Có thầy cô bị âm tiết dạy khi nhà trường tổ chức học trực tuyến, vì sao?

26/09/2021 06:50
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường không những không quy đổi tiết dạy online ra tiết dạy trực tiếp mà còn trừ tiết chuẩn định mức khiến giáo viên bức xúc.

Ngày 24/9, một bạn đọc là giáo viên để lại bình luận dưới bài báo “Vì sao nhiều trường vẫn thờ ơ quy đổi tiết dạy trực tuyến cho giáo viên?” như sau:

“Tôi là giáo viên cấp II dạy môn Âm nhạc, do trường hiện chưa đủ giáo viên nên tôi dạy 30 lớp (30 tiết/tuần – tác giả nhấn mạnh). Trường tôi ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, ban giám hiệu đã ghép 2 lớp vào 1 tiết học nên tiết thực dạy của tôi chỉ còn lại 15 tiết/1 tuần.

Ban giám hiệu tính cho tôi âm 4 tiết/tuần (giáo viên bậc trung học cơ sở dạy phải dạy 19 tiết/tuần), sau dịch đi dạy lại sẽ trừ bù (không được tính tiết dư giờ). Tôi thật sự rất bức xúc, cảm thấy bị phân biệt đối xử. Tôi cũng chuẩn bị bài đầy đủ, dạy trọn vẹn tiết, còn điểm danh cả 2 lớp mệt hơn so với các môn còn lại (dạy 1 lớp) mà còn bị tính âm tiết. Tôi bức xúc không biết kêu ai”.

Nhận thấy phản ảnh của bạn đọc là có cơ sở, người viết vào cuộc tìm hiểu thì được biết, giáo viên ở một số tỉnh thành khác cũng bị trừ tiết chuẩn định mức khi dạy trực tuyến khiến thầy cô bức xúc.

Cô T.M.T dạy bậc trung học phổ thông ở tỉnh Tây Ninh chia sẻ, cô làm công tác chủ nhiệm (trực tuyến) nhưng trường chỉ tính 1 tiết/tuần (theo quy định, giáo viên chủ nhiệm được tính 4 tiết/tuần). Trong khi đó, nhiều trường ở tỉnh này vẫn tính cho giáo viên chủ nhiệm đủ 4 tiết/tuần như dạy trực tiếp.

“Trường tôi dồn nguyên khối vô dạy một lần. Bình thường tôi dạy 8 tiết Địa lí/tuần nhưng nay nhà trường ghép lớp, chỉ còn 4 tiết/tuần. Tôi là giáo viên hợp đồng, dạy trực tuyến cả tháng chỉ nhận được 240 ngàn đồng, không biết sống sao trong mùa dịch này”, cô M.T ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) trải lòng.

Ảnh minh hoạ: Baodongnai.com.vn

Ảnh minh hoạ: Baodongnai.com.vn

Vì sao giáo viên bị trừ tiết dạy trực tuyến?

Thứ nhất, ngày 16/9, Bộ Giáo dục ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 nhằm ứng phó với dịch Covid-19.

Công văn có nội dung hướng dẫn nhà trường giảm tải một số đơn vị kiến thức, khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự làm hoặc tích hợp các bài học thành chủ đề.

Theo tìm hiểu của người viết, hiệu trưởng một số trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động cắt tiết dạy định mức cho giáo viên theo Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH nhằm giảm tải cho việc dạy học trực tuyến.

Chẳng hạn, những môn nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, giáo viên chỉ dạy trực tuyến 2 tiết/tuần (thay vì 3 tiết). Giáo viên dạy các môn nhiều tiết thường kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm, trong khi đó số tiết định mức được cắt giảm nên thầy cô chỉ được tính 2 tiết chủ nhiệm/tuần (thay vì 4 tiết).

Thứ hai, lãnh đạo một số trường còn có tâm lí chưa chưa chú trọng những môn ít tiết (thường gọi là môn phụ) như Công nghệ, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Tin học… nên gộp 2, 3 lớp vào 1 tiết dạy.

Việc làm này tuy giúp giáo viên bộ môn đỡ vất vả vì không phải dạy nhiều tiết/tuần nhưng rõ ràng cách thực hiện còn bất cập. Đó là, giáo viên dạy 2, 3 lớp, số lượng học sinh khoảng 120 em thì rất khó quản lí, tương tác trong quá trình dạy học. Còn giáo viên nào dạy dư giờ thì cũng không được nhận phụ trội, gây thiệt thòi về quyền lợi.

