Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có nêu việc tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Điều này đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho các cơ sở giáo dục đại học, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động. Do đó, nhiều trường đại học đang nỗ lực bồi dưỡng, cải thiện trình độ tiếng Anh cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên chương trình đại trà.
Trường đại học triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên đại trà
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhật - Trưởng khoa Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, hiện nay, nhà trường đang triển khai 2 loại hình đào tạo gồm chương trình đại trà và chương trình tiên tiến. Hai chương trình đào tạo này được thể hiện rõ nét ở mục tiêu đào tạo, ngôn ngữ giảng dạy cũng như chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ.
Cụ thể, các chương trình tiên tiến của trường được thiết kế theo định hướng hội nhập quốc tế, sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chuyên môn, áp dụng trong 7 ngành đào tạo, trong đó 5 ngành đã triển khai giảng dạy chính thức. Sinh viên chương trình tiên tiến không chỉ học chuyên ngành bằng tiếng Anh, mà còn được tiếp cận với hệ thống giáo trình, học liệu chuyên sâu bằng ngoại ngữ.
Sinh viên theo học chương trình này cũng được học tập với giảng viên trong và ngoài nước, tham gia các hoạt động học thuật với chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, yêu cầu đầu ra năng lực ngoại ngữ của sinh viên được xác định ở bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, thể hiện kỳ vọng cao về trình độ sử dụng tiếng Anh học thuật và chuyên ngành.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng dành nhiều nỗ lực để nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên chương trình đại trà.
Đối với chương trình đại trà, mặc dù không giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh, nhưng trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập nghề nghiệp trong tương lai.
Sinh viên theo học chương trình này sẽ được tăng cường hệ thống kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ chuẩn hóa. Trong đó, nhà trường đã xây dựng quy trình kiểm tra, ngân hàng câu hỏi, đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ và tổ chức các kỳ thi quốc tế theo chuẩn được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Năng lực tiếng Anh yêu cầu đối với sinh viên chương trình đại trà khi tốt nghiệp là bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng thực tiễn, chú trọng năng lực sử dụng ngoại ngữ trong các tình huống nghề nghiệp, dự án, thuyết trình, phỏng vấn.
Về giảng viên giảng dạy, nhà trường cũng đã phát triển đội ngũ chuyên trách về khảo thí ngoại ngữ. Trong đó, 28 thầy cô được bồi dưỡng kỹ năng chấm thi nói và viết, 26 giảng viên được đào tạo về kỹ thuật ra đề thi theo chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cho toàn bộ sinh viên, kể cả sinh viên chương trình đại trà.
Không những vậy, việc đầu tư hạ tầng công nghệ hỗ trợ học ngoại ngữ cũng được trường chú trọng. Trường đã đưa vào sử dụng hệ thống LMS trên nền tảng Moodle, tạo điều kiện cho sinh viên tự học, ôn tập và tương tác trực tuyến hiệu quả.
Song song với đó, nhà trường thường xuyên tiếp nhận chuyên gia, trợ giảng tiếng Anh từ các tổ chức uy tín như Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hội đồng Anh và các trường đại học quốc tế. Sự hiện diện của các chuyên gia không chỉ hỗ trợ cho chương trình tiên tiến, mà còn lan tỏa môi trường học tập tiếng Anh cho sinh viên hệ đại trà qua các hoạt động ngoại khóa, workshop và giao lưu học thuật.
Đặc biệt, việc khai thác và xây dựng các khóa học mở trực tuyến (MOOC), chủ động tích hợp các khóa học mở vào chương trình đào tạo được trường đẩy mạnh. Điều này hỗ trợ sinh viên rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ và mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho cả giảng viên và sinh viên, góp phần hình thành cộng đồng học tập chủ động, linh hoạt theo kịp xu thế chuyển đổi số trong giáo dục.
Những giải pháp này đã cho thấy hiệu quả bước đầu, tỷ lệ sinh viên đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường ngày càng tăng. Trong những năm học tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động dạy học phân hóa, đặc biệt với sinh viên có xuất phát điểm ngoại ngữ thấp, thông qua các lớp phụ đạo, chương trình cố vấn học tập và xây dựng cộng đồng học tiếng Anh cho sinh viên.

Nỗ lực nâng cao tiếng Anh cho sinh viên đại trà cũng là định hướng tại Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù chương trình đại trà của trường chủ yếu giảng dạy bằng tiếng Việt, nhưng nhà trường vẫn đặc biệt chú trọng trong việc bồi dưỡng tiếng Anh cho sinh viên theo học chương trình này.
