Trước thông tin, phóng viên chỉ được dự 5 phút đầu các phiên họp của Thường vụ Quốc hội, cử tri và bạn đọc tỏ ra băn khoăn, không ít người bày tỏ tiếc nuối.
Tại sao, phải nhiều năm mới cố gắng minh bạch được thông tin hoạt động của Quốc hội thì nay lại có một quyết định mang tính “thụt lùi” như vậy là thắc mắc của rất nhiều cử tri.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (ảnh Quốc Toản). |
Trước quyết định được cho là “thụt lùi” và gây hụt hẫng này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông và được ông cho biết: “Khi biết được thông tin này tôi thấy đây là quy định mới của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Hiện dự luận đang băn khoăn về quyết định này vì chúng ta đang muốn minh bạch thông tin, muốn báo chí là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri nhằm thông tin được nhiều về hoạt động của Quốc hội.
Nhất là hiện có truyền hình Quốc hội - một công cụ, giải pháp kết nối giữa cử tri với đại biểu Quốc hội càng gần hơn. Nên, quy định hạn chế báo chí tiếp cận hoạt động của Quốc hội thì tôi cảm thấy băn khoăn.
Cái này, theo tôi cần tham khảo thêm nhiều ý kiến của dư luận, để ban thường vụ Quốc hội xem xét lại vấn đề này”.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (ảnh GDVN). |
Đồng quan điểm, nguyên Đại Biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội) cho rằng: “Trong nhiều năm qua việc báo chí được tham dự, đưa tin các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giúp người dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin.
Rõ ràng, trong hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có những không gian riêng để trao đổi thoải mái.
Phóng viên không được tường thuật các phiên họp của Thường vụ Quốc hội |
Tuy nhiên, nên tạo điều kiện để báo chí tham dự đưa tin các phiên họp vì các chính sách pháp luật càng được công khai, nhiều người biết để đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện thì càng giúp xây dựng chính sách tốt, đặc biệt là các vấn đề ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Quy định hạn chế báo chí, nếu có, chỉ nên quy định ở từng nội dung cụ thể chứ không nên áp dụng cho tất cả các phiên họp”.
Qua trao đổi với ông Vũ Mão - nguyên Chánh Văn phòng Quốc hội được ông cho biết: “Nếu không cho báo chí theo dõi đưa tin hoạt động của Thường vụ Quốc hội nữa thì đó là một điều đáng tiếc”.
Nhiều đại biểu Quốc hội khi được hỏi cũng đồng quan điểm rằng, họ cảm thấy tiếc nuối về việc này.