Đa dạng mức học phí trong đào tạo vi mạch, bán dẫn ở các trường đại học

08/08/2024 06:26
Minh Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tại các cơ sở giáo dục đại học, mức học phí của các ngành đào tạo về vi mạch, bán dẫn dao động từ 16 đến 78 triệu đồng/năm học.

Năm học 2024-2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã mở ngành, chuyên ngành đào tạo về vi mạch, bán dẫn với mức học phí dao động từ 16 đến 78 triệu đồng/năm học, tùy thuộc vào từng chương trình đào tạo.

BEA to University.jpg
Hiện nay, nhu cầu nhân lực chất lượng cao làm việc về vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam rất cao (Ảnh minh họa: Công ty Bosch Global Software Technologies Vietnam)

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội (mã trường: BKA), nội dung đào tạo về vi mạch, bán dẫn nằm trong chương trình các ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano; Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông hệ chuẩn; Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông hệ chương trình tiên tiến.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, mức học phí đối với sinh viên đại học chính quy của Đại học Bách khoa Hà Nội được xác định theo từng khóa, ngành/chương trình đào tạo căn cứ chi phí đào tạo, tuân thủ quy định của Nhà nước.

Các ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano thuộc chương trình đào tạo chuẩn có mức học phí dao động từ 24 đến 30 triệu đồng cho năm học 2024-2025.

Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông thuộc nhóm các chương trình tiên tiến (Elitech) có mức học phí từ 33 đến 42 triệu đồng cho năm học 2024-2025.

Cả 3 ngành đào tạo này đều sử dụng 3 phương thức tuyển sinh là xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa theo kết quả bài thi đánh giá tư duy năm 2023 và năm 2024; xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024.

Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 60 chỉ tiêu cho ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano; ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông hệ chuẩn tuyển 480 chỉ tiêu; ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông hệ chương trình tiên tiến tuyển 60 chỉ tiêu.

BKU 1-01.jpg
BKU 2-01.jpg
Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh năm 2024 Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (mã trường: DDK) có mức học phí dự kiến của chương trình đào tạo đại học chính quy ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch áp dụng cho năm học 2024-2025 là 28.700.000 đồng. Các năm học sau, học phí được điều chỉnh tăng theo quy định của Nhà nước.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường áp dụng 6 phương thức xét tuyển: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển thẳng theo phương thức tuyển sinh riêng của trường; Xét tuyển học bạ trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy cho Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Nhà trường sử dụng các tổ hợp A00 và A01 để xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024.

Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng dự kiến tuyển 60 chỉ tiêu chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch (thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông).

4 BK Đà Nẵng.png
Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.

Tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, một số trường đại học thành viên cũng có các chương trình đào tạo về vi mạch, bán dẫn.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (mã trường: QSB), ngành Thiết kế vi mạch thuộc nhóm các chương trình tiêu chuẩn, có học phí năm học 2024-2025 là 29.000.000 đồng. Các năm học sau, mức học phí tăng từ 1 đến 1,5 triệu đồng/năm so với năm học liền trước.

Học phí được thu theo học kỳ với số tín chỉ tối đa là 17 tín chỉ/học kỳ. Phần tín chỉ vượt được tính theo đơn giá tín chỉ. Một năm học có 2 học kỳ chính. Học phí các học kỳ phụ (nếu sinh viên có nhu cầu học) thu theo đơn giá tín chỉ.

Nhà trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển vào ngành học này, bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường trung học phổ thông năm 2024 theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả quá trình học tập trung học phổ thông), năng lực khác, hoạt động xã hội.

Trong 6.710 chỉ tiêu nhà trường tuyển sinh ở 57 ngành/chuyên ngành, riêng ngành Thiết kế vi mạch dự kiến tuyển 100 sinh viên.

6 BKU HCM.png
Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (mã trường: QSC), ngành Thiết kế vi mạch, thuộc hệ đào tạo chính quy, có mức học phí năm học 2024-2025 là 32.800.000 đồng. Từ các năm học sau, học phí được điều chỉnh tăng từ 3,2 đến 4,8 triệu đồng/năm học so với năm học liền trước.

8 phương thức xét tuyển nhà trường sử dụng để tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch gồm:Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; Xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác; Ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển; Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả học tập cấp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển.

Theo Đề án tuyển sinh 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh 100 chỉ tiêu cho ngành học này. Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, trường sử dụng các tổ hợp A00 và A01 để xét tuyển.

CNTT checkkkk-01.jpg
Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (mã trường: QST), nội dung vi mạch, bán dẫn được đào tạo ở hai ngành là Thiết kế vi mạch và Công nghệ bán dẫn.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, trong năm học 2024-2025, học phí của ngành Thiết kế vi mạch là 31.000.000 đồng, ngành Công nghệ bán dẫn là 30.400.000 đồng.

Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng 6 phương thức tuyển sinh cho cả hai ngành, bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế (dành cho thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình nước ngoài); Xét tuyển dựa trên kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập trung học phổ thông; Ưu tiên xét tuyển hoặc ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong năm đầu tiên tuyển sinh và đào tạo, ngành Thiết kế vi mạch dự kiến tuyển 60 chỉ tiêu, ngành Công nghệ bán dẫn tuyển 50 chỉ tiêu.

KHTN 2-01.jpg
KHTN 1-01.jpg
Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Cần Thơ (mã trường: TCT) đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc ngành Kỹ thuật máy tính. Ngành học này thuộc nhóm các chương trình đại trà, có mức học phí dự kiến là 22.700.000 đồng cho năm học 2024-2025.