Về chuẩn đầu ra tiếng Anh của chương trình đại trà, nhà trường quy định sinh viên tốt nghiệp cần đạt bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, để có năng lực phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong nước.
Hơn nữa, nhà trường đã lồng ghép một số học phần tiếng Anh vào chương trình đại trà, đặc biệt ở các môn cơ bản và chuyên ngành. Mục tiêu là đảm bảo sinh viên đại trà có thể sử dụng tiếng Anh cơ bản trong công việc, tạo nền tảng để học tiếp các bậc học cao hơn và nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng giảng dạy, trường cũng tổ chức 100% các lớp tiếng Anh có 1/3 thời lượng được giảng dạy bởi giáo viên nước ngoài. Đồng thời, đầu tư, bồi dưỡng giảng viên tiếng Anh bằng các khóa học nâng cao năng lực và phương pháp giảng dạy song ngữ giúp việc lồng ghép tiếng Anh vào bài giảng một cách tự nhiên.
Nhờ những nỗ lực trên, tỷ lệ sinh viên đại trà đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường đã tăng từ 45% năm 2023 lên 80% trong năm 2024.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, nhà trường xác định tiếng Anh không chỉ đơn thuần là một công cụ giao tiếp, mà còn là yếu tố then chốt trong việc nâng cao năng lực hội nhập và năng lực cạnh tranh quốc tế cho cả sinh viên và đội ngũ giảng viên.
Với tầm nhìn chiến lược đó, trong nhiều năm qua, nhà trường đã chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai trong môi trường học thuật. Một trong những trọng tâm là việc thiết kế và đưa vào giảng dạy ở chương trình đào tạo, bao gồm chương trình đại trà các học phần song ngữ, đặc biệt trong các chương trình đào tạo mang tính liên ngành và định hướng quốc tế.
Đối với các ngành trong chương trình đào tạo đại trà, nhà trường sử dụng các bộ giáo trình tiếng Anh cập nhật, đáp ứng chuẩn mực quốc tế và thường xuyên tổ chức các lớp chuyên đề, hội thảo khoa học do giảng viên nước ngoài hoặc các học giả quốc tế đảm nhiệm. Các hoạt động này được triển khai thông qua các chương trình hợp tác như: Erasmus, Fulbright, cũng như các chương trình trao đổi giảng viên với các trường đại học đối tác.

Nỗ lực đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong bối cảnh hội nhập sâu rộng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng xác định tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ giảng dạy trọng yếu trong chiến lược phát triển giáo dục đại học, đồng thời đặt trọng tâm vào việc xây dựng một môi trường học tập quốc tế hóa, đa văn hóa. Do đó, ngoài đưa tiếng Anh vào giảng dạy, trường đã có những kế hoạch để sinh viên được tiếp xúc với nhiều văn hóa trên thế giới, rèn luyện kỹ năng hội nhập.

Trong đó, trường thúc đẩy các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, thông qua việc hợp tác với các trường đại học uy tín tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Canada,…nhằm đưa sinh viên ra nước ngoài tham gia học tập ngắn hạn, thực tập nghề nghiệp hoặc giao lưu học thuật.
Đồng thời, việc tiếp nhận sinh viên và giảng viên quốc tế đến học tập và giảng dạy cũng được chú trọng từ đó, tạo nên môi trường giao thoa văn hóa ngay trong khuôn viên nhà trường, giúp sinh viên rèn luyện khả năng giao tiếp tiếng Anh một cách tự nhiên và chủ động.
Một điểm đáng chú ý là nhà trường cũng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế định kỳ, bao gồm: Ngày hội giao lưu quốc tế, Ngày hội trải nghiệm văn hóa, Chương trình Việt Nam học cho người nước ngoài, Trại hè văn hóa Việt Nam. Đây là những sân chơi bổ ích giúp sinh viên mở rộng hiểu biết, hình thành tư duy liên văn hóa và nâng cao năng lực hội nhập.
