Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại Hà Nội. |
Ngày 13/4 giáo sư Vladimir Kolotov từ đại học Quốc gia St. Petersburg bình luận trên tờ Russia Byond The Headlines, với sự cạnh tranh ngày càng tăng của các cường quốc thế giới ở châu Á - Thái Bình Dương, Nga đang nỗ lực củng cố chỗ đứng của mình trong nền kinh tế Việt Nam và mở cửa vào ASEAN. Theo ông, Moscow đang thúc đẩy hợp tác thương mại với Hà Nội lên mức 10 tỉ USD trong năm tới chủ yếu thông qua phát triển hợp tác trong các lĩnh vực hạt nhân, năng lượng và kỹ thuật quân sự.
Một cuộc cạnh tranh khốc liệt đã nổ ra gần đây giữa các cường quốc trên thế giới nhằm tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông gia tăng. Trung Quốc hoạt động mạnh nhất ở Biển Đông với việc xây dựng các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) và cơ sở hạ tầng quân sự. Sự leo thang tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang chưa từng có trong khu vực, giáo sư Vladimir Kolotov bình luận.
Trong khi đó theo ông, người Mỹ đã lợi dụng tình hình này để lấy lại ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á, bao gồm sự hiện diện quân sự trong khu vực và triển khai hiệp định Đối tác Chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một đối trọng với hiệp định tự do thương mại do Bắc Kinh dẫn đầu. Nga không liên quan trực tiếp đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng theo ông Kolotov, Moscow không thể nói rằng chủ đề này nằm ngoài mối quan tâm của Điện Kremlin.
Một sự thay đổi trong cán cân lực lượng khu vực này, ví dụ như sự tái lập mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thể đe dọa vị trí của Moscow trong thị trường năng lượng và vũ khí. Nga ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ thông qua các khuôn khổ luật pháp quốc tế. Theo ông Kolotov, Việt Nam đang hy vọng Nga sẽ có đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề này trong khi Moscow có quan hệ khá tốt với Bắc Kinh, Trung Quốc thường lắng nghe quan điểm của Nga.
Trong tình hình hiện nay điều quan trọng đối với Nga là phát triển mối quan hệ tốt với các khu vực khác nhau trên thế giới, nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Bản thân Việt Nam là quan trọng đối với Nga, đồng thời Việt Nam cũng được xem như cửa sổ để Nga vào ASEAN. Trong khoảng thời gian dài cải cách hướng về phía Tây, vì các lợi ích của riêng mình, Nga đã bỏ qua sự xuất hiện của các nền kinh tế năng động và mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương, hoạt động thụ động và kém hiệu quả trong các thị trường này.
Giáo sư Vladimir Kolotov. |
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ đã đạt 36 tỉ USD kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ, còn Nga chỉ có 3,7 tỉ USD, ít hơn Hoa Kỳ gần 10 lần. Tuy nhiên Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết, Moscow hy vọng sẽ tăng con số này lên 10 tỉ USD trong vòng 5 năm tới. Tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ với Việt Nam đã được Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh trong chính sách đối ngoại của Nga, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Nga đã duy trì vị trí vững mạnh của mình ở Việt Nam chủ yếu thông qua hoạt động hợp tác dầu khí, năng lượng hạt nhân và kỹ thuật quân sự. Nga hy vọng sẽ có được hợp đồng trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, Ninh Thuận 1 và một trung tâm nghiên cứu hạt nhân. Nga sẽ vẫn là một đối tác ưu tiên của Việt Nam trong hợp tác kỹ thuật - quân sự.
Các khía cạnh địa chính trị cũng cần được đưa vào xem xét. Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng tăng giữa các định dạng tích hợp khác nhau giữa Washington và Bắc Kinh, Việt Nam quan tam đến việc mở rộng hợp tác với Nga, như việc tăng cường vai trò của Moscow trong khu vực để đối phó với các đe dọa an ninh và chủ quyền, đặc biệt từ những người trong thời gian qua đã sử dụng lực lượng vũ trang của họ chống lại Việt Nam.
Học giả Anton Tsvetov. |
Trước đó hôm 9/3 một học giả khác, Anton Tsvetov từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại Liên bang Nga bình luận trên tờ Russia Council, Việt Nam không muốn trở thành nạn nhân trong quan hệ đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đó là lý do tại sao Việt Nam cần Nga. Tuy nhiên theo học giả này, ngay cả trong 3 lĩnh vực hợp tác truyền thống Nga vẫn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường Việt Nam với các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ.
Điều gì sẽ xảy ra đối với hoạt động xuất khẩu thiết bị quân sự của Nga một khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Anton Tsvetov đặt câu hỏi. Việc Israel thắng thầu cung cấp súng trường tấn công Galil cho Việt Nam năm ngoái bỏ lại đằng sau "con cưng của các nước đang phát triển, súng trường Kalashnikov" được ông Tsvetov ví như một "vết cắn thực tế trên chiếc bánh sandwich".
Tsvetov cho rằng đã đến lúc để xem xét vấn đề liệu Nga có thể cung cấp những gì cho Việt Nam mà các nước khác không thể. Những hàng hóa có thể giúp tăng kim ngạch thương mại? Khu phức hợp quân sự - công nghiệp Nga duy trì sự cân bằng giá cả - chất lượng ở mức hấp dẫn với Việt Nam? Liệu Nga có đủ nguồn lực vào lúc này để tham gia các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam? Moscow sẽ có thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của đối tác Đông Nam Á này của mình? Những câu hỏi này dường như không có câu trả lời.
Nga là đối tác quan trọng đối với Việt Nam, tuy nhiên sức mạnh của mối quan hệ đã gần như không bao giờ được thử nghiệm trong lịch sử gần đây. Va chạm tương tự tranh cãi giữa Nga và Mỹ về vấn đề sử dụng dịch vụ tại cảng Cam Ranh của Việt Nam được truyền thông nhắc đến trong tháng 3 vừa qua cũng có thể xảy ra trong trục quan hệ Nga - Trung Quốc - Việt Nam, Tsvetov bình luận. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều là đối tác chiến lược của Nga, nếu Moscow phải lựa chọn, ông Tsvetov cho rằng Nga hãy lựa chọn trung thực.