Thứ ba, vẫn còn đó những lãnh đạo chưa thấu hiểu hết sự nhọc nhằn của giáo viên khi triển khai dạy học trực tuyến. Giáo viên bộ môn phải mất 3, 4 tiếng mới soạn xong một tiết dạy (45 phút) bằng giáo án điện tử. Còn tiết dạy theo chủ đề, chuyên đề, dạy học tích hợp thì tốn nhiều thời gian hơn nữa.

Riêng công việc của giáo viên chủ nhiệm ở “mùa dịch” này chắc chắn nhọc nhằn hơn rất nhiều so với khi thực hiện ở trên lớp. Hằng ngày, thầy cô phải theo dõi sĩ số nhằm kiểm tra tình hình sức khỏe của các em. Giáo viên chủ nhiệm còn phải kết hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn nhằm giúp việc học trực tuyến hiệu quả.

Hãy công bằng và sòng phẳng với giáo viên

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 25/9 đăng tải bài viết: “Quy đổi 1 tiết trực tuyến bằng 3 tiết trực tiếp, tiền đâu ra”, khiến tôi có đôi điều băn khoăn cần trao đổi thêm với tác giả.

Theo đó, tác giả bài viết phân tích, “làm một bài toán đơn giản, nếu quy đổi 1 tiết trực tuyến bằng 3 tiết trực tiếp thì sau khi cân đối, giả sử mỗi giáo viên mỗi tuần thừa giờ 20 tiết, mỗi tiết giả sử là 100.000 đồng.

Như vậy mỗi tuần giáo viên được tính dư giờ 2.000.000 đồng, vị chi 8.000.000 đồng mỗi tháng. Với lực lượng hơn 1,2 triệu giáo viên hiện nay thì mỗi tháng dạy trực tuyến nhà nước phải chi thêm 10.000 tỷ đồng để trả dư giờ do dạy trực tuyến.”

Tôi cơ bản đồng tình với góc nhìn của tác giả, “với đề xuất quy đổi 1 tiết trực tuyến = 3 tiết trực tiếp sẽ đẻ ra khoản kinh phí khổng lồ, thiết nghĩ chẳng có ngân sách nào kham nổi, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay”.

Thế nhưng, tôi cho rằng trường học hoàn toàn có thể quy đổi 1 tiết trực tuyến bằng 3 tiết trực tiếp nếu hiệu trưởng thực hiện tinh giảm tổng số tiết dạy/năm học.

Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn giảm tải nhiều đơn vị kiến thức thì hiệu trưởng có thể chủ động cắt giảm số tiết dạy theo môn học.

Ví dụ, môn Ngữ văn 10 phân phối 105 tiết/năm, có thể cắt 1/3 trên tổng số tiết. Như thế có thể lấy số tiết dạy trực tuyến để quy đổi ra tiết dạy thực tế sao cho đủ 105 tiết/năm với môn học này. Nếu số tiết quy đổi lớn hơn 105 tiết/năm, dĩ nhiên giáo viên phải được tính tiết vượt giờ là hợp tình hợp lí.

Thực ra, tiết dạy trực tuyến chỉ kéo dài một thời gian do dịch bệnh, và không phải địa phương nào cũng dạy theo hình thức này, vậy nên làm gì có chuyện “Nhà nước phải chi thêm 10.000 tỷ đồng để trả dư giờ do dạy trực tuyến” (1 tháng).

Bàn về dạy học trực tuyến, tôi đồng tình với tác giả bài viết “Nhà giáo dạy tăng tiết cần sự công bằng, xin đừng kêu gọi nhiệt huyết suông”, đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 23/9:

“Không thể lấy lý do vì dịch bệnh, được nhận lương đã là hạnh phúc để đưa ra cách tính cào bằng, tạo ra sự bất công ngay trong môi trường giáo dục để người dạy nhiều phải gánh cho người dạy ít. Khi quyền lợi cá nhân được đảm bảo thì năng suất lao động, lòng nhiệt huyết của người thầy mới được phát huy”.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vi-sao-nhieu-truong-van-tho-o-quy-doi-tiet-day-truc-tuyen-cho-giao-vien-post221199.gd

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/quy-doi-1-tiet-truc-tuyen-bang-3-tiet-truc-tiep-tien-dau-ra-post221191.gd

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-giao-day-tang-tiet-can-su-cong-bang-xin-dung-keu-goi-nhiet-huyet-suong-post221238.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương