Nhiều vấn đề nóng về giáo dục, chống tham nhũng, công tác cán bộ... đã được cử tri Đà Nẵng bày tỏ tại buổi tiếp xúc cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 3/12.
Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã báo cáo với cử tri những kết quả của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra tại Hà Nội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri Đà Nẵng cũng nêu ra những băn khoăn, lo lắng trước nhiều vấn đề bất cập trong giáo dục, đầu tư công, công tác cán bộ, cuộc chiến chống tham nhũng của các cấp…
Chính quyền phải lắng nghe khi chọn sách
Cử tri Nguyễn Trí Tổng (cử tri tổ 32, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) trình bày, ngày 22/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quyết định phê duyệt sách giáo khoa lớp 1 mới để áp dụng từ năm học 2020-2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng lo lắng dễ nay sinh tình trạng lợi ích nhóm trong lựa chọn sách giáo khoa mới. Ảnh: TT |
Theo đó, có 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt.
Nhưng Bộ không đứng ra chịu trách nhiệm chính, lại giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quyền lựa chọn sách giáo khoa.
“Xin hỏi, sách giáo khoa mới có 32 danh mục của 8 môn học lớp 1 của ba nhà xuất bản khác nhau (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh).
Nếu Ủy ban nhân dân của 63 tỉnh, thành có 63 cách lựa chọn khác nhau cho phù hợp với từng vùng miền (trung du, miền núi, đô thị) thì sẽ lộn xộn ra sao?
Từ việc góp ý chương trình VNEN băn khoăn cho việc chọn sách giáo khoa sắp tới |
Có những bộ sách giáo khoa mới được phê duyệt nhưng không được các tỉnh, thành chọn sử dụng thì sẽ như thế nào?
Nhà xuất bản này được chọn, nhà xuất bản kia không được chọn, liệu có tránh được lợi ích nhóm hay không?”.
Trước những bức xúc của cử tri, ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) cho biết, nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục đã được đề cập trong Luật giáo dục.
Chuyện thay đổi sách giáo khoa cũng được bàn bạc, sửa đổi nhiều lần. Ở đây cũng có nhiều vấn đề kéo theo. Việc lựa chọn sách giáo khoa mới nó còn phụ thuộc vào yếu tố đặc thù của từng địa phương để có lựa chọn phù hợp.
Theo quy định thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sẽ quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa.
Do đó, trước khi lựa chọn, chính quyền địa phương phải lắng nghe và tôn trọng sự góp ý, lựa chọn của giáo viên, học sinh và phụ huynh.
“Lò” chống tham nhũng vẫn nóng
Nhiều cử tri cũng đã đề cập đến vấn đề chống tham nhũng trong thời gian vừa qua. Trong đó, vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu vẫn chưa nghiêm, nhiều vụ án tham nhũng chưa được xử lý triệt để.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, lò chống tham nhũng vẫn nóng. Ảnh: TT |
Liên quan đến những sai phạm đất đai tại Đà Nẵng, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho biết, cơ quan công an đã tống đạt các quyết định qua Viện kiểm sát để xác định, làm rõ và chờ ngày đưa ra tòa xét xử.
Đó là bài học xương máu và thành phố đang tập trung sửa chữa những cái sai.
Về việc phòng chống tham nhũng thì ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Vừa rồi cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo bổ sung 2 vụ án nữa.
Liệu có lợi ích nhóm khi giao việc chọn sách giáo khoa cho Ủy ban nhân dân tỉnh? |
Đó là vụ án Nhật Cường hay dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra.
Hiện "lò" vẫn tiếp tục nóng, nhưng phải làm từng bước, những thói hư tật xấu phải được giảm dần bằng pháp luật, những vi phạm phải được xử lý”.