Cô giáo ở Đà Nẵng vô tình làm trầy má học sinh thì bị phạt 5 triệu đồng và đình chỉ công tác một tháng nhưng thầy giáo tát, đạp, đá học sinh ở Thanh Hóa đến mức đi bệnh viện thì chỉ bị xử phạt 2 triệu đồng.
Việc áp dụng luật một cách tùy tiện như vậy khiến nhiều giáo viên, phụ huynh bức xúc vì người phạm lỗi nặng thì bị xử nhẹ, còn người xác định là vô tình lại bị phạt nặng hơn.
Liên quan đến việc thầy giáo Nguyễn Quý Cầu hành hung em N.H.T (học sinh lớp 8A, Trường THCS Quảng Đông, TP.Thanh Hóa) khiến em bị thương phải đi bệnh viện sơ cứu, Công an xã Quảng Đông đã xử phạt hành chính giáo viên 2 triệu đồng.
Trước đó, trong lúc chơi đùa cháu T. đã ném chai nước từ tầng 2 xuống sân trường không may suýt trúng người thầy. Trong lúc nóng giận thầy T. đã có hành vi đánh, tát, đạp cháu T., gây nên các vết xước ở vùng ngực, cổ và mặt.
Xử lý vụ việc Công an xã này đã căn cứ, áp dụng nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự để xử phạt thầy Cầu.
Trường TH và THCS Đức Trí, nơi xảy ra vụ việc giáo viên làm xước má học sinh. (Ảnh: AN) |
Cách đây vài ngày, Sở Giáo dục&Đào tạo TP.Đà Nẵng cũng có quyết định xử phạt hành chính đối với cô giáo Oanh (giáo viên Trường TH và THCS Đức Trí, quận Hải Châu) 5 triệu đồng và đình chỉ công tác một tháng.
Thanh tra Sở này xác định cô Oanh đã có hành vi đánh học sinh gây thương tích nên căn cứ Nghị định 138/2013/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Sở Giáo dục Đà Nẵng nói về vụ giáo viên đánh nhau ngay trước cổng trường (GDVN) - Bản thân là giáo viên THPT nhưng cô Lê Thị Cúc lại đi đánh đồng nghiệp ngay giữa sân trường khiến dư luận phẫn nộ. Nội dung |
Sự việc diễn ra vào chiều ngày 12/10, bà Lê Thị Cúc (phụ huynh em H.G, học sinh Trường TH và THCS Đức Trí) đã xông vào trường và tát vào mặt một cô giáo đang trả học sinh vì cho rằng cô này đã đánh, gây xước má con bà.
Sau khi tìm hiểu, bà Cúc biết mình đánh nhầm vì người đánh em G. là cô Oanh. Cô Oanh cũng thừa nhận do em G nói chuyện riêng, không chịu đi ngủ nên đã dùng tay phát vào vai, do móng tay dài nên gây xước má cho em.
Trong vấn đề này, Luật sư Trần Ngọc Qúy – Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng việc áp dụng để xử phạt như vậy là tùy tiện, thiếu sự nhất quán.
Theo luật sư, trong hai vụ việc này đối tượng hành hung và đối tượng bị hành hung là cùng chung quan hệ: Thầy – Trò. Cả hai vụ việc đều xảy ra trong phạm vi trường học và trong giờ học.
Như vậy cả hai trường hợp đều phải bị chi phối bởi sự quản lý của ngành giáo dục. Việc cơ quan chức năng áp dụng nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử phạt thầy Cầu là không đảm bảo tính pháp lý và không thuyết phục.
Bởi ở đây, thầy Cầu đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, thầy Cầu là thầy giáo hành hung học trò trong trường học, tại giờ học đang thuộc phảm vi quản lý của ngành giáo dục.
Nghị định 167/2013 chỉ là nghị định chung, áp dụng cho các trường hợp vi phạm trật tự chung. Còn ở đây, đã có quy định chuyên ngành rõ ràng thì phải áp dụng quy định này mới đảm bảo đúng pháp luật và sự thuyết phục.
Lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực đặc thù và đã có quy định riêng. Vậy khi thầy, cô giáo vi phạm thì phải áp dụng quy định này, chứ không thể áp dụng 1 quy định chung cho bất kể các đối tượng vi phạm bên ngoài xã hội.
Thầy giáo túm cổ áo, tát vào mặt, đạp vào người học sinh gây chảy máu(GDVN) - Công an thành phố Thanh Hóa đang điều tra vụ thầy giáo Nguyễn Qúy Cầu túm cổ áo, tát, đạp vào người học sinh Hoàng N.T. trường THCS Quảng Đông. |
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hân (giáo viên một Trường THCS ở Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết, lâu nay, giáo viên chỉ tập trung vào công tác dạy học, ít khi nghe đến Nghị định 138/2013.
Nay tìm hiểu thì mới thấy nghề của mình nguy hiểm quá, có thể phạm pháp lúc nào không hay.
Việc đánh học trò vì bất cứ lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được. Nhưng nhiều khi cũng cần xét đến thái độ, hoàn cảnh của giáo viên.
Vì mong muốn học sinh của mình tốt hơn, học giỏi hơn mà gắt gỏng, phét vào mông vài cái mà cũng bị xem là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học” theo khoản 2 điều 21 của Nghị định này thì có thể rất nhiều người đã, đang và sẽ phạm pháp.
Trong hàng triệu triệu học sinh trưởng thành từ các mái trường thì mấy ai mà không từng bị thầy, cô mình nhéo cái tai hay cốc vào đầu vài cái. Nếu vì những cái đó mà thầy, cô thành người phạm pháp thì xã hội này sẽ ra sao?