LTS: Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Có tài mà không có đức, là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Chất lượng của Đại biểu Quốc hội chính là phẩm chất đạo đức, trí tuệ, văn hóa của những người ưu tú, đại diện cho quyền lợi của nhân dân.
Chất lượng của mỗi Đại biểu Quốc hội tạo nên chất lượng và bản lĩnh chung của một Quốc hội “của dân, do dân, vì dân” nhằm làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang đến gần. Đây là sự kiện chính trị lớn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân.
Hôm nay, Ths Trương Khắc muốn đóng góp một phần nhỏ bé để xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh qua thiển ý của tác giả.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả thiển ý của tác giả.
Mở đầu Bộ Luật Quốc hội đã chỉ rõ “Quốc hội là cơ quan đại biêu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [1].
Vai trò, vị trí của Quốc hội vô cùng quan trọng, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước. Vậy điều gì làm nên sức sống và quyền lực của cơ quan Quốc hội? Đó chính là hơn 500 đại biểu đại diện cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Chính vì tầm quan trọng và vai trò to lớn của Quốc hội nên mỗi “tế bào” của cơ quan này là các đại biểu phải là những cá nhân hội đủ các yếu tố tâm, tầm và tài.
Đại biểu của dân phải là người có tâm, tầm và tài (Ảnh: moha.gov.vn) |
Quốc hội khóa XIV sắp được bầu, bài học kinh nghiệm rút ra trong 13 khóa trước cho thấy rằng khi nào chất lượng đại biểu cao thì thời kỳ đó có những quyết sách đúng đắn, chính vì vậy chất lượng đại biểu Quốc hội là vấn đề ngày càng được quan tâm.
Theo thiển ý của người viết bài này, mỗi đại biểu chất lượng phải hội đủ 3 yếu tố tâm, tầm và tài.
Thứ nhất: Người đại biểu Quốc hội phải là con người có “tâm”, chữ “tâm” là một khái niệm thuộc phạm trù ý thức, có hàng trăm cách định nghĩa khác nhau về vấn đề này.
Song, chữ “tâm” với tư cách là một người cán bộ, là người đại diện cho hàng triệu người dân phải là người biết nói tiếng nói của nhân dân, thay mặt nhân dân nói lên nguyện vọng của họ tại nghị trường và kiến nghị đến các cơ quan công quyền phải giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân.
Càng gần ngày bầu cử, càng phải thận trọng, chu đáo(GDVN) - Khi mà tham nhũng đang được coi là một quốc nạn, thì việc đẩy lùi tham nhũng là nhiệm vụ đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. |
Muốn làm được điều đó trước hết người đại biểu phải hiểu dân, biết dân, trọng dân, trăn trở với những yêu cầu chính đáng của nhân dân, thông qua các cuộc tiếp xúc với cử tri đại biểu phải ghi, nhớ những điều nhân dân phản ánh chứ không phải chỉ giao cho thư ký tổng hợp rồi báo cáo lại.
Thực tế cho thấy trong nhân dân vẫn còn tồn tại nhiều oan sai, nhiều vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo, điển hình là các vụ án oan làm rúng động dư luận như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn…điều đó đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội phải có cái tâm thương dân, biết đau với nỗi đau của nhân dân, biết xót xa trước mất mát của nhân dân.
Thứ hai: Đi đôi với “tâm”, người đại biểu Quốc hội phải có “tầm”, “tầm” cũng là một khái niệm chưa thật sự rõ ràng nhưng có thể hiểu tầm là “tầm cỡ” uy tín, tầm cỡ không phải chỉ được tạo nên từ chức vụ, quyền hạn mà nó được tạo nên bởi nhân cách, khí khái, dám nói thẳng, nói thật, đủ bản lĩnh để vượt qua những vấn đề nhạy cảm.
Thực tiễn hơn 70 năm ra đời và hoạt động của Quốc hội đã có rất nhiều đại biểu không xuất phát từ các cơ quan nhà nước, không mang hàm tước nhưng rất nổi tiếng được lòng quần chúng và đóng góp rất lớn cho Quốc hội, chính những đại biểu có “tầm” đã để lại những phát biểu ấn tượng, chính họ đã góp phần không nhỏ nhằm nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội.
Ngược lại đại biểu không có “tầm” dễ dàng mất hút cả nhiệm kỳ, thực tế có những đại biểu được nhân dân nhớ tên, nhớ mặt nhưng cũng có rất nhiều đại biểu còn lạ lẫm với nhân dân.
Thứ ba: Đại biểu Quốc hội nhất quyết phải là người tài năng thì đất nước mới phát triển, hoạt động của Quốc hội bao hàm tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh điều đó đòi hỏi đại biểu phải có trí tuệ cao, có trình độ hiểu biết về nhiều lĩnh vực mới có thể phát biểu, phản biện và tranh luận.
"Đại biểu không đóng góp gì thì nên rút lui, không tái ứng cử"(GDVN)-Những Đại biểu được cử tri tín nhiệm mà không có đóng góp gì phải thấy hổ thẹn trước cử tri của mình. Sự hổ thẹn đúng đắn nhất là rút lui, hoặc không tái ứng cử. |
Mặc dù đại biểu Quốc hội được chọn ra từ tất cả các tầng lớp trong xã hội, mỗi người đại diện mỗi lĩnh vực, nhưng cần có sự giao thoa về hiểu biết giữa các lĩnh vực với nhau để hỗ trợ và tranh luận vấn đề, sẽ không khách quan và khó đi đến chân lý nếu mỗi người chỉ “cát cứ” trong phạm vi hiểu biết của mình.
Ví dụ, khi bàn về vấn đề Biển Đông thì tất cả các đại biểu hoặc chí ít cũng là có số đông đại biểu có kiến thức về lịch sử, địa lý, chính trị, ngoại giao… mới có thể tham gia bàn luận được. Ngược lại nếu chỉ có một vài đại biểu hiểu biết về vấn đề này thì sẽ khó có tranh luận, khi không có tranh luận thì khó vỡ vạc ra vấn đề.
Mọi vấn đề của đời sống xã hội ngày càng biến động phức tạp, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa đã và đang đặt ra yêu cầu mỗi quyết sách phải vừa phù hợp với lòng dân vừa phù hợp với xu thế và thời đại trong đó vấn đề quốc gia và quốc tế đôi lúc không thể tách rời, thực tiễn này đòi hỏi đại biểu phải có đủ kiến thức, trình độ, tài năng, hiểu biết chứ không phải chỉ mỗi việc “bấm nút”!
Để xứng đáng là người đại biểu Quốc hội đúng nghĩa của từ này, đủ khả năng đại diện cho hàng triệu người dân nhất quyết phải hội đủ tâm, tầm và tài, nếu có tâm và tầm mà không có tài sẽ rất khó để cống hiến, ngược lại nếu có tài mà không có tâm sẽ là người vô dụng như Bác Hồ từng dạy.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, giải bài toán cơ cấu và chất lượng đại biểu cần có sự hài hòa và hợp lý, nhưng vẫn phải đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu.
Để có một Quốc hội thực sự mạnh, không còn cách nào khác phải nâng cao chất lượng đại biểu, chất lượng của mỗi đại biểu là sự kết hợp của 3 yếu tố tâm, tầm và tài, Quốc hội là cơ quan dân cử vậy nên phải đảm bảo cơ cấu để thể hiện tính dân chủ, tuy nhiên đảm bảo cơ cấu nhưng chất lượng phải là yếu tố tiên quyết.
Tài liệu tham khảo:
[1] Luật Tổ chức Quốc hội, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2016.