Cứ bổ nhiệm cán bộ trẻ là có hoài nghi: Tài năng, nhiệt huyết là câu trả lời

09/10/2023 06:30
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, tài năng, nhiệt huyết của người trẻ qua thời gian sẽ là câu trả lời thuyết phục để “đập tan” những hoài nghi trong công tác cán bộ.

Mới đây, theo haiquan.com.vn đưa tin, ông Trần Lê Thăng, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Quản lý rủi ro được điều động giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Hải quan) kể từ ngày 01/10/2023. [1]

Theo tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Lê Thăng, sinh năm 1989, quê quán Nghệ An, có trình độ thạc sĩ, cao cấp lý luận chính trị. Ông Trần Lê Thăng từng công tác ở Sở Tư pháp Nghệ An, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Từ tháng 11/2015 đến 7/2017, ông Trần Lê Thăng là thư kí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sau đó ông Thăng về làm việc tại Tổng cục Hải quan cho đến nay.

Phó Vụ trưởng ở tuổi 34 cũng khiến những người quan tâm đến công tác cán bộ bàn luận.

Trước đó, vào tháng 12/2022, chân dung Ủy viên trẻ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa XII 24 tuổi - Dương Thái Anh cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm. [2]

Nếu không quan tâm đến lực lượng trẻ, sẽ không có lực lượng kế cận

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhìn nhận: “Nhắc đến người trẻ, chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều thế mạnh như nhiệt huyết, đam mê và thời gian có thể cống hiến sau này... Một trong những ưu điểm lớn nhất của tuổi trẻ có lẽ chính là "tuổi không ngại khó, ngại khổ, luôn luôn sẵn sàng chấp nhận thử thách". Ngoài ra, tuổi trẻ trong bối cảnh hiện nay còn có một thế mạnh nữa, đó là được thừa hưởng những thành quả tiên tiến nhất của khoa học kỹ thuật, công nghệ và giáo dục.

Chính bởi những lẽ đó, người trẻ luôn là lớp người tiên phong và cũng là lực lượng sung sức nhất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Đương nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, tuổi trẻ có phần hạn chế hơn so với lớp người đi trước về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc. Mà những kinh nghiệm đó không ai có được ngay từ “điểm xuất phát”, mà phải thông qua tích lũy trong cuộc sống cũng như lắng nghe, học hỏi từ những người đi trước truyền đạt lại...

Nói như vậy để thấy rằng, trong công tác cán bộ, chúng ta cũng nên mở ra những cơ hội cho người trẻ. Bởi, nếu không quan tâm đến lực lượng trẻ, chúng ta sẽ không có lực lượng kế cận. Mặt khác, người trẻ cũng cần phải được thử thách, phải được tôi luyện và bồi dưỡng, cũng như phải được trọng dụng, thì mới có thể trưởng thành”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng dẫn chứng thêm, trong lịch sử hào hùng của Việt Nam, đặc biệt trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, tuổi trẻ cũng là lực lượng tiên phong, nòng cốt, có những học sinh, sinh viên còn chưa rời ghế nhà trường, đã hăng hái viết đơn lên đường nhập ngũ, cũng chính họ đã góp sức trẻ để cùng viết lên những trang sử hào hùng.

“Chính vì vậy, bên cạnh những thế hệ lão luyện đi trước, không thể phủ nhận vai trò của người trẻ trong quá trình xây dựng Tổ quốc. Chúng ta cần nhìn nhận những người trẻ như hiện tại và tương lai của đất nước” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề cập: “Tại sao trong công tác cán bộ hiện nay, khi cứ nhắc đến người trẻ được bổ nhiệm, dường như dư luận lại có phần hoài nghi?

Công tâm mà nói, là bởi trong công tác cán bộ vẫn còn có đôi lúc, đôi nơi làm chưa chuẩn, có những trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm còn căn cứ và những yếu tố nằm ngoài tiêu chuẩn trong quy định”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đặt vấn đề: “Muốn đánh giá “chân nhân hiền tài”, phải có bằng chứng. Trước đây, cũng đã từng có những trường hợp vì bằng chứng mập mờ nên dẫn đến dư luận không tin tưởng và hoài nghi là “con ông cháu cha”.

Ngày nay, “chân nhân hiền tài” phải được hiển lộ qua một là thi cử, hai là thuyết phục thật sự công khai, minh bạch, với kỷ luật thật nghiêm khắc. Hoặc thứ ba là con đường thực chứng qua công tác lãnh đạo, điều hành để minh chứng đó là người tài.

Nguyên nhân của sự ngờ vực mà công chúng nhắm vào những cán bộ trẻ tuổi, một phần do trước đó đã có những “vết hằn” - đưa họ hàng vào “làm quan” như tình trạng tại một số địa phương; một phần do có những người tâm không sáng đã cố ý “mượn tay tập thể” để “bẻ cong” quy trình; một phần khác do những người được bổ nhiệm “giữ ghế” nhưng không thể hiện được sự xuất sắc trong công việc, không chứng minh được bản thân.

