Đà Nẵng đang chống dịch ra sao?

19/05/2021 06:39
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đà Nẵng đã thực hiện hơn 22.000 mẫu xét nghiệm/ngày - một con số kỷ lục, chạy đua chống dịch Covid-19.

Từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 3/5 là nhân viên khách sạn Phú An (quận Hải Châu, Đà Nẵng), Đà Nẵng đã chính thức bước vào cuộc chiến chống dịch với cấp độ liên tục tăng dần.

Trong khi lực lượng công an, nhân viên y tế khẩn trương truy vết tìm các F1, F2 liên quan, các tổ dân phòng khoanh vùng, phong tỏa các khu vực nghi ngờ thì đội quân chuyên nghiệp của CDC Đà Nẵng thần tốc hướng về các phường, xã, khu công nghiệp để lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm.

Với chủ trương, “phong tỏa hẹp, xét nghiệm diện rộng, phong tỏa cứng, phong tỏa mềm”, thành phố kiên trì với nổ lực vừa chống dịch vừa đảm bảo đời sống, sản xuất cho nhân dân.

Thần tốc lấy gần 22.000 mẫu/ngày

Khi những ca bệnh bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng, nhiều ánh nhìn đều hướng về Đà Nẵng, sự nghi ngờ xuất hiện.

Thậm chí, có địa phương đã ra công văn cấm tiếp nhận người từ Đà Nẵng về hay bắt buộc xét nghiệm, cách ly đối với công dân thành phố này khi đến địa phương khác.

Nhưng chính quyền và người dân Đà Nẵng vẫn không vội phản bác, bởi đơn giản, họ đang phải lao mình vào cuộc chiến trực diện với Covid-19.

Đà Nẵng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình chiều ngày 18/5.

Đà Nẵng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình chiều ngày 18/5.

Theo kết quả giải trình tự gen tại Đà Nẵng thì tất cả 4 nhóm chủng virus nCoV đều là chủng biến thể Anh B.1.17. (khác chủng ở các tỉnh phía Bắc).

Hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm đã được lấy, nhiều khu chung cư, tuyến phố bị phong tỏa. Chính quyền dần siết chặt các biện pháp an toàn, từ việc cho học sinh nghỉ học phòng dịch, đến đóng cửa bãi biển, nhà hàng, khách sạn…

Và gần đây nhất là yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, phát phiếu đi chợ theo ngày chẳn/lẻ cho người dân, cấm các hoạt động grab, shipper…

Cùng với những quy định mang tính chất phòng ngự thì Đà Nẵng cũng chuyển sang hướng “phản công” bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm. Xét nghiệm chính là điểm mạnh, là vũ khí lợi hại nhất để thành phố kiểm soát được tình hình.

Liên quan đến những điểm nóng như khu vực quanh vũ trường New Phương Đông, thẩm mỹ viện AMIDA… hàng chục ngàn trường hợp đã được CDC Đà Nẵng lấy mẫu, qua đó phát hiện các ca dương tính để chuyển đi cách ly, điều trị, đồng thời truy vết những trường hợp liên quan.

Cao điểm nhất có lẽ là đợt “phản công” tại điểm nóng Khu công nghiệp An Đồn vào đêm ngày 11/5.

Trước đó, vào chiều ngày 11/5, một nữ nhân viên tổng đài của Công ty Trường Minh (nằm trong khuôn viên Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà) được xác định dương tính với virus Sar-Cov-2, không rõ nguồn lây.

CDC Đà Nẵng được nhận Bằng khen của Thủ tướng. Ảnh: AN

CDC Đà Nẵng được nhận Bằng khen của Thủ tướng. Ảnh: AN

Ngay trong đêm, thành phố đã phong tỏa Khu công nghiệp, đồng thời huy động đội ngũ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân và các hộ dân sống quanh khu công nghiệp này.

Theo CDC Đà Nẵng, đã có hơn 10.000 mẫu được lấy, qua đó phát hiện 33 trường hợp F1 (cùng công ty với nữ bệnh nhân) dương tính đưa đi cách ly, điều trị.

“Đó là một đêm không ngủ với đội ngũ nhân viên y tế, công an và chính quyền địa phương… Lúc đó, ai cũng lo lắng dịch bệnh sẽ lây lan trong khu công nghiệp thì mức độ nguy hiểm sẽ rất lớn.

Nhiều đồng nghiệp của tôi đã kiệt sức và nằm nghỉ ngay cạnh điểm lấy mẫu”, một nhân viên y tế tham gia lấy mẫu cho hay.

Gần một tuần sau cuộc truy vết, xét nghiệm thần tốc, tình hình dịch tại Khu công nghiệp An Đồn cơ bản đã được khống chế.