Nhà trường sử dụng 3 phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển điểm học bạ trung học phổ thông; Xét điểm thi V-SAT; Xét tuyển điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024.

Trong đó, Trường Đại học Cần Thơ dự kiến tuyển 90 chỉ tiêu cho ngành Kỹ thuật máy tính, chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Ảnh chụp từ thông báo mức học phí các ngành học năm 2024-2025 của Trường Đại học Cần Thơ.

Ảnh chụp từ thông báo mức học phí các ngành học năm 2024-2025 của Trường Đại học Cần Thơ.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng (mã trường: VKU) đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính. Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, mức học phí của trường với sinh viên chính quy năm 2024-2025 là 16.400.000 đồng/sinh viên.

Nhà trường dự kiến tuyển 60 sinh viên ngành học này bằng 5 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; Xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; Xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông; Xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, nhà trường sử dụng các tổ hợp A00, A01, D01, D90 để xét tuyển.

Trong chính sách hỗ trợ tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng, thí sinh trúng tuyển chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn được miễn từ 50% đến 100% học phí trong 2 học kỳ đầu tiên tùy thuộc vào mức điểm trúng tuyển. Chính sách này áp dụng cho tất cả phương thức xét tuyển.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn - Đại học Đà Nẵng.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn - Đại học Đà Nẵng.

Tại Trường Đại học CMC (Mã trường: CMC), chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.

Theo Đề án tuyển sinh năm học 2024, học phí của ngành học này là 18.200.000 đồng/học kỳ cho hệ đào tạo chuẩn và 26.000.000 đồng/học kỳ cho hệ đào tạo song ngữ.

Chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn được đào tạo trong vòng 3 năm, mỗi năm 3 học kỳ. Như vậy, năm học 2024-2025, học phí chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn là 54.600.000 đồng theo hệ đào tạo tiêu chuẩn và 78.000.000 đồng cho hệ đào tạo song ngữ.

Nhà trường sử dụng 5 phương thức xét tuyển vào ngành học này, bao gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học CMC; Xét tuyển kết hợp kết quả học tập bậc trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế.

Trong 1.350 chỉ tiêu nhà trường tuyển sinh ở 10 ngành, ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (bao gồm chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn) dự kiến tuyển 80 sinh viên.

Tại Trường Đại học Tư thục Quốc tế Sài Gòn (mã trường: SIU), học phí ngành Công nghệ thông tin, chuyên ngành Thiết kế vi mạch với sinh viên chính quy năm 2024-2025 là 29.800.000 đồng/học kỳ.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin, chuyên ngành Thiết kế vi mạch của nhà trường kéo dài 4 năm, tương đương 8 học kỳ. Như vậy, tổng mức học phí của chuyên ngành Thiết kế vi mạch là 238.400.000 đồng, tương đương 59.600.000 đồng/năm học.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Tư thục Quốc tế Sài Gòn sử dụng 4 phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024; Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông dựa vào kết quả học bạ lớp 12; Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông dựa vào kết quả học bạ 3 học kỳ; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Với ngành Công nghệ thông tin, chuyên ngành Thiết kế vi mạch, chỉ tiêu tuyển sinh của trường cho năm học 2024-2025 là 100 chỉ tiêu. Trong đó, nhà trường sử dụng điểm thi các tổ hợp A00, A01, D01, D07 để xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông 2024.

Trường Đại học Phenikaa (mã trường PKA) đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử. Theo Đề án tuyển sinh 2024, chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn có mức học phí dự kiến là 46.200.000 đồng cho năm học 2024-2025.

Nhà trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh bao gồm: xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển dựa vào học bạ bậc trung học phổ thông; xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, nhà trường sử dụng các tổ hợp A00, A01, C01, D07 để xét tuyển.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Phenikaa.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Phenikaa.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Phenikaa dự kiến tuyển sinh 11.296 chỉ tiêu cho 55 ngành học. Trong đó, nhà trường dự kiến tuyển sinh 50 chỉ tiêu cho chuyên ngành Thiết kế vi mạch, thuộc ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử và cam kết hỗ trợ việc làm đối với sinh viên K18 học năm 2024 tốt nghiệp đúng hạn ngành này từ loại Khá trở lên.

Tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (mã trường: KCN), theo Đề án tuyển sinh năm 2024, năm học 2024-2025 ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn có mức học phí 53.000.000 đồng với sinh viên Việt Nam và 70.000.000 với sinh viên quốc tế. Theo lộ trình tăng học phí của nhà trường, mức học phí các năm học sau sẽ tăng không quá 6% so với năm học liền trước.

Dự kiến, ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn của trường tuyển sinh 50 chỉ tiêu. Các phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông kết hợp phỏng vấn; xét tuyển thẳng theo đề án của trường; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, các tổ hợp nhà trường sử dụng để xét tuyển là A00, A01, A02, D07.

Chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội gồm 180 tín chỉ, được thực hiện trong 3 năm học. Vào năm thứ 3, sinh viên sẽ có thời gian thực tập tốt nghiệp trong khoảng 3-6 tháng tại các viện, trung tâm nghiên cứu, công ty/tập đoàn công nghiệp tại Việt Nam, Pháp và một số quốc gia khác.

Final đi mà-01.jpg
Học phí năm học 2024-2025 của một số cơ sở giáo dục đào tạo các ngành/chuyên ngành về vi mạch, bán dẫn.
Minh Quân