Đặc biệt, việc phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng toàn cầu thông qua các học phần kỹ năng chuyên biệt, hoạt động của các câu lạc bộ tiếng Anh, mô hình học tập phục vụ cộng đồng và các cuộc thi học thuật bằng tiếng Anh hùng biện, tranh biện, hoặc đề xuất sáng kiến toàn cầu đã được trường đẩy mạnh.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhật, bên cạnh việc tăng cường năng lực tiếng Anh thông qua chương trình đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 xác định rõ rằng, việc rèn luyện ngoại ngữ hiệu quả và toàn diện không thể tách rời khỏi môi trường văn hóa – học thuật đa dạng và cơ hội giao lưu quốc tế. Chính vì vậy, nhà trường đã và đang triển khai nhiều hoạt động phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng và người học nhằm tạo điều kiện để sinh viên được tiếp cận các nền văn hóa khác nhau, đồng thời phát triển năng lực ngoại ngữ và hội nhập toàn cầu.
Thứ nhất, nhà trường duy trì hợp tác bền vững với nhiều trường đại học và tổ chức giáo dục quốc tế uy tín, trong đó có các chương trình hợp tác với Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hội đồng Anh, các trường đại học trên thế giới như Anh, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)… Trường đã tiếp nhận các chuyên gia nước ngoài, trong đó có giảng viên chương trình Fulbright, trợ giảng tiếng Anh (ETA) và chuyên gia ngắn hạn đến giảng dạy và tập huấn cho sinh viên.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm quốc tế, lớp học trải nghiệm cùng giảng viên nước ngoài và các phiên giao lưu học thuật trực tuyến với sinh viên quốc tế. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, mà còn phát triển tư duy toàn cầu, hiểu biết về các nền văn hóa và phong cách làm việc đa dạng.
Thứ ba, thiết lập môi trường học tập quốc tế hóa trong nhà trường. Trong đó, một số ngành đào tạo đã triển khai giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh như các chương trình thí điểm ở ngành Sư phạm Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học… Điều này giúp sinh viên cải thiện kỹ năng ngôn ngữ chuyên ngành và được làm quen với cách tiếp cận học thuật, nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế, chuẩn bị cho việc tham gia các chương trình học tập, nghiên cứu hoặc làm việc ở nước ngoài trong tương lai.
Thứ tư, nhằm tăng cường thực hành sử dụng tiếng Anh trong môi trường gần gũi và sinh động, nhà trường đã phát triển nhiều hoạt động như: Câu lạc bộ tiếng Anh, Ngày hội giao lưu văn hóa Anh - Trung - Hàn, Cuộc thi hùng biện, viết luận, làm video bằng tiếng Anh, cùng các chương trình giao lưu ngoại ngữ với sự tham gia của sinh viên các trường đại học khác và các chuyên gia nước ngoài.
Thứ năm, để hướng tới nhu cầu thị trường lao động quốc tế, trường đẩy mạnh hợp tác đào tạo, hội thảo nghề nghiệp, chương trình thực tập tại các đơn vị quốc tế và định hướng nghề nghiệp với chuyên gia các doanh nghiệp, giúp sinh viên cập nhật những xu hướng mới của thị trường lao động toàn cầu, từ đó xây dựng năng lực nghề nghiệp gắn với yêu cầu sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng mềm trong môi trường làm việc quốc tế hóa.
Thứ sáu, sinh viên được khuyến khích tiếp cận các khóa học mở bằng tiếng Anh trên các nền tảng quốc tế, đặc biệt là những học phần chuyên ngành có tính liên ngành như English for STEM, English for Career Development… Đây là cách giúp người học tự nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ và năng lực tự học trong môi trường học tập toàn cầu.

Trong khi đó, để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh nhấn mạnh, cần xây dựng môi trường học tập tiếng Anh tự nhiên, từ thông báo đến giao tiếp học thuật.
Cụ thể, các trường đại học cần khuyến khích giảng viên, sinh viên ứng dụng công nghệ vào học tập và giảng dạy tiếng Anh thông qua các nền tảng học trực tuyến tích hợp trí tuệ nhân tạo. Qua đó, cá thể hóa việc học tập và giảng dạy của mình.
Mặt khác, xây dựng phương án đào tạo nâng cao tiếng Anh cho đội ngũ giảng viên, học hỏi kinh nghiệm từ các nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai thành công và đưa giảng viên ra nước ngoài để tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại.
Về kiểm tra, đánh giá môn tiếng Anh, nên chuyển sang các bài kiểm tra thực tế, chẳng hạn như các dự án hoặc thuyết trình bằng tiếng Anh. Thêm vào đó, tổ chức khen thưởng kịp thời cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, giảng dạy ngôn ngữ này. Những bước đi này sẽ giúp sinh viên tự tin học tập, làm việc và cạnh tranh trên trường quốc tế.