Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ký ban hành Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực [1].
Trong Chỉ thị có nêu: “Công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm.
Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm”.
Do đó, Bộ Chính trị yêu cầu: “Cần xác định rõ việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cơ quan chức năng ở các cấp...”.
Cô giáo Nguyễn Thúy Hảo chỉ mong một bản án công tâm khách quan nhưng việc đó cũng trở nên rất khó khăn (ảnh nhân vật cung cấp). |
Chỉ thị 27 ban hành, nhiều cô thầy khi nắm được nội dung này đã bày tỏ rằng, giá như Chỉ thị nhanh chóng được Ngành giáo dục triển khai vào thực tiễn để những người dám đấu tranh, nói lên sự thật được bảo vệ để ngành giáo dục càng ngày trong sạch hơn.
Cô giáo Nguyễn X. (xin giấu tên) ở Thanh Trì, Hà Nội - người từng tham gia viết đơn tố cáo hiệu trưởng lạm thu, chi sai nguyên tắc tâm sự với phóng viên rằng: “Tôi chỉ mong cấp trên bớt đi những ánh mắt nghi ngờ đã là phúc lắm rồi chứ đâu dám mong vinh danh.
Trong nhóm lợi ích thì họ luôn cho rằng người đấu tranh như tôi là những kẻ phá hoại”.
Giáo viên gay gắt tố Hiệu trưởng trường Ngô Thì Nhậm, nghi Sở bao che |
Xác định đấu tranh với các hành vi sai phạm của hiệu trưởng, kế toán cô Nguyễn X. và 6 giáo viên khác trong nhà trường đã xác định là đương đầu với nhiều thử thách khó khăn phía trước.
Tuy nhiên, khi trực tiếp trải nghiệm thì các cô giáo mới thấy được áp lực là rất lớn, nếu không có trí tuệ và bản lĩnh thì sẽ không đi tới được sự thật.
Cô Nguyễn X. cho rằng: "Đấu tranh chống tiêu cực là hành trình quá áp lực và quá khó. Bởi vì cái sai ở đây là cả hệ thống chứ không chỉ một mình cá nhân mình định tố cáo. Chính vì thế, luôn có một thế lực bao che và trấn áp người tố cáo.
Qua sự việc vừa rồi ở trường tôi, nếu chúng tôi không có lập trường, kiến thức, bằng chứng thì đã bị bóp chết” – cô Nguyễn X.
Giờ đây, các sai phạm của Hiệu trưởng mà cô X. cùng tập thể 6 giáo viên chỉ ra vẫn chưa đi tới tận cùng sự thật mặc dù Hiệu trưởng đã bị kỷ luật cho thôi chức vụ.
Nỗi buồn lớn nhất khi cô Nguyễn X. tham gia đấu tranh theo cô phản ánh là việc: “Trong con mắt của nhiều cán bộ, họ xem những người đấu tranh như cô là phá hoại nên luôn bị chất vấn, bị gây khó dễ.
Mỗi lần làm việc đối chất thì cấm ghi âm, ghi hình… Nói thật là cán bộ tiếp dân còn non kém về trình độ hay họ bị một cái gì đó hạn chế nên không hề đứng về phía người tố cáo. Thậm chí bộc lộ sự ấu trĩ”.
Theo cô giáo Nguyễn X., ngành giáo dục phải nhìn thẳng vào sự việc không được né tránh, giải quyết đơn thư một cách công tâm đến nơi đến chốn, đến tận cùng của sự việc.
“Riêng vụ việc tại trường tôi, hậu quả để lại là không giải quyết đúng người đúng tội, không đi đến tận cùng câu chuyện, nửa vời dẫn đến khiếu kiện kéo dài”, cô X. chia sẻ.
Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực |
Cuối cùng cô giáo X. cho rằng: “Ngành giáo dục nên có biện pháp giải quyết từ gốc, đặc biệt trong giáo dục đội ngũ hiệu trưởng và kế toán.
Bởi vì, để xây một toà lâu đài thì cần cả rừng cây, mà đội ngũ giáo viên là rừng cây. Nhưng để đốt toà lâu đài đó thì chỉ cần một que diêm, mà hiệu trưởng và kế toán tham lam chính là que diêm đó.
Xuất phát từ câu chuyện ngôi trường của tôi, thì hiệu trưởng và kế toán tham lam là nguyên nhân của mọi vấn đề”.
Những gì cô X. chia sẻ là tình trạng chung của nhiều cô thầy khi tham gia đấu tranh chống tiêu cực.
Tuy nhiên nói về việc thầy cô đấu tranh nhận được gì khi tham gia chống tiêu cực thì câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thúy Hảo, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên là một điển hình cho sự bi thương.
Ngày 19/10/2016, cô Nguyễn Thúy Hảo có đơn kiến nghị lên cấp trên phản ánh về những sai phạm của Hiệu trưởng.
Oái oăm là, trong suốt quá trình đấu tranh cô Nguyễn Thúy Hảo bị kỷ luật hai lần oan sai về Đảng, bị cách chức phó Hiệu trưởng và bị điều chuyển công tác.
Liên tục viết đơn thư khiếu nại, kêu oan nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Ngày, 28/11/2018, cô Hảo đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân Thái Nguyên về các quyết định hành chính kỷ luật cách chức vụ Phó Hiệu trưởng và quyết định điều chuyển công tác đối với cô.
Oái oăm là, ngày 12/12/2018, Tòa án Nhân dân Thái Nguyên đã có quyết định không thụ lý đơn kiện của cô Hảo với lý do sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Để theo đuổi công lý, cô Nguyễn Thúy Hảo tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Tòa án Cấp cao khu vực Miền Bắc để mong tìm được công lý.
Tâm sự với phóng viên, cô Hảo luôn trong tâm trạng buồn chán, bi quan, không biết bấu víu đâu để bảo vệ cho quyền lợi của mình.
Thiết nghĩ, người đấu tranh nào cũng như cô Hảo, một mình đơn độc đấu tranh và chịu kỷ luật một cách nặng nề như vậy thì những tiêu cực của ngành giáo dục khi nào mới được vơi đi.
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/xay-dung-dang/2019/53864/Bo-Chinh-tri-ra-chi-thi-ve-bao-ve-nguoi-to-giac.aspx