Xung quanh vụ lùm xùm về tiền tác quyền giữa Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam và Ban tổ chức (BTC) liveshow Khánh Ly thời gian qua tại Hà Nội (2/8) và Đà Nẵng (8/8), bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đã có những trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương và BTC liveshow Khánh Ly trao đổi về việc nộp tiền tác quyền tại Đà Nẵng |
- Thời gian qua dư luận xôn xao về chuyện tác quyền giữa Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Ban tổ chức liveshow Khánh Ly. Hình ảnh nhạc sĩ Phó Đức Phương phải 'xông' đến tận nơi diễn ra chương trình để đòi quyền lợi cho tác giả ở Hà Nội và Đà Nẵng gây xôn xao dư luận. Việc này là đúng hay sai luật thưa bà?
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền tác giả có các quyền độc quyền đối với tác phẩm của mình, trong đó có quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng. Các cá nhân, tổ chức khi khai thác, sử dụng quyền độc quyền này phải xin phép và thanh toán tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác (sau đây gọi là tiền bản quyền) cho chủ sở hữu quyền. Các chủ sở hữu quyền có thể tự mình thực hiện việc cho phép người khác khai thác quyền độc quyền hoặc ủy thác quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện.
Trong trường hợp này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả được thành lập theo pháp luật, nếu được chủ sở hữu quyền ủy thác quyền một cách hợp pháp thì việc họ thay mặt chủ sở hữu quyền thực hiện quản lý quyền tác giả, tiến hành đàm phán cấp phép, thu tiền bản quyền từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền là phù hợp với các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và nghị định hướng dẫn.
Các cá nhân, tổ chức khi khai thác, sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền bản quyền, trừ các trường hợp giới hạn, ngoại lệ theo quy định của pháp luật, là hành vi vi phạm pháp luật quyền tác giả.
- Nhưng tại sao không có cơ quan chức năng nào hỗ trợ Trung tâm bản quyền trong 'trận chiến' bảo vệ quyền tác giả tại liveshow Khánh Ly vừa qua. Cụ thể là Cục bản quyền cũng không can thiệp lên Sở văn hóa Hà Nội hay Cục Biểu diễn Nghệ thuật để có thể ngừng liveshow vi phạm, thưa bà?
Ngày 09/7/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 2514/BVHTTDL-NTBD gửi tới các cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố và các tổ chức, cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật yêu cầu:
'Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trên toàn quốc tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật sở hữu trí tuệ...; Hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn, tổ chức biểu diễn; Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn và tổ chức biểu diễn. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn và tổ chức biểu diễn'.
Khi phát hiện hành vi vi phạm, các chủ thể quyền có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm; hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài.
Chủ sở hữu quyền hoặc cá nhân, tổ chức được chủ sở hữu quyền ủy thác quyền một cách hợp pháp có thể gửi đơn đến thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan hoặc khởi kiện ra tòa dân sự.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xử lý vụ việc theo thẩm quyền.
Khánh Ly vẫn biểu diễn say sưa dù đằng sau cánh gà vấn đề bản quyền giữa Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam và BTC vẫn diễn ra khá gay gắt. |
- Về phía Ban tổ chức liveshow Khánh Ly cũng tố cáo Trung tâm bản quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương làm việc không có qui tắc, quy chế nhất định vì có những liveshow họ chỉ thu vài trăm nghìn cho một ca khúc nhưng có liveshow thì thu đến hơn chục triệu. Thậm chí chuyện bản quyền còn có thể trao đổi hạ giá như 'mớ rau' ngoài chợ. Bà có thể cho ý kiến về thắc mắc này được không?
Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định và quyền độc quyền dành cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trong đó có quyền biểu diễn tác phẩm. Các cá nhân, tổ chức khi khai thác, sử dụng quyền phải xin phép và thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhuận bút thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Quyền tác giả là các quyền dân sự, tuân theo nguyên tắc thỏa thuận đã được quy định rõ trong Bộ Luật Dân sự. Vì vậy, các bên khi khai thác sử dụng tài sản trí tuệ của người khác phải thực hiện nghĩa vụ xin phép và thỏa thuận trả tiền bản quyền.
