Ngày 25/12, lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, vừa triệt phá đường dây mua bán người, cưỡng bức lao động khổ sai trên biển, giải cứu cho bốn nạn nhân.
Bị lừa đi lao động
Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Huy Tâm (ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, An Giang), vào khoảng giữa tháng 11, anh này từ quê lên thành phố Hồ Chí Minh kiếm việc làm.
Anh Nguyễn Văn Huy Tâm (ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, An Giang, bên trái) kể lại hành trình bị bắt đi lao động trên biển. Ảnh: TT |
Tâm được một xe ôm giới thiệu là sẽ kiếm một công việc làm ổn định, ngày làm 7-8 tiếng, lương 8-9 triệu đồng/tháng, được nghỉ 4 ngày chủ nhật trong tháng.
Tin lời, Tâm đã theo ông xe ôm này với hy vọng tìm được một công việc sau khi vừa mới "chân ướt chân ráo" lên thành phố.
Có đường dây buôn bán đàn ông sang Trung Quốc làm lao động khổ sai |
"Ông xe ôm chở em đến một địa điểm ở Sài Gòn (không có bảng hiệu) và lấy 450.000 đồng tiền phí đi xin việc. Rồi họ lấy chứng minh nhân dân của em.
Khi em hỏi lấy làm gì thì họ nói lấy để làm hồ sơ, không mất đâu mà lo. Ông dịch vụ đó ghi họ tên và địa chỉ nơi cư trú rồi ghi mấy chữ không rõ chữ gì ở phía dưới.
Rồi đưa ông xe ôm chở em từ thành phố Hồ Chí Minh xuống Bà Rịa – Vũng Tàu”, anh Tâm kể lại.
Tại đây, anh Tâm gặp một người phụ nữ (chưa rõ lai lịch) và bị họ yêu cầu ký vào giấy vay tiền nợ 3 triệu đồng của người này. Đồng thời bị tịch thu điện thoại di động và các tư trang mang theo.
“Sau đó, người phụ nữ này chở em về nhà bà ở Vũng Tàu và kêu hai thanh niên trông coi, không cho ra ngoài.
Họ khóa cửa nhiều lớp và bọc sắt thép bên ngoài. Giam em 3-4 ngày rồi cho em làm giấy thiếu nợ 3 triệu đồng, rồi đưa lên ghe cho đi đánh bắt thủy sản”, anh Tâm nhớ lại.
Tâm cùng ba người khác được đưa lên tàu cá BV – 5969TS do ông Trần Thế Tây (quê Hòn Đất, An Giang) làm chủ tàu đi đánh bắt dài ngày trên biển.
Mặc dù được chủ hứa sẽ trả 15 triệu đồng/tháng nhưng suốt hơn một tháng đánh bắt trên biển, nhóm của anh Tâm không nhận được một đồng nào.
Nhóm của Tâm phải làm việc cật lực, không có thời gian nghỉ ngơi. Có ngày làm lưới chỉ nghỉ được 3-4 giờ.
“Kể cả khi ăn cơm, tụi em còn bị chửi mắng. Nếu làm sai, thuyền trưởng còn nhảy vào đánh”.
Mọi liên lạc của nhóm Tâm với người ngoài đều bị cắt đứt và kiểm soát chặt chẽ.
Thấy Tâm “mất tích” nhiều ngày, người nhà của anh ở quê đã đến cơ quan công an trình báo.
Cuộc đào thoát
Vào giữa tháng 12, khi tàu BV – 5969TS cập cảng tại trạm kiểm soát biên phòng công trình 15 (Đà Nẵng) để mua bán hải sản và tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm thì nhóm của anh Tâm tìm cách bỏ trốn.
Tâm cùng với ba người khác gồm: Sơn Thương (quê Hòa Bình, Bạc Liêu), Lê Hữu Thành (quê Châu Thành, An Giang) và Phạm Văn Cảnh (quê Phú Thành, Vĩnh Long) giả vờ xin lên bờ mua đồ dùng cá nhân rồi bỏ chạy lên chùa Linh Ứng.
Lực lượng biên phòng động viên, giúp đỡ những nạn nhân trong vụ mua bán người. Ảnh: TT |
“Tụi em vào gặp ni cô ở chùa để mượn điện thoại trình báo cơ quan chức năng nhưng không có. Sư cô đã cho bọn em 100.000 đồng để đón xe đến đồn biên phòng Sơn Trà trình báo sự việc”, Tâm kể lại.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã triển khai trinh sát xuống gặp gỡ các thuyền viên, đồng thời xác lập kế hoạch điều tra.
Thượng tá Trần Hữu Thanh, Trưởng đồn biên phòng Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết, qua xác minh bước đầu, nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, liên quan đến đường dây mua bán người nên xác lập chuyên án điều tra.
Cơ quan biên phòng đã “nhử” được hai đối tượng cầm đầu đường dây này là Nguyễn Ngọc Trung (trú phường 1, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh) và Trần Văn Vũ (quê phường 10, thành phố Vũng Tàu) ra Đà Nẵng để tiến hành bắt giữ.
Cả Trung và Vũ đã khai nhận đã bán các lao động nói trên cho Trần Thế Tây với giá 15 triệu đồng/người. Hiện vụ việc đã được chuyển giao cho cơ quan công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) tiếp tục điều tra, xử lý.
Theo Thượng tá Danh thì cả hai đối tượng này khai nhận ở Vũng Tàu có nhiều trung tâm như thế này.
“Từ đầu năm 2017, cả hai đã thực hiện trót lọt 3 vụ việc mà những nạn nhân không kêu ca gì được. Còn trước đó cũng đã thực hiện nhiều vụ khác. Nhiều người khi hoàn thành hợp đồng đi biển xong là về tay trắng vì nó ăn chặn hết rồi.
Riêng chủ tàu và thuyền trưởng khai ngược lại rằng là do điều kiện nhiều thuyền viên khi ứng trước 15 triệu đồng rồi bỏ trốn nên phải quản lý chặt, để lao động hoàn trả tiền ứng”, Thượng tá Danh cho hay.