Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở một số địa phương, nhiều giáo viên và học sinh phải vào khu vực cách ly tập trung, nhiều trường học đã phải triển khai dạy online theo kế hoạch của nhà trường.
Tâm trạng buồn và lo lắng đang hiện hữu trên nhiều khuôn mặt nhà giáo vì ai cũng sợ qua Tết mà phải dạy trực tuyến như năm học trước là điều buồn chán nhất bởi hiệu quả của nó không đạt được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, cũng trong lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập khiến cho hàng triệu nhà giáo vui mừng khôn xiết.
Vậy là những nỗ lực của lãnh đạo Bộ mà đứng đầu là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải tỏa cho hàng triệu giáo viên những áp lực vô hình về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tồn tại hàng chục năm qua được gỡ bỏ.
Gánh nặng bằng cấp, chứng chỉ đã oằn vai đội ngũ nhà giáo
Thực ra, chuyện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không phải là vấn đề mới mà nó đã tồn tại từ mười mấy năm trước đây.
Chứng chỉ ngoại ngữ đã được chú trọng trong khâu tuyển dụng từ hơn chục năm trước và thực tế các trường đại học, cao đẳng sư phạm đã đào tạo bắt buộc cho sinh từ những năm 2000 cho tất cả sinh viên các ngành sư phạm.
Đối với giáo viên từ mầm non trở lên nếu đã tốt nghiệp hệ đại học chính quy trong khoảng 15 năm trở lại đây thì gần như ai cũng đã có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định vì khi tuyển dụng các Sở Giáo dục và Đào tạo đều yêu cầu phải nộp mới được xét (thi) tuyển.
Ảnh chụp màn hình, ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Tuy nhiên, giáo viên thực sự khó khăn kể từ khi Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng với yêu cầu về ngoại ngữ là yêu cầu về tin học theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
Các văn bản quy định về khung ngoại ngữ, chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin là các văn bản về hướng dẫn về xét (thi) thăng hạng giáo viên, xét chuẩn nghề nghiệp giáo viên…khiến cho giáo viên sa vào vòng xoáy của chứng chỉ.
Các trường đại học, các trung tâm được Bộ cho phép đào tạo ngoại ngữ, tin học trong những năm qua đã liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên, thậm chí là về tại các trường phổ thông để giảng dạy, bồi dưỡng, ôn thi cho giáo viên thi chứng chỉ.
Bên cạnh đó là các Sở, Phòng Giáo dục cũng liên tiếp gửi mail về trường chiêu sinh. Ban giám hiệu nhà trường thì thường xuyên lên tiếng cảnh báo là nếu không có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định mà sau này có tinh giản biên chế thì những thầy cô chưa có sẽ là người bị tinh giản đầu tiên.
Trên thì văn bản của Bộ, Sở, Phòng Giáo dục, dưới thì Ban giám hiệu nhà trường thúc giục nên nhiều giáo viên cũng đành phải tặc lưỡi đi học cho nó qua bởi nhiều người quan niệm trước sau gì thì cũng phải học, học trước cho yên thân.
Nhưng, đi học đâu phải là chỉ mất thời gian mà nó tốn kém vô cùng, chỉ riêng chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cũng phải đầu tư trên dưới 5 triệu đồng, có nơi lên đến 7-8 triệu đồng đóng tiền học, lệ phí thi chứng chỉ.
Lương giáo viên thì ba cọc, ba đồng, nhất là giáo viên vùng quê, giáo viên môn phụ càng khó khăn hơn nên học được chứng chỉ ngoại ngữ xem như mất đi ít nhất 1 tháng lương của mình.
Bộ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là một việc hữu ích, thiết thực
Ngày 26/11/2020, khi tiếp xúc với cử tri tại Bình Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên khiến đội ngũ nhà giáo khấp khởi mừng thầm.
Cho dù đến thời điểm này chưa có văn bản chính thức nhưng việc Bộ ban hành các Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập đã xem như các chứng chỉ này không còn bắt buộc đối với giáo viên nữa.
Bởi, nếu đem so với dự thảo mà Bộ Giáo dục lấy ý kiến trước đây thì giáo viên các từ hạng III trở lên đều yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Thông tin bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được các phương tiện thông tin đại chúng trong mấy ngày nay khiến cho đội ngũ nhà giáo trên cả nước vui mừng.
Vì từ nay, giáo viên không còn gánh nặng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và cả chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp. Đồng thời, bỏ luôn cả quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ.
Việc Bộ Giáo dục bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học một cách hình thức như lâu nay để đưa vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm là hoàn toàn hợp lý.
Suy cho cùng, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng cho tất cả giáo viên là điều khiên cưỡng, hình thức mà gây tốn kém cho đội ngũ nhà giáo. Còn việc chứng chỉ tin học thì Bộ không yêu cầu giáo viên cũng bắt buộc phải học, phải biết sử dụng mới đáp ứng được công việc hiện nay.
Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học là điều hữu ích, cần thiết cho giáo viên. Sự việc này giúp cho giáo viên yên tâm công tác, không phải bận tâm về những chứng chỉ như lâu nay. Những thầy cô chưa học cũng đỡ phải mất đi một số tiền lớn không cần thiết.
Vì thế, cho dù việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên có phần hơi muộn nhưng dù sao đây cũng là nỗ lực của lãnh đạo ngành giáo dục trong suốt cả nhiệm kỳ này để dần hạn chế những bất cập đã diễn ra suốt nhiều năm qua.