Phiếu đi chợ theo ngày được phát cho người dân Đà Nẵng để hạn chế tập trung đông người. Ảnh: AN.

Phiếu đi chợ theo ngày được phát cho người dân Đà Nẵng để hạn chế tập trung đông người. Ảnh: AN.

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố ngày 14/5, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu tốc độ lấy mẫu phải được đẩy nhanh hơn giúp thành phố sớm nhận định được mức độ, nguy cơ của dịch bệnh, để từ đó có những biện pháp kịp thời.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, với tình hình dịch bệnh hiện tại thì đơn vị này phải huy động nhân lực để bổ sung cho khoa xét nghiệm và làm việc 24/24 để giải quyết số mẫu thu về.

Có thời điểm, CDC Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 22.000 lượt người/ngày. Đó là một con số “kỷ lục” mà địa phương đang nắm giữ trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19. Tất cả nhằm đi trước để ngăn chặn hiệu quả nếu phát hiện có ca dương tính mới.

Sáng tạo, linh hoạt trong “cách đánh” Covid-19

Để có được con số kỷ lục đó, Bác sĩ Thạnh chia sẻ, đã tiến hành cải tiến, đổi mới cách thức xét nghiệm. Nếu như đợt dịch trước (tháng 7/2020), Đà Nẵng thành công trong việc thực hiện xét nghiệm gộp 5, làm nhanh chóng để phát hiện các ca lây nhiễm thì đợt này CDC làm mẫu gộp 10.

“Phong tỏa hẹp, xét nghiệm diện rộng, phong tỏa cứng, phong tỏa mềm” là cách đánh Covid-19 của Đà Nẵng. Ảnh: AN

“Phong tỏa hẹp, xét nghiệm diện rộng, phong tỏa cứng, phong tỏa mềm” là cách đánh Covid-19 của Đà Nẵng. Ảnh: AN

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, rút kinh nghiệm trong những lần lấy mẫu xét nghiệm của đợt dịch năm ngoái, đợt dịch thứ 3 lần này, CDC Đà Nẵng đã có những sáng tạo để nâng cao công suất.

“CDC đã có đề xuất và Sở Y tế đồng ý là trộn mẫu 2 ống mười để thành 20. Việc này vừa tiết kiệm thời gian và nguồn lực rất nhiều”, bác sĩ Yến nói.

Tính sơ bộ, nếu chi phí để xét nghiệm đơn lẻ lên đến hơn 39,7 tỷ đồng thì với cách thức mẫu gộp 20, chi phí chỉ còn hơn 2,7 tỷ đồng. Với cách làm sáng tạo và tiết kiệm chi phí này, CDC Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen.

Một cách làm khác biệt nữa của Đà Nẵng là địa phương này triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng theo hộ gia đình. Trong ngày 18/5, các nhân viên y tế đã thực hiện lấy mẫu.

Quá trình này dự kiến thực hiện từ ngày 18/5 đến ngày 21/5 cho đại diện 65.888 hộ chưa được xét nghiệm. Số lượng đối tượng được xét nghiệm phân theo quận, huyện. Loại mẫu xét nghiệm là mẫu gộp 10.

“Việc xét nghiệm theo hộ gia đình là cần thiết, giúp phát hiện nhanh các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và tiết kiệm chi phí. Mặc dù quá trình làm việc, tôi ít di chuyển nhưng cũng lo lắng nên đi xét nghiệm sẽ an tâm hơn”, bà Trần Thị Lan Anh (một hộ dân ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay.

Theo ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thì các đơn vị phải tập trung cao độ trong giai đoạn cao điểm sắp tới để triển khai các kế hoạch về xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình.

Thực hiện việc đảm bảo tiến độ lấy mẫu xét nghiệm vừa đảm bảo tập trung truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu các đối tượng F1, F2 ngay khi phát hiện ca mắc Covid-19 trên địa bàn.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng rà soát, lấy mẫu, xét nghiệm cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp.

Ghi nhận những nỗ lực ấy, ngày 16/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định tặng bằng khen cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng vì đã cóthành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đây là nguồn động viên kịp thời cho đôi ngũ Y, Bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và là nguồn động viên kịp thời cho nhân dân Đà Nẵng đang chung tay chống dịch.

CDC Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công việc xét nghiệm mẫu gộp 5, trở thành kinh nghiệm cho các địa phương khác.

Với cách làm quyết liệt, triệt để và sáng tạo như vậy, Đà Nẵng xứng đáng là hình mẫu chống dịch cho nhiều địa phương học tập, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

AN NGUYÊN