Ngày 24/7, tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Phát triển mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” đã bảo vệ đề tài trước Hội đồng thẩm định dưới sự chủ trì của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh.
Về phía cơ quan chủ trì đề tài có Tiến sĩ Trịnh Minh Thái - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Cùng sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện các tổ chức liên quan. Sau thời gian làm việc và thảo luận, Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu, các sản phẩm ứng dụng và thống nhất đề tài xếp loại xuất sắc.

Mục tiêu nhiệm vụ khoa học công nghệ này là nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Phân tích thực trạng các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao, các yếu tố, điều kiện, khả năng phát triển các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp; Đề xuất những định hướng giải pháp phát triển các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế.
Về những đóng góp mới của nhiệm vụ, cụ thể như sau:
Một là, nghiên cứu tìm ra những căn cứ, cơ sở khoa học, các yếu tố ảnh hưởng tác động đến phát triển mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Hai là, nghiên cứu đánh giá thực tiễn kinh nghiệm của một số nước trong việc phát triển mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để ra những bài học kinh nghiệm, tìm ra những yếu tố phù hợp có thể vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Ba là, nghiên cứu đánh giá được nhu cầu, những khó khăn của thanh niên cần được tháo gỡ khi ứng dụng công nghệ và phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Bốn là, nghiên cứu đánh giá được thực trạng hoạt động của các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, các yếu tố điều kiện, khả năng phát triển các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp.
Năm là, nghiên cứu phân tích hệ thống chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và những chính sách thúc đẩy thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nhận diện những bất cập, hạn chế và có những đề xuất điều chỉnh, bổ sung hệ thống chính sách của nhà nước.
Sáu là, nghiên cứu đánh giá được thực trạng nhận thức của cán bộ Đoàn và các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để đề xuất những giải pháp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Bảy là, đề xuất những giải pháp phát triển các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho thanh niên, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tám là, xây dựng 01 Đề án của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về phát triển mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Nội dung Đề án xác định rõ vai trò, trách nhiệm, công việc của tổ chức Đoàn các cấp hàng năm về hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Chín là, hỗ trợ phát triển được 01 mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp: Mô hình Công ty Đông trùng Hạ Thảo QPGold, tỉnh Hòa Bình (cũ).

Về hiệu quả kinh tế của nhiệm vụ khoa học và công nghệ này, hoàn thiện sự quản lý của nhà nước trong hỗ trợ và khuyến khích thanh niên tự tạo việc làm và phát triển kinh tế thông qua việc xây dựng các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế.
Đồng thời, tham khảo xây dựng, ban hành các chính sách, các điều kiện pháp lý mới hoặc hoàn thiện các chính sách hiện hành để tạo ra chuyển biến nhận thức của xã hội, qua đó thúc đẩy các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế.
Tạo việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên khi tham gia xây dựng và phát triển các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Về hiệu quả xã hội, kết quả nghiên cứu quan trọng nhất của đề tài là lý luận về các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, các yếu tố tác động, các điều kiện và khả năng phát triển các mô hình này trong thanh niên cũng như hệ thống các giải các giải pháp và khuyến nghị về chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Các giải pháp và khuyến nghị mang tính độc lập, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam sẽ là những đóng góp mới cho các cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp tham mưu với Chính phủ về chủ trương phát triển các mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển một nền nông nghiệp bền vững của toàn thế giới.