Vì lẽ đó, dư luận thường có tâm lý nghi ngờ. Nếu khắc phục được những hoài nghi đó, thì cho dù cán bộ trẻ đó có là “con ông cháu cha”, nhưng vì có thực tài, thực đức mà được trọng dụng, thì dư luận cũng sẽ ủng hộ, tán thưởng”.

Chính người trẻ phải khẳng định bản thân tốt nhất trước dư luận

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đặt câu hỏi, làm thế nào để lấy lại được niềm tin của nhân dân trong vấn đề này?

“Tôi cho rằng, không thể vì những hoài nghi mà chúng ta không đặt niềm tin vào tuổi trẻ, có rất nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu của Việt Nam đã và đang từng bước chứng minh điều đó.

Và điều quan trọng nhất chính là trong công tác cán bộ, chúng ta cần phải làm thật tốt, phải thật sự công tâm, minh bạch. Toàn bộ hệ thống quy định đã rất chặt chẽ, nên cốt lõi nhất là quá trình nhìn nhận, xem xét, bổ nhiệm được tổ chức thực hiện như thế nào cho thật nghiêm túc, đúng đối tượng và phải coi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Bởi, trong công tác cán bộ, nếu chúng ta làm không chuẩn, thì tất cả mọi việc phía sau sẽ trở thành “sai một ly, đi một dặm”.

Đồng thời, trong cả quá trình, cũng phải quan tâm, sâu sát, để một khi phát hiện vi phạm là phải xử lý thật nghiêm minh. Như vậy sẽ góp phần làm trong sạch, vững mạnh bộ máy.

Còn nếu chỉ vì những hoài nghi mà chúng ta “chặn” mất cơ hội cống hiến của người trẻ, sẽ không tạo được động lực cho người trẻ phấn đấu. Những người có thực tài sẽ nghĩ rằng “sống lâu lên lão làng”, rằng mình có phấn đấu bao nhiêu cũng không có đủ điều kiện được cất nhắc, lâu dần sẽ thui chột ý định phấn đấu. Cứ như vậy, có thể chúng ta sẽ có nguy cơ “đánh mất” một lực lượng cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyết, thực tâm, thực tài” - nữ đại biểu phân tích.

Bàn về việc làm thế nào để “đánh tan” dư luận không hay về những trường hợp cán bộ trẻ được trọng dụng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: “Chúng ta không thể chạy theo dư luận và cũng không có cách nào dập tắt dư luận tốt hơn ngoài việc dùng chính nỗ lực của những người trẻ được bổ nhiệm để chứng minh. Ví dụ, khi chúng ta đào tạo, bổ nhiệm những con người thực sự tài năng thì chính bản thân những cán bộ đó phải chứng minh với dư luận rằng mình hoàn toàn xứng đáng.

Tôi thấy dư luận cũng rất công tâm, sự đánh giá của nhân dân cũng rất công bằng. Nếu những người trẻ tuổi thực sự có năng lực, có tài năng và nhiệt huyết, thì sẽ được ghi nhận. Người trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phát huy tốt năng lực, phẩm chất của mình tại vị trí được tín nhiệm, đó chính là lời khẳng định tốt nhất trước dư luận. Đó là câu trả lời thuyết phục nhất!”.

Nếu tiến cử “ngụy hiền tài”, phải trừng trị đích đáng

Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, việc cán bộ trẻ nếu thi tuyển công khai minh bạch hoặc vào được vị trí bằng chính thực tài, là chuyện rất đáng hoan nghênh. “Tôi tin rằng, sau một thời gian kiểm nghiệm, dư luận sẽ phải bái phục con mắt tinh tường của những vị đã chọn ra người “tuổi trẻ tài cao” xứng đáng với vị trí đó. Ngược lại, nếu người được trao cơ hội lại là kẻ vô đức, vô năng, thì phải trừng trị đích đáng những kẻ đã đưa “ngụy hiền tài” vào bộ máy” - vị đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Thùy Linh.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Thùy Linh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh thêm: “Tội ấy khi xưa chính là tiến cử người không đủ tài đức cho vua, chính là phạm phải trọng tội khi quân phạm thượng, có thể mất mạng. Ngày nay, “vua” chính là nhân dân. Nhưng dường như chúng ta đang ngày càng xem nhẹ vấn đề, có chuyện đưa người bất tài, vô hạnh vào nắm giữ trọng trách trong bộ máy, nhưng những người liên quan đến công tác tiến cử, bổ nhiệm gần như không bị truy cứu, cùng lắm chỉ bị khiển trách.

Theo tôi, đây là một tội rất nặng, còn nghiêm trọng hơn cả phá hoại kinh tế, không thể xem nhẹ hình thức xử lý. Đưa cán bộ không có tài đức vào nắm trọng trách, chính là đưa vật liệu dởm vào bộ máy, đâu khác gì phá hoại, dẫn đến nguy cơ làm cho ngôi nhà chế độ nhanh chóng sụp đổ”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://haiquanonline.com.vn/bo-nhiem-pho-vu-truong-vu-to-chuc-can-bo-tran-le-thang-178688.html

[2]https://danviet.vn/chan-dung-uy-vien-24-tuoi-tre-nhat-ban-chap-hanh-tu-doan-khoa-xii-20221216073351472.htm

Thành An