Ngày 9/2/2019 (mùng 5 Tết), 2 nhà hàng ở Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa bị tố "chặt chém" khách du lịch với mức giá trên trời.
Một phiếu thanh toán ngày 7/2 của nhà hàng Hưng Phát ở phường Lộc Thọ, Thành phố Nha Trang có tổng giá trị thanh toán 9,2 triệu đồng gồm:
Đĩa đậu bắp luộc 300.000 đồng, đậu Hà Lan xào tỏi 300.000 đồng, trứng xào cà chua 500.000 đồng, cơm trắng 200.000 đồng, đĩa mì xào hải sản 500.000 đồng.
Vụ việc khác xảy ra tại quán Tháp Bà Làng Chài trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Thọ cũng có đơn giá giá rất cao với phiếu thanh toán chiều mùng 3 Tết, món khổ qua xào được tính với giá 500.000 đồng/2 đĩa, rau mồng tơi xào 250.000 đồng/đĩa và su su luộc 250.000 đồng/đĩa.
Hóa đơn tính tiền với mức giá trên trời. Ảnh: VOV. |
Điều làm dư luận bức xúc là có nhiều món ăn được "chặt chém" với giá cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung tại các nhà hàng ở Thành phố Nha Trang.
Đó chỉ là 2 vụ mới nhất trong số nhiều vụ xảy ra không chỉ ở Nha Trang, Khánh Hòa mà còn diễn ra trên nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Tháng 6/2017, tài khoản có tên T.A viết: Khi tôi vô tình hỏi về giá của túi bánh rán mật ở phố cổ Hà Nội: “Họ cứ dí cái bánh lại sát tôi và ép tôi mua với giá cao hơn rất nhiều.
Trang cá nhân Cherry Hien đăng tải hình ảnh kèm bài viết cảnh báo mọi người về việc bị một quán ăn “chặt chém” khi cùng gia đình đi du lịch tại Đà Nẵng.
Ngày 21/7/2017, đoàn khách 15 người lớn và 12 trẻ em được một lái xe điện du lịch giới thiệu đến quán ăn M.Đ trên đường Trần Bạch Đằng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Sau khi nhìn menu, đoàn khách gọi cơm với những món là trứng, thịt rang, sau đó mọi người tiếp tục gọi hải sản với chem chép, mực cơm, cá chim, canh nghêu.
Theo phản ánh, quán báo giá cá chim loại nhỏ với giá 500.000 đồng 1 con nhưng khi tính tiền lại là 600.000 đồng 1con. Thịt rang 120.000 đồng 1 đĩa nhưng “lèo tèo vài miếng”.
Canh chua nghêu 150.000 đồng với 10 con nghêu. Khi tính tiền, mọi người bức xúc vì thấy tổng hóa đơn hơn 6 triệu đồng.
Nhà hàng Trung Quốc ở Đà Nẵng cũng "chặt chém" Ảnh: VOV. |
Không chỉ nhà hàng nội địa mà còn có cả những nhà hàng của người Trung Quốc kinh doanh tại Thành phố Đà Nẵng cũng bị tố “chặt chém” khách với bữa ăn đơn giản lên tới 8 triệu đồng.
Anh Nguyễn Đình Tuyên, tỉnh Đồng Nai cho biết, ngày 11/11/2017, đoàn của anh gồm 9 người đi tham quan vịnh Hạ Long trên tàu Hồng Long, biển kiểm soát QN – 4266.
Đoàn có gọi món ăn trưa theo thực đơn, khi tàu gần về đến bờ, đoàn phải thanh toán cho bữa ăn với giá là 6,4 triệu đồng.
Ngoài ra, đoàn phải thanh toán thêm một hóa đơn gồm công chế biến, đồ tráng miệng, 6 lon bia để hấp hải sản với giá hơn 1,8 triệu đồng.
Tổng số tiền đoàn phải thanh toán cho bữa cơm trưa đó là hơn 8 triệu đồng.
Tháng 9/2017, hai vợ chồng du khách người Hà Lan đi taxi hãng Đại Hòa Phát từ phố Hàng Quạt đến Bảo tàng Dân tộc học trên đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy.
Đoạn đường khoảng 7km bị tài xế tính giá 870.000 đồng, hai vợ chồng đã kịp ghi lại biển kiểm soát chiếc xe là 30A - 56218.
Ngày 17/7/2018, trên mạng xã hội xuất hiện clip phản ánh việc 2 du khách người Pháp bị một người đạp xe xích lô trả lại 900.000 đồng tiền âm phủ, sau khi thuê người này chở đi tham quan phố cổ Hà Nội với mức phí 600.000 đồng/giờ.
Sau chuyến đi, 2 du khách trả người lái xích lô 1,5 triệu đồng và nhận lại tiền thừa là 900.000 đồng tiền âm phủ bao gồm 1 tờ 500.000 đồng và 2 tờ 200.000 đồng.
Vụ việc đã được Công an Quận Hoàn Kiếm điều tra làm rõ.
Khách du lịch tại Hà Nội bị trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ. Ảnh: VOV. |
Theo quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi bổ sung năm 2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, hành vi vi phạm quy định công khai giá, tùy từng trường hợp có thể bị phạt tiền.
