Nội dung này được bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Chủ tịch HĐND TP Hà Nội chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội diễn ra từ ngày 6 – 8/7.
Bà Ngọc cho hay, qua tiếp xúc cử tri, HĐND TP Hà Nội nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh vấn đề thu phí bảo trì đường bộ, phát sinh nhiều bất cập, trong đó có vấn đề đảm bảo công bằng giữa mọi người dân.
“Hà Nội là đơn vị rất nghiêm túc, đã đi đầu trong việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Qua hai năm thực hiện cho thấy chủ trương này gặp rất nhiều khó khăn như phương thức thu hiện giao cho thôn, tổ dân phố cũng có nhiều bất cập. Việc không có người kiểm tra việc thu phí xe máy nên người nộp hay không nộp cũng như nhau”, bà Ngọc nói.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ thu phí đường bộ với xe máy. ảnh: Lê Hiếu. |
Theo bà Ngọc, HĐND TP Hà Nội đã phản ánh với Quốc hội ý kiến của cử tri về việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy.
“Thẩm quyền cho thu như thế nào là của Chính phủ, còn mức thu do HĐND Thành phố quyết định. Quan điểm của tôi là nếu Chính phủ bỏ cái này thì HĐND và cử tri Hà Nội rất ủng hộ. Tôi nghĩ rằng cần có cách làm hợp lý, chứ làm như hiện nay thì rất khó khăn”, bà Ngọc nêu quan điểm.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa vấn đề thu phí xe máy ra nghị trường và đề nghị bỏ quy định này.
“Việc thu phí sử dụng đường bộ trên đầu xe mô tô cần phải bãi bỏ, vì khoản phí này không được người dân đồng tình, lại còn hội tụ cả những yếu tố như không hợp lý, thiếu tính công bằng, khó công khai minh bạch, khó hiểu và khó thực hiện trong thực tiễn”, bà Tâm nói.
Bộ trưởng Thăng: Luật quy định thu phí, nhưng địa phương có thể thu 0 đồng |
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT – ông Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến của địa phương về khoản thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Đến thời điểm hiện tại đã có 27 địa phương trả lời, trong đó 24 tỉnh, thành phố hoan nghênh tiếp tục thu.
Hai địa phương là Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai đề nghị bỏ thu. Đà Nẵng ủng hộ thu, nhưng cũng cho biết, nếu địa phương khác không đồng ý thu thì thành phố cũng không đồng ý.
Cần phải nhắc lại rằng, những bất cập thực tế về việc chuyển nhiệm vụ thu phí về cho cấp phường, xã đã được dự báo ngay từ khi Thông tư 197 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được ban hành, đó là: Khả năng thất thu, hụt thu lớn do khó quản lý được lượng phương tiện thực tế tại địa phương; khó tránh những trường hợp người dân trốn nộp hoặc không nộp…
Bên cạnh đó, bản thân những người có trách nhiệm thu phí cũng chưa làm hết trách nhiệm hoặc không đủ năng lực triển khai hoạt động thu phí.
Với hàng loạt khó khăn ấy, năm 2013, Hà Nội chỉ thu được 55 tỉ đồng phí sử dụng đường bộ đối với xe máy (tức là đạt 14% kế hoạch), trong khi thu đủ thì con số dự kiến đạt được là 378 tỉ đồng.
Liên quan tới vấn đề này, trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Thủy – một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông đô thị nhận định: "Việc thu phí đường bộ với xe máy không đạt được yêu cầu đề ra, lúng túng trong triển khai, thấy rõ hiện tượng không công bằng. Như vậy, người đã nộp tiền sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao họ lại phải tiếp tục nộp nữa khi mà đa phần những người khác không chấp hành?
Thực tế thì trọng lượng của xe máy nhẹ không có tác động gì nhiều tới mặt đường khi tham gia giao thông, vì thế nếu cứ áp đặt cách làm như hiện nay là máy móc. Theo tôi, nên bỏ hẳn loại phí này đi hoặc nếu có thu thì nên áp dụng cách khác, thí dụ có thể thu qua giá xăng dầu".