Cục Nhà giáo giải đáp, chứng chỉ chức danh hạng cao có thay cho hạng thấp không?

22/02/2021 06:29
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luật Viên chức năm 2010 quy định “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó” (điểm b khoản 1 Điều 31).

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04 năm 2021 về quy định, mã số tiêu chuẩn chức danh giáo viên theo hạng từ cấp mầm non đến trung học phổ thông. Qua tìm hiểu, nhiều giáo viên thấy thông tư rất chi tiết và rõ ràng, mang lại niềm vui, hứng khởi cho nhiều giáo viên.

Tuy nhiên, có một điểm mà rất nhiều giáo viên gửi thắc mắc đến tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng cao hơn có thể thay thế cho chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng thấp hơn không?

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ví dụ: Một giáo viên trung học cơ sở hạng II (Mã số V07.04.11), đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II mới, mã số V07.04.30, chỉ trừ một điểm là giáo viên đó đang có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (chứ không phải chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II theo tiêu chuẩn quy định ở khoản 3, điều 4 thông tư 03/2021).

Vậy, giáo viên đó có được bổ nhiệm vào giáo viên trung học cơ sở hạng II, Mã số V.07.04.30 được không hay phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II như trong Thông tư?

Giải đáp băn khoăn này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay:

Luật Viên chức năm 2010 quy định “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó” (điểm b khoản 1 Điều 31).

Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II là một trong những tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.

Cũng như công chức muốn nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp đều phải qua các lớp bồi dưỡng và phải có chứng chỉ thì mới đủ điều kiện dự thi hoặc xét nâng ngạch.

Trước đó, viên chức đã bổ nhiệm vào ngạch giáo viên trung học cơ sở, trung học cơ sở chính, trung học cao cấp (theo quy định tại Quyết định số 202/TCCP-VC và Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III, II, II tương ứng (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).

Khi chuyển từ ngạch giáo viên sang chức danh nghề nghiệp giáo viên, giáo viên phải bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được bổ nhiệm, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. Tính đến thời điểm hiện tại, giáo viên đã có hơn 5 năm để hoàn thiện các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm (nếu còn thiếu).

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và có hiệu lực từ ngày 20/3/2021. Để được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT, giáo viên phải đạt các tiêu chuẩn của hạng bao gồm cả tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của hạng tương ứng.

Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên giúp cung cấp, cập nhật kiến thức và các kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo từng hạng.

Do đó, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I không có giá trị thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.

Đề nghị thầy/cô liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn theo thẩm quyền đối với từng trường hợp cụ thể.

Thùy Linh