Cuộc điện thoại ngày đầu đi học
Ngày 5/4, đường dây nóng của Giáo dục Việt Nam nhận được cuộc điện thoại đặc biệt, bên kia đầu dây, giọng người phụ nữ ngượng ngùng, run run, xúc động muốn nhờ Giáo dục Việt Nam gửi lời cảm ơn đến Ban giám hiệu, các thầy cô giáo trường Trung học cơ sở Trưng Vương.
Chị là Nguyễn Thị Lan Hương, phụ huynh của một học sinh lớp 6i của trường Trưng Vương (26 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Chị Hương ngần ngại bởi chị cũng chưa từng đưa ra một lời đề nghị kỳ lạ như vậy bao giờ nhưng đi qua những ngày khó khăn mùa Covid-19, chị cho rằng những lời cảm ơn với cô giáo chủ nhiệm, Ban đại diện phụ huynh học sinh và đặc biệt là Ban giám hiệu nhà trường của gia đình chị là không đủ.
Chị Hương muốn lan tỏa tinh thần ấy, tinh thần đùm bọc của nhà trường lúc gia đình chị khó khăn.
Gia đình chị Hương trên con phố Bà Triệu, một trong những con phố sầm uất nhất của Hà Nội, trong câu chuyện của mình, chị Hương cho rằng, sẽ chẳng ai nghĩ gia đình chị lại khó khăn như vậy.
Thế nhưng, những biến cố của cuộc sống khiến gia đình chị Hương khó khăn, ngập trong khó khăn khi bản thân chị bị tiểu đường nặng, chồng chị, một cựu chiến binh trong chiến tranh biên giới phía Bắc, anh Long bị mất sức lao động.
Miếng ăn của cả gia đình, chi phí chữa bệnh của 2 vợ chồng, đều phụ thuộc vào thu nhập từ quán cơm bình dân của chị Hương.
Những ngày cả xã hội cách ly vì dịch Covid- 19, quán cơm của chị cũng phải đóng cửa, cuộc sống gia đình vốn đã bấp bênh nay lại càng chông chênh trong mùa dịch.
Cô giáo chủ nhiệm Phương Mão, lớp 6i động viên học trò và gia đình gặp khó khăn trong mùa dịch Covid-19. Ảnh chị Hương cung cấp |
Càng lo lắng với gia đình chị Hương hơn khi các con không thể đến trường, căn nhà trật hẹp không có nổi chỗ để con học online như chúng bạn.
Lặng lại một chút, chị Hương bảo, có lẽ gia đình chị và các con may mắn hơn rất nhiều người khác trong mùa dịch Covid-19 khi nhận được sự san sẻ từ các cơ quan, ban ngành địa phương và đặc biệt là Ban giám hiệu, Ban đại diện cha mẹ học sinh và cô giáo chủ nhiệm lớp 6i nơi con chị theo học.
Trong những ngày nghỉ dịch, nắm được hoàn cảnh gia đình, cô giáo chủ nhiệm lớp 6i, cô Nguyễn Phương Mão đã đến tận nhà động viên gia đình, cùng với các cơ quan đoàn thể, nhà trường ủng hộ vật chất giúp gia đình chị vượt qua khó khăn.
Giữa trung tâm thủ đô sầm uất thường ngày là thế, những ngày giãn cách xã hội, chị Hương và gia đình tưởng chừng như đối mặt với những ngày mờ mịt khi không ra đường, không kế sinh nhai và chị và gia đình vẫn phải ăn, vẫn phải chữa bệnh.
“Chị thấy gia đình mình may mắn khi không bị bỏ lại trong những ngày khó khăn, cuộc sống của gia đình vốn có nhiều sóng gió nhưng đợt dịch vừa rồi là những ngày chị cảm thấy hoang mang nhất nhưng cũng là những ngày cảm thấy ấm lòng nhất khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người.
Đặc biệt là Ban giám hiệu, các thầy cô giáo, các bác trong ban phụ huynh của trường Trưng Vương.
Với gia đình chị, khi nhận được những tình cảm ấy, lời cảm ơn là không đủ”.