Với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết, niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Niêm yết không đúng giá cụ thể, giá không nằm trong khung hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá thì có thể bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng.
Vì thiếu nhân viên nên dẫn đến thực trạng mất vệ sinh tại một số nhà hàng trong dịp Tết. Ảnh: Tùng Dương. |
Vậy tại sao những sự việc như vậy vẫn tiếp tục xảy ra? Phải chăng mức xử phạt còn quá thấp nên không đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng "chặt chém" vẫn xảy ra nhiều ở các khu du lịch nhất là vào những ngày lễ, tết?
Vài năm qua, du lịch Việt Nam vướng phải không ít những sự việc gây bức xúc dư luận liên quan đến tình trạng “chặt chém”, móc túi khách.
Xét về khía cạnh văn hóa, đây không chỉ là hành vi ép giá, trục lợi đơn thuần mà nó còn thể hiện về nhận thức, về trách nhiệm của bản thân đối với xã hội.
Nó thể hiện việc coi thường luật pháp, không coi ai ra gì, thích làm gì thì làm. Đó cũng là một mối nguy cho xã hội hiện đại.
Trong một cộng đồng văn minh thì những hành động kiểu như ép giá, lừa đảo cần có biện pháp xử lí mạnh hơn nữa, thậm trí là xử tù thì mới có sức răn đe, không thể xử theo kiểu phạt vi phạm hành chính như hiện nay.
Về lâu dài những hành động đó còn làm xấu đi hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam, là nguyên nhân làm cho khách quốc tế một đi không trở lại.
Trong một lần trao đổi với Báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Nói du lịch, ai cũng nói phong cảnh Việt Nam rất đẹp, con người rất tốt nhưng sao du lịch của mình thua kém các nước nhiều thế?
Nhìn sang Thái lan, Malaysia, họ có 27 - 30 triệu khách một năm; Singapore cũng có 15 - 16 triệu khách.
Thu nhập từ khách du lịch của Thái Lan một năm cũng 50 - 60 tỉ USD. Mình chỉ được khoảng 10 tỉ USD, khách được khoảng 8 triệu người.
Du lịch Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực vì chưa giải quyết được 6 điều mà du khách quốc tế “rất sợ”.
Trước tiên là tình trạng “làm giá, chặt chém”. “Cái này không chỉ thiệt hại kinh tế mà làm cho khách du lịch họ cảm thấy không được coi trọng, bị coi thường”.
Thứ hai, khách du lịch quốc tế rất sợ giao thông Việt Nam, người ta nhìn thấy tình trạng giao thông rất không an toàn”.
Vấn đề thứ 3 mà Phó Thủ tướng chỉ ra là tình trạng ăn xin, ăn cắp vặt.
Điều đáng sợ thứ 4 là tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, khi họ trực tiếp thấy cảnh ở vỉa hè, đường phố, người ta bốc thức ăn mà không có bao nilon.
Thứ năm là về môi trường ở Việt Nam không chỉ có rác, rồi nhà vệ sinh bẩn khủng khiếp… “Ngay ở các khu du lịch trọng điểm, người ta xả rác ra đường, nơi công cộng rất thản thiên. Không hề có ý thức bảo vệ môi trường”.
Điều đáng sợ thứ 6 là: Có những nơi, có người không thể hiện sự tôn trọng khách. “Như khi mua bán, nhiều nơi mời khách vào mua, người ta không mua là thể hiện ngay thái độ thiếu tôn trọng.
Theo ông Vũ Đức Đam, phát triển du lịch còn cần nhiều vấn đề như đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, khách sạn… Tất cả những cái đó phải có quá trình, nhưng phải tập trung ngay vào những việc không cần phải tiền nhiều mà du lịch cũng lên được, nếu chúng ta giải quyết được những điều này, thì không cần tốn tiền mà du lịch cũng lên.
Lối làm ăn "chặt chém" phi đạo đức đang phá hoại hình ảnh Việt Nam |
Nhìn sang các nước lân cận như: Thái lan, Singapore… thì những vụ việc kiểu như vậy sẽ bị xử rất nghiêm khắc, thậm trí còn bị phạt tù giam vài tháng.
Có lẽ vì thế những vụ ép giá, “chặt chém” cũng rất hiếm khi xảy ra ở nước họ.
Khi một địa phương xảy ra tình trạng “chặt chém” về giá thì các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương đó như:
Ủy ban nhân dân các cấp, quản lí thị trường, Công an… không thể không có trách nhiệm vì đó là địa bàn của họ quản lí.
Việc cần nhất lúc này là tuyên truyền, giáo dục sát hơn nữa với đối với các hộ kinh doanh và các cơ sở liên quan.
Kết hợp với mức xử phạt thật nặng, thậm trí nếu tái phạm thì cấm vĩnh viễn hành nghề.
Có làm tốt được việc đó thì mới lấy lại được hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, an toàn trong mắt bạn bè Quốc tế và lấy lại vị thế cho ngành du lịch. Ngành công nghiệp không khói và được xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế Việt Nam .