Điện - Điện tử, Tự động hóa... sẽ phù hợp hơn.

Nhân lực thuộc các ngành này được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới của nước ta. Đây cũng là những ngành đòi hỏi đầu tư lớn và cần đội ngũ lao động chất lượng cao hơn so với mặt bằng chung.

Trưởng khoa, Khoa Điều khiển và Tự động hoá, Trường Đại học Điện lực cũng cho rằng, việc hỗ trợ sinh viên ngành Kỹ thuật then chốt cần dựa trên chiến lược phát triển dài hạn đến năm 2045 của Nhà nước, nhằm bảo đảm đồng bộ giữa đào tạo và nhu cầu nhân lực trong tương lai. Do đó, việc hỗ trợ theo phương án 1 là phù hợp hơn. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm các ngành về năng lượng như Kỹ thuật năng lượng, Quản lý năng lượng, Điện hạt nhân, Năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, để thực sự thu hút người học, cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện từ tài chính đến học thuật và cơ hội phát triển. Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, các cơ sở giáo dục đại học cần cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, tích hợp liên ngành, tăng cường kỹ năng và bổ sung nội dung đào tạo bằng tiếng Anh. Đồng thời, cần mở rộng liên kết với các trường quốc tế, triển khai các chương trình song ngữ và đào tạo kỹ sư chất lượng cao thông qua học bổng du học, trao đổi quốc tế, các khóa học lấy chứng chỉ kỹ năng toàn cầu.

Song song với đó, cần khuyến khích học song ngữ chuyên ngành, sử dụng tiếng Anh trong giảng nhằm giúp sinh viên hình thành tư duy hội nhập, khát vọng vươn xa và thực sự chủ động định hình nghề nghiệp tương lai của bản thân.

Nhà trường phải có cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình học gắn với nhu cầu thực tiễn và hỗ trợ sinh viên tiếp cận cơ hội nghề nghiệp.

Không chỉ vậy, cần có thêm các cuộc thi, giải thưởng nhằm tôn vinh giá trị của kỹ sư, đặc biệt là kỹ sư trong chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới gắn với cách mạng 4.0. Mục tiêu là giúp cho học sinh, phụ huynh thay đổi nhận thức, nâng cao động lực theo đuổi ngành kỹ thuật.

Khánh Hòa