Tới dự hội thảo có ông Lê Như Tiến - nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa 13;
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong;
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam;
Và bà Nguyễn Thị Vân Anh - thành viên Hội đồng quản trị Trường tiểu học và Trung học Everest, Hà Nội.
Ngày 14/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Công bằng, bình đẳng về thuế giữa các loại hình cơ sở giáo dục” (Ảnh Thùy Linh) |
Phát biểu mở đầu hội thảo, Nhà báo Đào Ngọc Tước - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, ngày 4/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về việc tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2015, trong đó chỉ đạo:
“Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập, người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước.”
Trước đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo xác định:
“Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị.”
“Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ…”
“Tiến tới bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với người học ở trường công lập và trường ngoài công lập.”
Đặc biệt, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương cũng có chỉ đạo: “Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.”
Các đại biểu dự Tọa đàm. Ảnh: Thùy Linh |
Tuy nhiên, theo Nhà báo Đào Ngọc Tước, hiện nay, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang tồn tại mô hình trường mầm non / phổ thông công lập được tuyển sinh toàn địa bàn và thu học phí cao gấp hàng chục lần so với các trường công lập khác thu học phí thấp theo quy định để đảm bảo an sinh xã hội và phân tuyến tuyển sinh để thực hiện chính sách phổ cập.
“Thực tiễn này đặt ra vấn đề có hay không sự mất công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục công lập nói trên với các cơ sở giáo dục tư thục, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách xã hội hóa giáo dục, chủ trương huy động sức dân đầu tư vào giáo dục mà Đảng, Nhà nước đã phát động?”, ông Tước băn khoăn.
Bởi lẽ, theo vị này, riêng trong lĩnh vực thuế, trong khi các trường tư thục đang đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thuế khác, các trường công lập được tuyển sinh và thu phí tương tự như trường tư có phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước hay không, thực hiện như thế nào, đã có sự công bằng giữa các loại hình nhà trường trên phương diện nghĩa vụ thuế với Nhà nước hay chưa?
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: Thùy Linh |
Vì vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Công bằng, bình đẳng về thuế giữa các loại hình cơ sở giáo dục” để lắng nghe ý kiến các nhà giáo, các nhà đầu tư, các trường tư thục về việc thể chế hóa các chủ trương nói trên của Đảng, Nhà nước về công bằng, bình đẳng trong chính sách thuế giữa trường công lập và trường tư thục trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật số 43/2019/QH14 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ.
Từ đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổng hợp báo cáo các cơ quan chức năng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển giáo dục và đào tạo.