Giãn cách xã hội kéo cô trò lại gần nhau hơn
Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Phương Mão cho rằng những việc của cô với học sinh của mình lúc khó khăn là một trách nhiệm của người làm nghề giáo. Cô Mão cũng cho rằng đó cũng không có gì quá to tát cả.
Nói riêng về hoàn cảnh của gia đình chị Hương, cô Mão biết các con chị đã từng học tại trường Trưng Vương.
Chúng tôi dạy tăng tiết mùa dịch và... không đòi hỏi gì |
Khác với những học sinh khác có điều kiện được gia đình chăm chút, các con của chị Hương phải tự chăm sóc mình và đặc biệt là các em biết vươn lên.
Do vậy, cô Mão cho rằng mình phải có trách nhiệm ủng hộ động viên học sinh của mình vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Không có sự ưu ái hơn giữa các hoàn cảnh khó khăn của lớp 6i nhưng tất cả, các em đều cảm nhận được tình cảm mà cô giáo của mình gửi gắm.
Trong buổi gặp với cô giáo Dư Thị Lan Anh, Hiệu phó trường Trung học cơ sở Trưng Vương, đại diện nhà trường cũng cho biết việc làm từ thiện ở ngôi trường có hơn 100 năm tuổi giữa thủ đô là một trong những hoạt động thường xuyên.
Tuy nhiên, trong mùa dịch, lúc cả xã hội cùng chung tay đối mặt với thách thức từ Covid-19, tình cảm, nhiệt huyết của các thầy cô giáo, các vị phụ huynh trong trường đã lan tỏa tinh thần tương thân tương ái đến từng cá nhân trong nhà trường.
“Mùa dịch, dù dãn cách xã hội, con người phải xa nhau tạm thời nhưng tình cảm, sự gắn bó lại kéo gần mọi người lại với nhau hơn”, cô Lan Anh cho biết về những hoạt động tương trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch.
Trước những hoàn cảnh khó khăn, các cán bộ giáo viên, nhân viên của trường Trưng Vương đều vô cùng trăn trở bởi nhiều hoàn cảnh học sinh, khi thăm trực tiếp, các em còn quá khó khăn so với những gì giáo viên đã từng biết.
Học sinh trường Trung học cơ sở Trưng Vương trong ngày đầu trở lại trường sau kỳ nghỉ dài. Ảnh: Trường Trưng Vương |
Có em nhà có ba mẹ con chung nhau căn phòng trọ hơn chục m2, mẹ là lao động duy nhất trong nhà nuôi hai chị em, em gái bị bệnh thần kinh, tay chân co quắp, mất việc tạm thời vì dịch Covid.
Có em mẹ bị ung thư, phải trị xạ ở bệnh viện K2, bố chạy xe ôm thu nhập bấp bênh. Lại có trò bố bị tai biến nặng, một mình mẹ bươn trải kiếm tiền chăm sóc bố, nuôi hai anh em ăn học...
Tuy gia đình không có điều kiện nhưng các em đều ham học, hàng ngày, các em sang nhà hàng xóm để dùng nhờ mạng internet, tham gia đầy đủ các buổi học trực tuyến.
Những hoạt động chung tay cùng các phụ huynh chống dịch Covid-19 của nhà trường cũng đã góp phần giúp các em ý thức hơn trong học tập, trong cuộc sống.
Có những tin nhắn của học trò gửi đến các thầy cô giáo khiến chính các cô cảm thấy xúc động bởi tình cảm của học trò gửi đến, cô Lan Anh cho biết.
Trong mùa dịch, nhà trường đã kêu gọi được gần 100 triệu đồng tiền mặt và các mặt hàng nhu yếu phẩm để hỗ trợ hơn 40 gia đình các em học sinh gặp khó khăn vì Covid-19.
“Nhiều phụ huynh còn cảm thấy mình không khó khăn bằng những người khác nên cũng đã chủ động nhường lại sự hỗ trợ”, điều đó khiến nhà trường cũng vô cùng trân quý, cô Lan Anh chia sẻ.
Nhiều thầy cô giáo, sau khi đi gặp các em, thấy được hạnh phúc của các em khi có được tình cảm của các thầy cô giáo, nhiều cô thầy còn hỏi lại nhà trường rằng chúng em liệu có thể làm được nhiều hơn thế không.