Ông Vasily Kashin, học giả từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Công nghệ tại Moscow, Nga. Ảnh: Defense News. |
Xung quanh căng thẳng Trung - Mỹ trên Biển Đông, hãng thông tấn Nga TASS ngày 26/5 cho hay, hầu hết giới chuyên gia Nga tin rằng khó có thể nổ ra xung đột lớn hay chiến tranh giữa 2 cường quốc này trên Biển Đông, nhưng tình hình sẽ còn căng thẳng trong thời gian dài vì chưa có dấu hiệu nào cho thấy có một sự thỏa hiệp.
Washington đã yêu cầu Bắc Kinh dừng ngay các hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và điều động máy bay giám sát, tàu quân sự tuần tra vùng biển này.
Giới phân tích và các chuyên gia Hoa Kỳ cũng như các nước châu Á lo ngại rằng, khi xây xong 7 đảo nhân tạo, Trung Quốc có thể áp đặt các hạn chế tự do thương mại hàng hải cũng như hàng không ở Biển Đông. Ngoài ra nguồn tài nguyên năng lượng ở Biển Đông chắc chắn cũng đóng một vai trò nhất định, mặc dù ước tính về trữ lượng có nhiều con số nhận định khác nhau.
Nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Công nghệ tại Moscow, Vasily Kashin nói với TASS rằng: "Một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở giai đoạn này rất khó xảy ra. Nhưng sự cố nghiêm trọng có thể gây ra một cuộc xung đột ngoại giao kéo dài giữa 2 nước".
Ông nhắc lại vụ va chạm giữa máy bay do thám Hoa Kỳ với chiến đấu cơ Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam năm 2001 khiến phi công Trung Quốc tử vong còn 24 thành viên phi hành đoàn Mỹ bị bắt gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ giữa 2 nước.
"Những ngày nay người Mỹ có kế hoạch công khai chống lại Trung Quốc (bành trướng), vì vậy nguy cơ xảy ra sự cố vẫn tồn tại. Hoa Kỳ cho rằng phản ứng cứng rắn sẽ buộc Trung Quốc phải xuống thang, nhưng điều này là một sai lầm thô thiển. Người Trung Quốc có khả năng hành động cứng rắn vì họ xem Biển Đông là địa bàn chiến lược quan trọng đặc biệt. Đó là vấn đề an ninh. Nếu các hành động chống Trung Quốc (bành trướng) tiếp tục, họ có thể sẽ chờ đợi đến thời cơ họ cho là chín muồi để phản công. Quan hệ Trung - Mỹ có thể trở nên tồi tệ trong nhiều thập kỷ", Kashin bình luận.
Hải quân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục giám sát tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông. Ảnh: Reuters. |
Học giả này cho rằng Biển Đông là một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới với tuyến hàng hải quốc tế sôi động vận chuyển dầu thô từ Trung Đông. Một phần lớn nguồn năng lượng và hàng hóa thương mại của châu Á hàng ngày đang được lưu chuyển qua lại vùng biển này. Vì vậy theo ông sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng năng lượng là nguyên nhân gốc rễ của căng thẳng trong khu vực.
"Đối với Trung Quốc, họ xem Biển Đông có ý nghĩa quan trọng chiến lược về an ninh và hải quân. Đảo Hải Nam là nơi đặt căn cứ tàu ngầm chạy động cơ năng lượng hạt nhân. Bảo vệ yêu sách (vô lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông là một trong những yếu tố cơ bản của chính sách đối ngoại Trung Quốc", ông Kashin nhận xét.
Cần lưu ý rằng, học giả Nga này đã không đả động gì đến chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như các quốc gia khác ven Biển Đông đã và đang bị Trung Quốc xâm hại nghiêm trọng khi chỉ nói đến vai trò của Biển Đông đối với Trung Quốc - PV.
Người Mỹ lo sợ rằng, nếu Trung Quốc có ưu thế quân sự không thể chối cãi ở Biển Dông, hoạt động của tàu thuyền, máy bay nước ngoài trong phạm vi "200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc tuyên bố" có thể bị hạn chế.
Cần nói rõ rằng, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc không được phép lấy 2 quần đảo này đòi yêu sách này nọ. Mặt khác, 2 quần đảo này không đủ điều kiện hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS và 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép cũng không thể đòi hỏi 12 hải lý lãnh hải vì bản thân nó là những bãi san hô nằm dưới mực nước biển khi thủy triều lên. Bồi lấp, xây đảo nhân tạo tại đó không làm thay đổi tính chất pháp lý của các thực thể này - PV.
Kashin cho rằng, với người Mỹ việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông là rất quan trọng. "Ở đây nó là vấn đề uy tín và ảnh hưởng của Mỹ với các nước ASEAN. Washington đã quyết tâm khẳng định vai trò lãnh đạo của mình. Do đó nhượng bộ (Bắc Kinh) không phải là phong cách của Mỹ. Hiện tại không có cơ hội nào dù nhỏ nhất cho sự thỏa hiệp".