Việc thu, phân phối tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Biểu giá của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải được xây dựng và được đa số các người ủy thác quyền đồng ý và đưa vào quy chế, trên cơ sở đó để đàm phán thỏa thuận với các bên liên quan cấp phép khai thác sử dụng.
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia thì họ cũng có những cách tính tương tự của Việt Nam là dựa trên tần suất sử dụng, trên doanh thu buổi diễn… Hiện nay các bên đang áp dụng Nghị định 61 để tính toán mức nhuận bút, một trong những cách tính là theo phần trăm doanh thu cuộc biểu diễn.
- Không chỉ BTC liveshow Khánh Ly lên tiếng mà nhiều nhạc sĩ như Phú Quang, Hồ Hoài Anh...cũng cho rằng hoạt động bảo vệ quyền tác giả của Trung tâm âm nhạc là chưa rõ ràng và chưa thật sự vì quyền lợi của các nhạc sĩ...Theo bà, Cục bản quyền có nên đề nghị Trung tâm bản quyền thay đổi và bổ sung thêm một số qui định, qui chế về việc thu tác quyền để cho rõ ràng hơn và tránh những lùm xùm như sự việc trên?
Kinh nghiệm của các quốc gia khẳng định rằng, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có vị trí quan trọng trong hệ thống thực thi và có vai trò đặc biệt trong hoạt động tự bảo vệ quyền lợi của các chủ thể quyền.
Đây là các tổ chức phi chính phủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Thông qua hợp đồng ủy thác của những người có quyền, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện hoạt động cấp giấy phép sử dụng, khai thác tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng, thu tiền sử dụng và phân phối cho những người có quyền lợi theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức. Với hoạt động đó, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là cầu nối giữa các nhà sáng tạo là hội viên với các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm; tạo thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác có hiệu quả các quyền của hội viên.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và nghị định hướng dẫn, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo uỷ quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được uỷ quyền; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp. Việc thu, phân phối tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất được phát sinh từ việc khai thác quyền, nhóm quyền quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và hợp đồng ủy quyền.
Việc thu, phân phối tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được giữ lại một khoản tiền phù hợp trên tổng số tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được để chi phí cho việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức trên cơ sở thỏa thuận với người ủy quyền. Mức tiền giữ lại được điều chỉnh phù hợp với hiệu quả của hoạt động đại diện tập thể trên cơ sở thỏa thuận với người ủy quyền và có thể được xác định bằng tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền thu được.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đang triển khai Đề án đã được chính phủ phê duyệt về tăng cường năng lực quản lý và thực thi của các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Sau khi có đánh giá đầy đủ về hoạt động này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan sẽ có những đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển.
- Quay trở về với sự vụ lùm xùm liveshow Khánh Ly, hiện Ban tổ chức nhất quyết sẽ không nộp tiền tác quyền vì giá quá cao và chưa có giấy ủy quyền đủ của 5 người thừa kế nhạc Trịnh Công Sơn. Cục bản quyền có định can thiệp và xử lý sự vụ này không và sẽ xử lý như thế nào?
Theo quy định của pháp luật, quyền tác giả, quyền liên quan là các quyền dân sự, các chủ sở hữu quyền có thể tự mình thực hiện các quyền độc quyền mà pháp luật quy định hoặc ủy thác quyền cho các cá nhân, tổ chức khác, các tổ chức đại diện tập thể thực hiện các quyền của mình. Trong trường hợp có ủy thác quyền hợp pháp thì các tổ chức đại diện tập thể sẽ thay mặt các chủ sở hữu quyền để tiến hành đàm phán, cấp phép, thu tiền đối với việc khai thác sử dụng các quyền đó.
Theo tài liệu mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam cung cấp, từ tháng 4 năm 2002, 5 người đồng thừa kế của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ủy quyền cho ông Trịnh Xuân Tịnh và bà Trịnh Vĩnh Trinh làm đại diện cho mình thay mặt liên hệ với các cá nhân và các cơ quan hữu quan truy nhận quyền thừa kế phát sinh từ quyền tác giả của cố Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nếu thông tin này là chính xác, thì việc ông Trịnh Xuân Tịnh và Bà Trịnh Vĩnh Trinh ký hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc đối với các tác phẩm âm nhạc của cố Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thuộc sở hữu quyền của họ cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là hợp pháp.