Có thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen khi thực hiện đổi mới GD

13/05/2022 09:21
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giai đoạn 2016-2021, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ngày 12/5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 29 và định hướng phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội XIII. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội nghị.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội nghị (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội nghị (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc hai cơ quan.

Báo cáo một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 và định hướng nhiệm vụ lớn giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, giai đoạn 2016-2021, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; tập trung triển khai thực Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quá trình thực hiện có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó có nhiều nhiệm vụ lớn, mới, chưa có tiền lệ, như: xây dựng chương trình giáo dục phổ thông chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực; tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa; thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện… để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29.

Đặc biệt, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến, học trên truyền hình trên diện rộng, trong thời gian dài.

Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và hỗ trợ kịp thời của Ban Tuyên giáo Trung ương, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, tổ chức triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Trong đó có việc hoàn thiện thể chế, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; hoàn thành và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, trọng tâm là Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng; chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên; tự chủ đại học được đẩy mạnh, thứ hạng đại học Việt Nam tăng cao; tăng cường giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Lần đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, theo một quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục; từ xây dựng, ban hành chương trình đến biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Sau gần 2 năm học triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cho thấy kết quả bước đầu rất tích cực, các nhà trường, giáo viên và học sinh hào hứng, chủ động, sáng tạo hơn trong quá trình dạy và học.

Giai đoạn 2016-2021, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam cũng có kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn.

Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 51 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2021 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015. Nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Với giáo dục đại học, được tự chủ toàn diện, nhiều trường đã chủ động mở thêm nhiều ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế. Số lượng các công trình khoa học công bố quốc tế tăng liên tục, nhiều công trình được chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Cùng với các kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng đề cập tới một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc và các nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục xác định giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ, trao đổi làm rõ thêm các kết quả, cũng như hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo, nhất là đổi mới giáo dục phổ thông; đồng thời đề xuất những hỗ trợ trên nhiều mặt từ phía Ban Tuyên giáo Trung ương.

Về phía Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Phùng Xuân Nhạ và đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn cũng đã có những trao đổi, định hướng về việc triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh tới lộ trình, bước đi, tính khả thi của các mục tiêu giáo dục và công tác truyền thông giáo dục nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội về quá trình đổi mới của ngành.

Nhấn mạnh quan điểm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá: cùng với thành tựu chung của đất nước, giáo dục và đào tạo trong thời gian qua đã được được những kết quả to lớn. Trong điều kiện dịch bệnh, lĩnh vực Giáo dục chịu nhiều tổn thương nhất và phục hồi chậm hơn, nhưng các nhiệm vụ vẫn được hoàn thành tốt. Trong phát biểu của mình, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng thể hiện sự chia sẻ với ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo và lưu ý một số vấn đề ngành Giáo dục cần quan tâm thời gian tới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn sự chia sẻ, thấu hiểu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đối với ngành Giáo dục; đồng thời mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, quan tâm hơn nữa của Ban Tuyên giáo Trung ương trong thời gian tới.

Linh Hương