Đại án "Việt Á", "Chuyến bay giải cứu" và bài học răn đe đanh thép cho cán bộ

18/01/2023 06:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Có thể thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng: nói đi đôi với làm”.

Trong những năm qua, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta phát động đã có những bước tiến, xử lý cán bộ sai phạm "không có vùng cấm".

Năm 2022, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự ủng hộ tuyệt đối của Nhân dân, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều quan chức cấp cao đã bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến các tội danh như: Vi phạm các quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội); Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII nói rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là xử lý tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù người đó là ai, ở vị trí nào.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta rất quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ảnh: Phạm Minh

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta rất quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ảnh: Phạm Minh

Từ đầu năm 2016 đến nay có trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật Đảng, có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý hình sự. [1]

Hơn 1 năm qua, có đến 7 Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, cách chức và cho thôi làm nhiệm vụ Ủy viên Trung ương. [2]

Có thể thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng: nói đi đôi với làm, lấy lại lòng tin của Nhân dân, được dư luận trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao.

Tinh thần quyết tâm, hành động quyết liệt đó chính là bài học nhãn tiền cho những người có hành vi hay đang có ý định tham nhũng, hoặc chuẩn bị “nhúng chàm”.

Đại án "Việt Á", "những chuyến bay giải cứu" và bài học răn đe đanh thép

“Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trăn trở như vậy. Và sự thật, cán bộ đảng viên, Nhân dân, ai cũng rất đau xót khi có nhiều cán bộ sai phạm, bị khởi tố, bị xử lý hình sự, song chúng ta phải làm vì sự tồn vong của đất nước, vì sự trong sạch và phát triển của Đảng, vì lòng tin mà Nhân dân gửi gắm.

Đấu tranh chống tham nhũng để tình hình tốt lên, để thanh lọc cán bộ, làm trong sạch bộ máy, làm sao để cán bộ giác ngộ được, không đi theo những vết xe đổ.

Những người bị kỷ luật, vào vòng lao lý cũng nhận ra được bài học sâu sắc, thấm thía, ân hận về hành động sai trái của mình”, ông Lê Như Tiến khẳng định.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, trong năm 2022, đại án “Việt Á” và "Chuyến bay giải cứu” là những vụ án gây chấn động xã hội. Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, toàn dân đang lao đao vì khốn khó nhưng vẫn có những người lợi dụng tình cảnh đó để trục lợi cá nhân, toan tính lợi ích nhóm.

Đại án “Việt Á” là vụ án tham nhũng tiêu cực có hệ thống, quy mô từ cơ quan bộ, ngành Trung ương có liên quan đến các địa phương, không dừng ở cấp tỉnh, thành mà cả ở cấp cơ sở, đặc biệt liên quan đến CDC của rất nhiều địa phương.

Đối với vụ án “Chuyến bay giải cứu”, trong thời điểm đại dịch Covid-19, vốn là một chủ trương rất nhân văn, chúng ta thực hiện những chuyến bay để giải cứu đồng bào mình ở nước ngoài, thế nhưng, có những cán bộ lẽ ra phải phụng sự Nhân dân, phụng sự đất nước lại vì lợi ích bản thân mình, bất chấp sai phạm để vơ vét, kiếm chác trên sự vất vả của đồng bào.

Những sai phạm đó là không thể chấp nhận, đến mức chúng ta phải xử lý nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ ngoại vi phạm.

Hai vụ đại án đó, hàng trăm người đã bị xử lý, không chỉ ở Trung ương mà cả địa phương, không chỉ phạm vi trong nước mà cả ngoài nước. Đó là bài học răn đe mạnh mẽ, đanh thép cho những người chuẩn bị có hành vi tham nhũng, là bài học vừa đau xót nhưng cũng vô cùng hữu ích cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

“Tôi thấm thía những câu nói của các đồng chí trong Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rằng: đối với những cơ quan bảo vệ pháp luật, những cơ quan phòng chống tham nhũng thì không thể có hành vi tham nhũng, bởi một khi tay họ đã “nhúng chàm” thì không thể nào phòng chống tham nhũng được, đó cũng là lời cảnh báo cho những cán bộ làm việc tại các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tổng kết công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không dừng tại đây mà còn phải quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, sớm đưa ra xét xử, xử lý những vụ án tham nhũng mà hiện đang trong quá trình điều tra, điều tra đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Phải khẳng định, những kết quả đã đạt được trong thời gian qua đã cho thấy sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan bảo vệ pháp luật như cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Đó cũng là quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta tuyệt đối không khoan nhượng với tham nhũng", ông Lê Như Tiến chia sẻ.

Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ dẫn tới lạm quyền, lộng quyền

Theo ông Lê Như Tiến, ngoài việc tuyển chọn, đào tạo, phát triển cán bộ thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để họ không bước chân vào con đường sai trái, bởi một khi có sự biểu hiện của tha hoá về quyền lực thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường.

Những dự án đầu tư từ ngân sách bị thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, đó chính là mồ hôi, nước mắt của Nhân dân, rồi trong hoàn cảnh đất nước khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhiều cá nhân vẫn ngang nhiên lợi dụng quyền lực, chức vụ để tư lợi cho riêng mình,.... Những tổn thất khó mà đo đếm, khó lòng cứu vãn, tài sản đất nước bị thất thoát, kinh tế bị thiệt hại, chúng ta mất cán bộ và mất uy tín của tổ chức.

Cần phải coi trọng cơ chế kiểm soát quyền lực, vì khi giao quyền lực cho cán bộ mà cơ chế kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, nhiều cán bộ “trượt dài” theo những sai phạm.

Bác Hồ đã từng dạy: "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải tuyển chọn được cán bộ theo đúng vị trí, là những người vừa có tâm, vừa có tầm.

Tuy nhiên có một thực tế là, ban đầu lựa chọn cán bộ, chúng ta đã chọn được những người có tài, có đức, nhưng trong quá trình công tác, họ đã không vượt qua được những cám dỗ về mặt vật chất, họ bị cuốn theo “bả” lợi danh, không còn giữ được sự liêm chính, trong sạch.

Đây là bài học sâu sắc cho công tác cán bộ, nếu không kiểm soát quyền lực thì người có quyền sẽ trở nên lạm quyền, chuyên quyền, tha hóa quyền lực, tự tung tự tác, đặc biệt một khi những người đứng đầu một tổ chức, đứng đầu một địa phương mà “tay đã nhúng chàm”, dính vào tham nhũng thì uy tín của cả tổ chức, cơ quan đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Câu chuyện người đứng đầu của một số tỉnh, thành phố hay người đứng đầu của một số bộ lộng quyền, bước chân vào sai phạm, rơi vào vòng lao lý đã xảy ra trong thời gian qua.

Hành vi tham nhũng, bao che cho tham nhũng, đồng phạm với tham nhũng là không thể nào tha thứ. Chính vì vậy, trách nhiệm nêu gương người đứng đầu trong thời gian tới cần phải được làm rõ hơn, đặc biệt là cơ chế kiểm soát quyền lực phải được làm mạnh mẽ hơn.

Ông Lê Như Tiến chỉ rõ vấn đề: “Các cơ quan, chính quyền, đoàn thể của chúng ta đều có cơ quan kiểm tra của Đảng, vậy tại sao không kiểm soát được cán bộ của mình?

Ngay cả các tỉnh, thành, các bộ ngành đều có cơ quan thanh tra, cơ quan dân cử, họ đều phải làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ giám sát của mình.

Nhân dân, các tổ chức Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, họ cũng cần được tạo điều kiện để cùng tham gia vào nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.

Bên cạnh đó, phải có cơ chế để bảo vệ những người trung thực, dám đứng lên đấu tranh chống lại tham nhũng, tố cáo những hành vi tham nhũng.

Muốn chọn được hiền tài cho quốc gia thì cần phải lắng nghe, thấu hiểu Nhân dân. Phải chọn những con người có đức, có tài, có năng lực làm cán bộ cốt cán trong bộ máy chính trị; trao quyền cho những người có phẩm chất, có đạo đức, làm việc cống hiến vì lợi ích của Nhân dân thì chúng ta mới có được những cán bộ trong sáng, vì nước vì dân”.

Theo ông Lê Như Tiến, các cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên lão thành đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian qua và cũng kỳ vọng, mong mỏi, trong thời gian tới, công cuộc phòng chống tham nhũng tiếp tục được làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thể hiện rõ quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý nghiêm những kẻ vi phạm quốc pháp, tham ô, gây thiệt hại tài sản quốc gia, nhũng nhiễu, làm phiền hà đến cuộc sống của Nhân dân.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/thi-hanh-ky-luat-hon-70-can-bo-cao-cap-thuoc-dien-trung-uong-quan-ly-102262533.htm

[2] https://vov.vn/chinh-tri/7-uy-vien-trung-uong-dang-khoa-xiii-bi-cach-chuc-thoi-chuc-khai-tru-dang-post974954.vov

Phạm Minh